(Tổ Quốc) - Người dân Iran chuẩn bị đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới - một phép thử về tiến trình hòa nhập của Tehran với thế giới.
Người dân Iran ngày 19/5 sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới – động thái có thể là một phép thử nhằm xác định tiến trình hòa nhập của Tehran với thế giới hoặc dừng lại hoặc sẽ tiến nhanh hơn.
Hai ứng viên chính trong cuộc bầu cử là Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani, với đường lối trung hòa, hướng đến cải cách và hội nhập phương Tây, cùng ứng viên bảo thủ Ebrahim Raisi, người phản đối thỏa thuận hạt nhân và nhấn mạnh Iran cần thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với phương Tây.
Thách thức mạnh mẽ từ ứng viên bảo thủ
Thách thức lớn nhất của ông Rouhani hiện là ứng viên bảo thủ Ebrahim Raisi, 56 tuổi, người nói rằng Iran không cần sự trợ giúp của nước ngoài và cam kết sẽ sự phục hồi các giá trị của Cách mạng Hồi giáo 1979.
Ứng viên bảo thủ Ebrahim Raisi, 56 tuổi đang là đối thủ nặng kí của ông Rouhani trong cuộc bầu cử sắp tới. (Nguồn: Reuters) |
Raisi đã kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri nghèo bằng cách cam kết tạo ra hàng triệu việc làm.
Saeed Leylaz, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Iran, đã bị bỏ tù vì chỉ trích chính sách kinh tế của Tổng thống tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad cho biết, "Mặc dù không thực tế nhưng những lời hứa như vậy chắc chắn sẽ thu hút hàng triệu cử tri nghèo."
Ông Raisi nhận được sự hỗ trợ của Đội Vệ binh Cách mạng Iran, lực lượng an ninh hàng đầu của đất nước và có liên kết với dân quân Basij, các nhà phê bình bảo thủ và hai nhóm giáo sĩ có ảnh hưởng.
Trong khi đó, một ứng viên bảo thủ nổi bật khác, Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf, thứ 2 vừa qua đã rút khỏi cuộc đua để ủng hộ ông Raisi trong một động thái hợp nhất các lực lượng bảo thủ và gia tăng thêm cơ hội chiến thắng cho ông Raisi.
Ông Raisi là một đồng minh thân cận và là người ủng hộ nhà lãnh đạo tối cao Khamenei. Các phương tiện truyền thông Iran trước đó đã đề cập rằng ứng viên này có thể là người kế nhiệm tương lai của Khamenei.
Mặc dù nhà lãnh đạo tối cao Khamenei không can dự vào tiến trình bầu cử, tuy nhiên, ông có thể tác động đến vòng bầu cử tổng thống bằng cách tuyên bố ủng hộ một ứng viên nào đó - động thái sẽ tập hợp được lá phiếu của các cử tri bảo thủ.
"Raisi có cơ hội thắng. Nhưng kết quả vẫn phụ thuộc vào quyết định của nhà lãnh đạo Khamenei", một cựu quan chức cấp cao, người đã từ chối tiết lộ danh tính cho biết.
Lo ngại về cách biệt sít sao của Rouhani
Đang hướng đến nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani, 68 tuổi vẫn đang dẫn trước với một cách biệt hẹp. Trong khi đó, các đối thủ cứng rắn đang chỉ trích ông Rouhani về thất bại trong việc thúc đẩy nền kinh tế đã bị suy yếu nhiều thập kỷ.
Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani, 68 tuổi đang dẫn trước một cách biệt hẹp. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều người dân Iran đang cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử ông Rouhani xúc tiến năm 2015 với các cường quốc lớn, nhằm xóa bỏ lệnh trừng phạt với nước này và Iran sẽ đóng băng chương trình hạt nhân, đã thất bại trong việc tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng và đầu tư nước ngoài.
Cho đến nay, ông Khamenei mới chỉ công khai kêu gọi gia tăng số người đi bỏ phiếu, nói rằng kẻ thù của Iran đã tìm cách sử dụng các cuộc bầu cử để "thâm nhập" cơ cấu quyền lực của họ, và số lượng cử tri đi bầu cao sẽ chứng minh tính hợp pháp của hệ thống chính trị.
Ông Rouhani – trước đó đã tuyên bố sẽ giảm thiểu sự cô lập quốc tế và thúc đẩy sự cởi mở hơn trong nước, cũng có thể có nhiều cơ hội chiến thắng nhờ số cử tri gia tăng.
Lực lượng đối lập và cải cách tại Iran cũng đều tuyên bố ủng hộ Rouhani. Trang web Kalameh cho biết nhà lãnh đạo phe đối lập Mirhossein Mousavi, bị quản thúc tại gia từ năm 2011, đã yêu cầu đưa hòm phiếu di động tới nhà của ông để ông có thể bỏ phiếu cho Rouhani.
Các bài phát biểu tranh cử gần đây của Rouhani đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận dù họ vẫn còn nghi ngại về những cải cách mới. "Tôi đã quyết định không bỏ phiếu ... Rouhani đã thất bại trong việc giữ lời hứa của mình", Raika Mostashari, một chuyên gia về nghệ thuật ở Tehran, nói.
Tuy nhiên, cuối cùng bà đã quyết định bỏ phiếu cho Rouhani do Mohammad Khatami, nhà lãnh đạo tinh thần của phong trào cải cách, đã công khai ủng hộ đương kim Tổng thống.
Mối đe dọa lớn nhất đối với chiến thắng thứ 2 của ông Rouhani là sự thờ ơ của các cử tri thất vọng, những người cảm thấy ông không mang lại những cải cách mà họ mong đợi.
"Kết quả phụ thuộc vào việc liệu những vấn đề kinh tế có chiếm ưu thế hơn các vấn đề về quyền tự do", một quan chức thân cận với ông Rouhani nói.
Do các cử tri bảo thủ hiện đã đoàn kết ủng hộ ông Raisi, kết quả bầu cử có thể sít sao hơn 4 năm trước khi ông Rouhani giành gấp 3 lần số phiếu mà ứng viên cạnh tranh mạnh nhất của ông nhận được trong một vòng bỏ phiếu.
Thành tựu lớn của Rouhani là thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có thể gặp nguy hiểm nếu ông mất quyền lực, mặc dù đã chính thức được nhà lãnh đạo Khamenei xác nhận và tất cả các ứng cử viên đều tuyên bố sẽ vẫn tuân thủ thỏa thuận này.
Cuộc bỏ phiếu sẽ bắt đầu từ 3:30 GMT và đóng cửa lúc 13:30 GMT thứ 6 này – thời điểm có thể được kéo dài tùy vào tình hình thực tế. Kết quả bỏ phiếu cuối cùng dự kiến sẽ có vào ngày Chủ nhật.
Là cường quốc lớn thứ 2 tại Trung Đông – một đối trọng của Saudi Arabia tại khu vực, cùng với những diễn biến phức tạp trong cuộc xung đột Syria cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng tại đây, những diễn biến mới trong chính trường Iran sẽ mang lại những ảnh hưởng nhất định.
(Nguồn: Reuters)