• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu cuộc đua khai thác năng lượng gió

Thế giới 26/04/2023 16:29

(Tổ Quốc) - Hãng tin CNA dẫn lời người đứng đầu một công ty điện lực lớn cho biết, xét đến tốc độ gió, điều kiện để thiết lập các trang trại gió ngoài khơi châu Á Thái Bình Dương là rất tốt.

Hiện tại, nhiều quốc gia đang chạy đua để khai thác sức mạnh của gió. Nhiều trang trại gió đang mọc lên cả trên đất liền và vùng ven biển để cung cấp năng lượng cho hàng triệu hộ gia đình.

Các quốc gia trên khắp châu Âu và châu Á đều đang gia nhập cuộc đua này.

Ông Robert Liew, nhà phân tích về năng lượng và năng lượng tái tạo châu Á Thái Bình Dương tại tập đoàn tư vấn Wood Mackenzie chia sẻ với CNA: "Rõ ràng là…châu Á Thái Bình Dương sẽ là thị trường lớn nhất trong tương lai. Theo dự báo của chúng tôi, chúng tôi thấy chi phí điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc gần như rẻ ngang với điện than vào cuối thập kỷ này. Thật không thể tin được".

"Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang tìm cách giảm tốc độ phát triển điện hạt nhân, giảm sử dụng than đá và dần thay thế bằng năng lượng gió. Họ cũng sẽ tăng tốc trong cuộc đua năng lượng này", ông Liew đánh giá.

Công ty điện lực đa quốc gia Đan Mạch Orsted là một trong những đơn vị khai thác thị trường châu Á Thái Bình Dương và hiện tập trung vào một trong những thị trường phát triển nhanh nhất là Đài Loan.

Châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu cuộc đua khai thác năng lượng gió - Ảnh 1.

Một cơ sở khai thác điện gió tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương với phát triển năng lượng gió

Per Mejnert Kristensen, người phụ trách hoạt động kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương của Orsted cho biết, ông tin rằng khu vực này rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh.

"Orsted hướng tới phát triển một thế giới chạy hoàn toàn bằng năng lượng xanh. Và nếu bạn muốn làm điều đó, châu Á Thái Bình Dương rõ ràng là rất, rất quan trọng. Đây là khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng và cũng là khu vực mà chúng ta đang chứng kiến tác động của khí thải nhà kính," ông nói.

Ông nói thêm rằng tại châu Á Thái Bình Dương, các điều kiện để thiết lập trang trại gió ngoài khơi là rất tốt, đặc biệt là tốc độ gió lớn.

Gió là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất và đang phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Gió đã tạo ra gần 8% tổng năng lượng vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khi nhiên liệu hóa thạch vẫn đang tạo ra 80% tổng năng lượng thì việc sản xuất điện gió vẫn cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Hội đồng năng lượng gió toàn cầu cho biết việc xây dựng các cơ sở năng lượng gió hàng năm phải tăng gấp 4 lần trong thập kỷ này để giúp giữ cho nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới tăng dưới 1,5 độ C.

Tổ chức tư vấn năng lượng Ember cũng dự báo năng lượng gió phải chiếm hơn 20% điện năng toàn cầu vào năm 2030 nếu muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Ngành năng lượng gió đang đòi hỏi tua-bin lớn hơn, cánh quạt lớn hơn và quy mô trang trại cũng lớn hơn.

Trung Quốc hiện là nước có tuabin gió ngoài khơi lớn nhất với chiều cao hơn 250m. Cánh quạt dài 128m tại trang trại này có thể quét qua một khu vực tương đương với khoảng bảy sân bóng đá tiêu chuẩn.

Vấn đề với các trang trại gió lớn

Nhưng trong khi quy mô trang trại gió lớn hơn thì hiệu suất tốt hơn, nó lại gây ra một vấn đề khác.

Các trang trại gió khổng lồ sẽ khiến quá trình xây dựng, lắp đặt và bảo trì thêm phức tạp hơn. Theo quỹ đầu tư Seraya Partners có trụ sở tại Singapore, những trang trại này cần các con tàu rất chuyên dụng và đắt tiền.

Năm ngoái, Seraya Partners đã thành lập Cyan Renewables, một công ty sở hữu, vận hành và cho thuê tàu cho các trang trại gió ngoài khơi.

"Chúng tôi hỗ trợ xây dựng các trang trại gió trên khắp châu Á. Và chúng tôi cung cấp tàu, tàu chuyên dụng, … để giúp xây dựng và bảo trì các trang trại gió này," Chủ tịch quỹ và đối tác quản lý James Chern cho biết.

Tuy nhiên, Cyan Renewables cũng đang gặp một vấn đề là nhu cầu về tàu của họ vượt xa nguồn cung. Ông Chern nói: "Nhu cầu đã tăng gấp 10 lần. Vì vậy, có một khoảng cách cung-cầu tự nhiên rất lớn và khó có thể lấp đầy ngay, ít nhất là trong 10 năm tới."

Chuyên gia Liew của Wood Mackenzie cũng nói rằng các tàu tiên tiến cần được triển khai tới các trang trại gió ngoài khơi, tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có quy định khác nhau về hoạt động của tàu thuyền và họ có thể cấm tàu nước ngoài hoạt động trong lãnh thổ của họ.

"Bạn có lỗ hổng khi không có đủ tàu chuyên dụng, và bạn có lỗ hổng trong chính sách khi chính phủ không cho phép quá nhiều tàu nước ngoài vào. Vì vậy, đó là nơi nút cổ chai cho ngành điện gió đang diễn ra", ông nói.

Trước tình hình này, các công ty cũng đang hướng đến phát triển các tua-bin gió nổi được trên biển. "Đó là một công nghệ chưa hoàn thiện. Hiện tại chỉ có một vài dự án tiên phong. Nhưng Orsted cũng sẽ là một trong những người đi đầu khi nói đến công nghệ gió nổi ngoài khơi và chúng tôi có một số dự án đang được xúc tiến", ông Kristensen nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ