• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Á – Thái Bình Dương trong cuộc đua gấp rút chống biến đổi khí hậu

Thế giới 23/11/2021 20:13

(Tổ Quốc) - Là một trong những khu vực được dự tính chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, châu Á- Thái Bình Dương cần nhanh chóng có hành động thực hiện mục tiêu giảm phát thải toàn cầu.

Vào cuối tháng 10/2021, một trong những cuộc họp thường niên lớn nhất về khí hậu COP26 đã diễn ra nhằm đảm bảo mục tiêu giảm lượng phát thải trên toàn cầu. Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua việc duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng trong khoảng 1,5 độ C, khuyến khích các hành động bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên, huy động tài chính và thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

Đáng chú ý, hội nghị này cũng đề cập đến việc hoàn thiện Sách Quy tắc Paris, bao gồm các thủ tục chi tiết để thực thi Thỏa thuận khí hậu Paris 2016. Trước đó, các quốc gia được yêu cầu đưa ra tuyên bố cắt giảm phát thải đầy tham vọng cho năm 2030. Khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan, các quốc gia từ châu Á Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vừa giảm lượng khí thải carbon vừa phục hồi kinh tế để thúc đẩy sự phát triển chung của quốc gia. Khu vực này phát thải hơn một nửa lượng khí nhà kính (GHG) trên thế giới và phần lớn dân số sống trong các khu vực phát thải lớn ở vùng trũng thấp.

Dù đã có nhiều phân tích về mối liên hệ giữa thương mại, tài chính với biến đổi khí hậu, nhưng những nguy cơ biến đổi khí hậu đem lại cho các nền kinh tế đô thị vẫn cần được hiểu rõ hơn. Các thành phố châu Á phải đối mặt với thách thức tăng gấp bội trong việc bảo vệ người dân. Những hiểm họa khí hậu ngày càng xuất hiện nhiều kéo theo việc phải giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế địa phương để vừa cải thiện mức sống và giảm thiểu mức khí thải theo mục tiêu cộng đồng quốc tế đang đặt ra. Liệu những thành phố này có thể đứng vững trước thách thức khí hậu toàn cầu vẫn là câu hỏi chính phủ và người dân nhiều nước đang trăn trở?

Châu Á – Thái Bình Dương trong cuộc đua gấp rút chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đối mặt với nhiều nguy cơ do biến đổi khí hậu gia tăng. Ảnh: Eastasiaforum.

Chưa nhận thức được nguy cơ?

Đánh giá chính sách khí hậu của 10 thành phố lớn ở châu Á Thái Bình Dương cho thấy mục tiêu giảm thiểu cacbon hàng năm của họ rất khác nhau, từ 1% ở Manila và Tokyo đến 3,3% ở Seoul, thấp hơn nhiều so với con số chính phủ quốc gia của họ đưa ra. Sự chuẩn bị cũng khác nhau. Một dự án nghiên cứu phân tích kế hoạch hành động về khí hậu của 17 thành phố châu Á Thái Bình Dương có dân số trên 5 triệu người đã đưa ra những phát hiện thú vị: Trong khi các cường quốc kinh tế như Sydney và Bengaluru không có kế hoạch cắt giảm khí thải thì một vài nơi khác, trong đó có một số thành phố của Trung Quốc, đưa ra những kế hoạch rất ngắn hạn, chỉ kéo dài đến năm 2020. Bắc Kinh, New Delhi, Thiên Tân, Thâm Quyến và Sydney cũng không làm rõ được sự biến đổi khí hậu, những rủi ro liên quan và vấn đề khí thải được đánh giá ra sao hay họ dự kiến chiến lược như thế nào. Singapore và Tokyo, những thành phố dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa khí hậu ven biển, chưa hề đưa ra kế hoạch thích ứng.

Các thành phố ở châu Á Thái Bình Dương cũng không đạt được các mục tiêu quốc gia về khí hậu. Là những nền kinh tế hàng đầu của quốc gia, họ được kỳ vọng sẽ cam kết thực hiện các sáng kiến giống như nhiều doanh nghiệp hay cơ sở giáo dục đại học đã làm. Nhưng hầu hết các thành phố ở châu Á Thái Bình Dương đang ưu tiên tăng trưởng hơn các mục tiêu khí hậu. Họ có gánh nặng phát triển kinh tế để phục vụ đất nước và dường như có nhiều khác biệt về nhận thức biến đổi khí hậu trong bối cảnh của họ.

Cần cách tiếp cận đa chiều

Hiện tại, các thành phố ở châu Á Thái Bình Dương cần một cách tiếp cận đa chiều để đối phó với thách thức khí hậu toàn cầu. Họ phải chuẩn bị chiến lược phục hồi hậu các thảm họa khí hậu, luôn sẵn sàng bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và chuẩn bị cho một tương lai nhiều nguy hiểm hơn. Điều này sẽ giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người dân và doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Việc chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch cũng là chìa khóa cho tình hình hiện tại do năng lượng tái tạo được tích hợp trong các đô thị phù hợp với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng ở đây. Năng lượng sạch cũng sẽ làm giảm ô nhiễm không khí và cải thiện sức khỏe con người.

Các thành phố cũng cần tập trung vào các chiến lược quy hoạch không gian, xây dựng các không gian xen kẽ với các tuyến giao thông phù hợp và tạo điều kiện cho người đi bộ. Chiến lược quy hoạch lấy con người làm trung tâm sẽ cải thiện hiệu quả đô thị, khả năng chống chịu với thiên tai và khả năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt. Chính quyền những thành phố này cũng phải thúc đẩy nền kinh tế hướng tới sản xuất bền vững, giảm phát thải và hướng tới có khả năng ứng phó khẩn cấp và phục hồi sau thảm họa.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ