(Tổ Quốc) - Bối cảnh nghệ thuật ở Indonesia đã gây tiếng vang quốc tế vào năm 2018 khi bức tranh "The Hunt" của họa sĩ Raden Saleh đã được bán với giá 8,8 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Pháp và trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất của Indonesia cho đến nay.
Theo trang SCMP, trong khi sự quan tâm đặc biệt của thế giới đối với tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng của Indonesia vẫn ở mức cao thì các nhà sáng tạo nghệ thuật mới nổi của đất nước này cho biết cơ hội của họ vẫn bị hạn chế do thiếu khách hàng trong nước và sự hỗ trợ không đồng đều từ chính phủ.
Đến nay, ba điểm nóng nghệ thuật lớn của Indonesia được gọi tên là thủ đô Jakarta, hòn đảo thiên đường Bali và trung tâm sáng tạo nghệ thuật Yogyakarta.
"Trong vài thập kỷ qua, nền nghệ thuật Indonesia đã hướng tới phát triển tập trung tại một số điểm đến nghệ thuật tiêu biểu của đất nước như Jakarta, Yogyakarta và Bali, nhưng điều này có thể đang thay đổi", Nghệ sĩ và nhà hoạt động Syska Liana, được biết đến với cái tên Syska La, có trụ sở tại Sidoarjo, cho biết.
Theo Statista, thị trường bán lẻ tác phẩm nghệ thuật của Indonesia trị giá 4 nghìn tỷ rupiah (280 triệu USD) vào năm 2019, con số này ước tính sẽ tăng lên khi số lượng người mua trong nước tăng.
Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, là một trong những nơi mà cộng đồng sáng tạo nghệ thuật đang hy vọng có thể bước vào thời kỳ phục hưng nghệ thuật khi nhu cầu ngày càng tăng.
"Thành phố Surabaya có rất nhiều cá nhân siêu giàu mua các tác phẩm nghệ thuật từ Jakarta, Yogyakarta, Singapore và thậm chí cả Hồng Kông (Trung Quốc)", bà Syska nói.
Bà Syska khẳng định Surabaya và Đông Java "có những điều cần thiết để tạo nên một nền nghệ thuật quan trọng" cho Indonesia, miễn là các điều kiện "vừa phải".
Cụ thể, Họa sĩ Suvi Wahyudianto đến từ đảo Madura từng giành được giải thưởng Bức tranh Đông Nam Á danh giá của UOB vào năm 2018, ví như "bằng chứng sống" rằng thành phố Surabaya có thể nuôi dưỡng các nghệ sĩ đương đại tầm cỡ quốc tế.
Đầu tư thêm vào những trung tâm nghệ thuật mới nổi
Tuy nhiên, bà Syska khẳng định sẽ cần hỗ trợ tài chính để biến điều đó thành hiện thực.
"Những gì chúng tôi cần là có thêm tổ chức doanh nghiệp và những khách hàng giàu có thực hiện hoạt động từ thiện cho hoạt động nghệ thuật địa phương để các nghệ sĩ có đủ phương tiện sáng tạo", bà Syska nói.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Jakarta (Macan) là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sức mạnh của hoạt động tài trợ nghệ thuật ở Indonesia. Được tài trợ bởi doanh nhân và nhà sưu tập nghệ thuật người Indonesia Haryanto Adikoesoemo, Macan nhanh chóng trở thành bảo tàng nghệ thuật đương đại hàng đầu của đất nước.
Elizabeth Yuliawati là người sáng lập và chủ sở hữu của Orasis Art Space - phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân tồn tại lâu nhất ở Surabaya và là người bảo trợ lâu năm cho nghệ thuật trong thành phố.
"Tôi đã dành 20 năm qua làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật ở thành phố Surabaya thông qua Orasis. Điều đó không hề dễ dàng, nhưng tôi coi đó là sứ mệnh cá nhân khi chứng kiến thành phố này trở thành một trung tâm nghệ thuật sôi động ở Indonesia", bà Elizabeth Yuliawati nói thêm.
Orasis nổi tiếng vì trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ Indonesia đã thành danh trong những năm đầu ở Surabaya, chẳng hạn như họa sĩ và nhà điêu khắc Iwan Yusuf và họa sĩ Joni Ramlan.
Deby Prima Dewi, Giám đốc điều hành tại Orasis nhấn mạnh trong ba năm qua, phòng trưng bày đã tập trung vào chiến lược cải tiến nhằm phát triển nghệ thuật trong bối cảnh nghệ thuật của Surabaya dần trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư nghệ thuật.
"Chúng tôi đã xác định một trong những lý do chính khiến các nhà sưu tập nghệ thuật của thành phố không muốn mua tác phẩm mới từ các nguồn địa phương, đó là vấn đề về niềm tin. Họ cảm thấy yên tâm hơn với các tác phẩm đã được xác thực, chứng nhận phù hợp và có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là những người mua tác phẩm nghệ thuật như một hình thức đầu tư", bà nói.
Sự quan tâm từ chính phủ
Ông Doddy, một nhà sưu tập nghệ thuật ở Surabaya cho biết ông đã mua một số tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ Indonesia từ các phòng trưng bày trong thành phố với giá chưa đến 20.000 USD.
Đối với những tác phẩm có giá trị cao hơn, ông cho biết hiện tại ông muốn mua chúng từ các phòng trưng bày hoặc nhà đấu giá ở Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc).
Trong những năm gần đây, Chính phủ Indonesia đã thành lập Quỹ Indonesiana, một quỹ tài trợ do Bộ Giáo dục và Văn hóa quản lý nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa.
Họa sĩ Syska cho biết khoản tài trợ khoảng 20.000 USD của Indonesia đã giúp bà tổ chức cuộc triển lãm nghệ thuật kéo dài ba tuần, miễn phí cho công chúng. Cuộc triển lãm có tên "Nawasena", lấy cảm hứng từ chữ viết Java cổ và trưng bày tác phẩm của cô cùng với tác phẩm của một số nghệ sĩ Đông Java khác.
Nhà xã hội học Oki Rahadianto Sutopo ở Đại học Gadjah Mada, người đã tiến hành nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh"câu chuyện thành công" mang đến danh tiếng cho thành phố cần phải thực hiện khéo léo, thu hút một mạng lưới nghệ sĩ từ khắp đất nước.
"Chính quyền địa phương của chúng tôi đã dành một quỹ nghệ thuật đặc biệt khá lớn để hỗ trợ các sự kiện nghệ thuật và giới thiệu các nghệ sĩ ở cấp độ quốc tế", ông Oki Rahadianto Sutopo nói.
Hệ sinh thái có cấu trúc tốt dành cho những người hoạt động nghệ thuật ở Yogyakarta đã được chứng minh theo thời gian, ví như "thỏi nam châm" thu hút các nghệ sĩ từ các khu vực khác chuyển đến đó.
Trong khi nguồn tài trợ của chính phủ có thể đủ để hỗ trợ một số nghệ sĩ thì những người lao động khác trong lĩnh vực sáng tạo của đất nước, chẳng hạn như nhà thiết kế đồ họa, cho biết những thay đổi về luật bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ cũng quan trọng không kém. Và chính điều này sẽ thúc đẩy phát triển hơn ngành công nghiệp sáng tạo của đất nước trong tương lai./.