(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mở rộng hoạt động càn quét Manbij, Syria nhằm đối phó với lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) kéo dài trong 5 ngày qua.
Càn quét Manbij
Reuters dẫn tin, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng hoạt động quân sự tới thành phố Manbij, Syria. Đây là động thái huy động lực lượng người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với Mỹ tại khu vực.
Chiến dịch “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài trong 5 ngày qua nhằm đối phó với lực lượng an ninh do Mỹ hậu thuẫn. |
Chiến dịch “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành càn quét trên không và thực địa tại khu vực Afrin phía Bắc Syria đã bước sang ngày thứ 5. Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và mở rộng mặt trận trong chiến tranh đa phương tại Syria.
Chiến dịch tiến về thành phố Manbij có thể là mối đe dọa cho kế hoạch Mỹ nhằm bình ổn khu vực Đông Bắc Syria. Đây được xem là động thái mới nhất trong một loạt các sự kiện xảy ra gần đây và đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến đã kéo dài 7 năm tại Syria.
Washington bày tỏ tức giận trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc thúc đẩy quân sự và tác chiến trên không nhằm tiêu diệt lực lượng người Kurd tại Syria.
“Thông qua chiến dịch Cành ô liu, chúng tôi một lần nữa lại có thể ngăn chặn các hành động lén lút trục lợi nhằm can thiệp vào khu vực”, Erdogan nói trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo tại Ankara.
“Bắt đầu tại Manbij, chúng ta sẽ tiếp tục ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào”, ông Erdogan nói thêm.
Các khác biệt đối với chính sách Syria liên tục kiềm chế quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Washington. Đối với Mỹ, lực lượng YPG là đồng minh chủ chốt nhằm đối phó với lực lượng khủng bố IS và quân đội chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ xem lực lượng YPG là kẻ thù.
Hoạt động của người Thổ tại Manbij đối mặt với nhiều rủi ro bởi sự hiện diện của quân đội Mỹ vây quanh thành phố.
“Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ lo lắng của Mỹ đối với hoạt động phòng thủ của người Kurd trong cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan vào ngày 24/1”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Sẵn sàng đối phó
Lực lượng Syria do Mỹ hậu thuẫn tại Manbij đã tăng cường trên mặt trận đối phó với cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nữ phát ngôn Sharfan Darwish cho biết ngày 24/1.
Thành viên lực lượng đặc biệt cảnh sát người Thổ Nhĩ Kỳ giám sát tại Azaz, Syria vào ngày 24.1.2018. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào”, bà Sharfan Darwish cho biết.
Theo nhóm giám sát nhân quyền tại Syria, hàng chục binh lính đã tử vong từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tự vệ.
“Các cuộc tấn công của người Thổ tại Afrin đã khiến 28 người dân tử vong”, nhóm giám sát nhân quyền cho biết.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỹ cho biết, họ đã tiêu diệt khoảng 287 tay súng người Kurds và các phiến quân IS trong chiến dịch. Tuy nhiên, lực lượng dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn cho biết, không có bất kỳ lực lượng khủng bố IS nào tại Afrin và cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang thổi phồng con số người tử vong
Khu vực an ninh
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết đã có cuộc gặp gỡ và thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Cả hai nhà lãnh đạo đã có trao đổi việc hình thành “khu vực an ninh” tiến sâu vào phía bắc Syria chừng 30km. Giới phân tích tỏ ra nghi ngờ khả năng chính sách Syria mới của ông Trump có thể mang tới kết quả tích cực.
Các lực lượng Anh, Mỹ, Đức tham gia cuộc chiến chống khủng bố đã tăng cường tại Afrin nhằm hỗ trợ đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng dân chủ Syria (
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận, các quan ngại an ninh của Ankara lại “chính đáng”. Tuy vậy, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho thấy một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ với Mỹ.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm xao lãng cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố IS.
Mỹ liên tục hi vọng sử dụng lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) giống như át chủ bài nhằm chấm dứt nội chiến Syria và nỗ lực tiến tới việc loại bỏ chính quyền Tổng thống Syria Assad.
Tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Iran đang “tăng cường nhanh chóng” vai trò tại Syria, dẫn đến việc quốc gia Trung Đông tiếp tục “tấn công vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh”. Theo ông, sự hiện diện của Mỹ tại Syria sẽ hướng vào mục tiêu “giảm bớt” ảnh hưởng của Iran.
Aaron Stein, một học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương cảnh báo, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ bị thúc đẩy bởi viễn cảnh: sự có mặt lâu dài của Mỹ tại Syria sẽ là “sự đảm bảo an ninh” cho các nhóm vũ trang người Kurd.
Chính sách mới của Mỹ đã tập trung vào các lợi ích chiến thuật – bao gồm sử dụng người Kurd tại Syria như một yếu tố chủ chốt chống lại IS bất chấp sự giận dữ của một đồng minh NATO – thường tạo ra những tình huống “tiến thoái lưỡng nan” mới.
“Các chính quyền của Mỹ đã thất bại trong việc tìm biện pháp giải quyết vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ”, Noah Bonsey, nhà phân tích chuyên về Syria của tổ chức International Crisis Group, nhận định.