• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cấy gene người vào não khỉ: mục tiêu thực sự của giới khoa học Trung Quốc là gì?

Thế giới 14/04/2019 08:46

(Tổ Quốc) - Những con khỉ sau khi được cấy gene người trở nên thông minh và có nét giống sự tiến hoá của loài người hơn.

CNN đưa tin, cộng đồng khoa học đang xuất hiện nhiều tranh cãi xung quanh việc một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tăng cường chức năng nhận thức của các con khỉ bằng cách cấy gene người vào não loại động vật này.

Nghiên cứu - được thực hiện với sự tham gia của một số trường đại học, dẫn đầu là Viện động vật học Côn Minh, đặt ra mục tiêu tìm hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa dẫn tới trí thông minh loài người.

Cấy gene người vào não khỉ: mục tiêu thực sự của giới khoa học Trung Quốc là gì? - Ảnh 1.

Những con khỉ có não được cấy gene người trở nên thông minh hơn (ảnh: CNN)

"Kích thước não và kỹ năng nhận thức là thứ thay đổi nhiều nhất trong quá trình tiến hóa của con người, và cơ chế gene phía sau những thay đổi này vẫn còn khó nắm bắt", báo cáo công bố ngày 27/3 viết.

Su Bing, một nhà nghiên cứu trong dự án cho biết, thí nghiệm đã được xem xét tính đạo đức và tuân theo không chỉ các tập quán khoa học tốt nhất của quốc tế và Trung Quốc, mà còn cả các tiêu chuẩn về quyền động vật thế giới.

"Về lâu dài, nghiên cứu cơ bản như thế này cũng sẽ cung cấp thông tin giá trị cho các phân tích về nguyên nhân bệnh tật và cách chữa trị các bệnh về não (như tự kỷ) – gây ra bởi sự phát triển não bất thường", ông Su Bing chia sẻ với CNN.

Trong nghiên cứu của ông Su Bing và các đồng nghiệp, 11 con khỉ nâu đã được cấy ghép các mẫu copy của gene MCPH1 – một yếu tố quan trọng cho "sự phát triển và tiến hóa não" của con người.

Phân tích hành vi và sinh lý của các con khỉ cho thấy, chúng phát triển giống người hơn, với trí nhớ ngắn hạn tốt hơn và thời gian phản ứng nhanh hơn so với thông thường. Não của chúng cũng cần thời gian phát triển lâu hơn – tương tự như con người.

Nhà gene học James Sikela của Đại học Colorado gọi thí nghiệm trên là "một con đường vô cùng rủi ro để theo đuổi".

Đây là cuộc tranh cãi liên quan tới gene thứ hai trong giới học thuật Trung Quốc và thế giới chỉ chưa đầy sáu tháng. Hồi tháng 11/2018, một nhà khoa học Trung Quốc đã tuyên bố tạo ra các em bé chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới. Không chỉ gây "náo loạn" quốc tế, nghiên cứu này còn bị chính chính quyền Trung Quốc coi là "bất hợp pháp" và phải đối mặt với điều tra.

Trong một bài viết công bố năm 2010, ông Sikela và đồng nghiệp cho rằng, các thí nghiệm về gene trên loài động vật linh trưởng không phải là con người, làm dấy lên các vấn đề đạo đức phức tạp, cũng như các vấn đề về lạm dụng và nguy hại.

Còn nhà sinh học Jacqueline Glover so sánh thí nghiệm Trung Quốc với bộ phim bom tấn "Hành tinh khỉ" trong đó, loài linh trưởng siêu thông minh đã tìm cách lật đổ loài người.

"Nhân tính hóa chúng có thể tạo ra nguy hiểm. Chúng sẽ sống ở đâu và chúng sẽ làm gì? Đừng tạo ra một sinh vật mà không thể có một cuộc sống ý nghĩa trong bất kỳ hoàn cảnh nào", Glover cảnh báo.

Tuy nhiên, Su Bing tỏ ra vẫn rất tự tin vào những gì mình đã chọn lựa. "Khám phá cơ chế gene của quá trình tiến hóa não người là một vấn đề chủ chốt của khoa học tự nhiên, và chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá của mình", nhà khoa học Trung Quốc khẳng định.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ