• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cập nhật giao tranh sau khi đối thoại Nga – Ukraine chưa đột phá

Thế giới 01/03/2022 10:26

(Tổ Quốc) - Vòng đàm phán đầu tiên của Nga và Ukraine hôm thứ Hai chưa đạt được bước ngoặt nào trong việc xoa dịu căng thẳng.

Chiến dịch đặc biệt của Nga vẫn tiếp tục được tiến hành khi tên lửa của Nga nhắm vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine, lực lượng quân đội áp sát thủ đô Kyiv và có hơn nửa triệu người Ukraine tìm cách rời khỏi đất nước.

Giao tranh tiếp tục hậu đàm phán, Nga không lùi bước

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã đồng ý tiến hành cuộc đàm phán hôm thứ Hai với phía Nga, mặc dù nhận thấy chỉ có một "cơ hội nhỏ để kết thúc căng thẳng" và nói rằng số phận của đất nước ông với tư cách là một quốc gia độc lập hiện đã bước vào một "thời kỳ quan trọng".

Các phái đoàn của Ukraine và Nga đã gặp nhau trong khoảng 5 giờ đồng hồ tại một địa điểm gần biên giới giữa Ukraine và đồng minh của Nga là Belarus, và họ đã đồng ý tổ chức một vòng đàm phán khác. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao đã đề cập đến sự xa cách về lập trường giữa hai bên: Ukraine đang yêu cầu ngừng bắn và Nga rút quân, trong khi Nga muốn "phi quân sự hóa" Ukraine và nước này cam kết trung lập, có nghĩa là phải rời xa phương Tây. Thậm chí còn có bất đồng về nơi tổ chức các cuộc đàm phán.

Tại Kyiv, lệnh giới nghiêm kéo dài hai ngày đã được dỡ bỏ ban ngày hôm thứ Hai để cho phép người dân thận trọng ra ngoài để bổ sung nguồn cung cấp lương thực thực phẩm, tận hưởng một chút không khí trong lành và hiểu về hiện trạng của thành phố. Nhưng sau đó, lệnh này được áp đặt lại vào đêm thứ Hai khi còi báo động nổi lên và một số vụ nổ dữ dội nhất vẫn vang dội khắp thành phố.

Cập nhật giao tranh sau khi đối thoại Nga – Ukraine chưa đột phá - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng Nga đang di chuyển gần thủ đô Kyiv, Ukraine. Ảnh: Maxar Technologies/CNN.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ và Anh, các cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra ở ngoại ô thủ đô Kyiv, khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga chủ yếu tập trung đông đảo cách thành phố này khoảng 15 đến 19 dặm về phía bắc và lực lượng Nga không kiểm soát trung tâm dân cư lớn nào.

Ông Zelensky một lần nữa kêu gọi đồng bào của mình bảo vệ đất nước, thông điệp mới nhất trong một loạt các thông điệp công khai. Trong bài phát biểu được quay hôm thứ Hai, ông nói: "Khi tôi lên kế hoạch trở thành tổng thống, tôi đã nói rằng mỗi chúng ta đều là tổng thống, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với đất nước của chúng ta, đối với Ukraine xinh đẹp của chúng ta".

Trong khi đó, ông Putin khẳng định Nga không nhắm mục tiêu vào dân thường trong chiến dịch quân sự này. Trong khi đó, cũng có những dấu hiệu căng thẳng ở Nga, khi các lệnh trừng phạt nặng nề mà Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản và Australia, bắt đầu cho thấy tác động. Đồng rúp giảm giá mạnh so với đồng USD, thị trường chứng khoán Nga không mở cửa hôm thứ Hai và người dân xếp hàng dài tại các cây ATM vì sợ bị mắc kẹt mà không có tiền mặt.

Ông Putin cũng đã chỉ trích các động thái và các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây là bằng chứng cho thấy sự hung hăng của họ đối với Nga. Cuối tuần qua, ông đã đặt các lực lượng Nga trong tình trạng cảnh báo hạt nhân cao độ, dù chưa rõ mục tiêu thực tế của mệnh lệnh này.

Nỗ lực trừng phạt quốc tế gia tăng

Trước những diễn biến hiện tại, Mỹ và phương Tây liên tiếp tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và vào các nguồn tài chính quan trọng nhất của nước này, trong đó có việc loại Nga khỏi hệ thống tài chính quan trọng SWIFT, và yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức.

Trong ngày 28/2, Mỹ thông báo rằng họ sẽ trục xuất 12 "nhân viên tình báo" của Đại sứ quán Nga và của phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc. Những người này bị cáo buộc đang tham gia vào các hoạt động không phù hợp với vị trí đã nêu là nhà ngoại giao, phái bộ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết. Việc trục xuất này được cho là không liên quan đến Ukraine nhưng diễn ra vào thời điểm quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ.

Nhà Trắng thông báo rằng Mỹ đã kích hoạt các biện pháp trừng phạt mới ngăn chặn ngân hàng trung ương Nga tiếp cận bất kỳ tài sản nào tại Mỹ hoặc sử dụng đồng bằng đô la Mỹ. Lệnh cấm này cũng nhắm vào Bộ Tài chính và Quỹ Quốc gia của Nga.

Việc nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương Nga sẽ cản trở việc ông Putin tiếp cận ngân sách cho quân sự trị giá 640 tỷ USD của nước ông và có khả năng là biện pháp trừng phạt gây tổn hại nhất cho giới lãnh đạo Nga, các chuyên gia nhận định.

Các biện pháp trừng phạt này – có sự tham gia của nhiều đồng minh lớn khác - sẽ vô hiệu hóa cái mà Nga gọi là "chính sách bảo hiểm" – vốn để giữ giá đồng rúp khi đồng rúp sụp đổ và lạm phát tăng đột biến.

Thụy Sĩ, mặc dù có lịch sử trung lập, cho biết họ cũng sẽ tham gia vào liên minh trừng phạt này, điều có thể ảnh hưởng xấu đến nhiều người Nga giàu có – khi họ thường chọn các ngân hàng Thụy Sĩ để gửi tiền. Mỹ cũng dự kiến sẽ mở rộng danh sách các nhà tài phiệt bị trừng phạt.

Còn Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nước dù là thành viên NATO nhưng đã phát triển quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Nga, cho biết ông đang xem xét yêu cầu từ ông Zelensky để chặn các tàu chiến Nga di chuyển qua eo biển Bosporus, một lối quan trọng vào Biển Đen.

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép các nhân viên không cần thiết và các thành viên gia đình tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow rời đi; ban hành cảnh báo đi lại tới Nga và không khuyến khích công dân Mỹ đến đó du lịch.

Chính phủ Mỹ hôm thứ Hai cũng đã đình chỉ hoạt động tại đại sứ quán của họ ở Minsk, thủ đô Belarus, và kêu gọi các nhân viên không cần thiết ở đó rời khỏi Belarus.

Tại New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc, bao gồm tất cả 193 quốc gia thành viên của khối thế giới, đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp hiếm hoi vào thứ Hai để thảo luận về hành động quân sự của Nga. Nga đã cố gắng chặn cuộc họp này, nhưng 11 trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu cho nó.

Trong khi đó, cũng đã có nhiều động thái nhằm vào các ngành truyền thông, điện ảnh, thể thao của Nga. Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) thông báo sẽ đình chỉ vô thời hạn sự tham gia của Nga vào các giải đấu quốc tế, trục xuất Nga khỏi vòng loại trực tiếp World Cup 2022, một tháng trước các trận đấu cuối cùng vòng loại. Liên đoàn bóng bầu dục quốc tế cũng cho biết đã đình chỉ tư cách thành viên của Liên đoàn Bóng bầu dục Nga cho đến khi có thông báo mới.

TikTok cũng chặn các đơn vị truyền thông có liên quan đến chính phủ Nga, chẳng hạn như RT và Sputnik, phát sóng ở Liên minh châu Âu, theo sau một động thái tương tự của Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram.

Mới đây nhất, Disney cũng đã tuyên bố tạm dừng phát hành các bộ phim chiếu rạp ở Nga, tham gia vào hàng ngũ nhiều công ty Mỹ trả đũa Nga về hành động quân sự tại Ukraine.

Đối với loạt diễn biến này, Tổng thống Ukraine Zelensky đã hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu khởi động một quá trình đặc biệt cho phép Ukraine ngay lập tức gia nhập khối 27 quốc gia này. Ông đã ký giấy nộp đơn xin gia nhập liên minh vào thứ Hai.

Việc gia nhập cấp tốc như vậy là cực kỳ khó xảy ra. Nhưng EU đã lên tiếng ủng hộ Ukraine và, trong lần đầu tiên trong lịch sử, vào cuối tuần qua, đã đồng ý hỗ trợ quốc gia này đối phó lại Nga.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ