(Tổ Quốc) - Từ ngày 6-9/6, người dân từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bỏ phiếu để bầu chọn 720 đại biểu cho nhiệm kỳ 5 năm tới của Nghị viện châu Âu (EP).
Theo hãng CNN, một trong những hoạt động dân chủ lớn nhất thế giới đang diễn ra ở EU khi khoảng 373 triệu công dân trên khắp Liên minh châu Âu tham gia bỏ phiếu bầu chọn các thành viên của EP nhiệm kỳ mới.
Cử tri ở 27 quốc gia thuộc EU sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu ra 720 thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các ưu tiên và định hướng chính trị của khối trong 5 năm tới.
Đây là cuộc bầu cử nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979 và là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2020.
Cuộc bầu cử sẽ kết thúc ngày 9/6 và kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được công bố vào tối cùng ngày. Sau khi xác định được số phiếu, các nghị sĩ EU sẽ bầu Chủ tịch tại phiên họp toàn thể đầu tiên, từ ngày 16 - 19/7. Kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ được quyết định trong tháng 9.
Nghị viện châu Âu là định chế duy nhất của Liên minh châu Âu do công dân trực tiếp bầu ra. Đây là nơi đàm phán và biểu quyết các đạo luật mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ.
Cuộc bầu cử diễn ra như thế nào?
Cuộc bầu cử 5 năm diễn ra một lần và được tổ chức trong 4 ngày vào tháng 6. Các cuộc bầu cử sẽ được quản lý ở cấp quốc gia nhưng tất cả các quốc gia thành viên tham gia cuộc bầu cử đều phải áp dụng hệ thống đại diện theo tỷ lệ, trong đó số lượng nhà lập pháp được bầu vào Nghị viện tương quan trực tiếp với tỷ lệ người bỏ phiếu.
Sau khi tất cả các phiếu bầu đã được kiểm, mỗi đảng chính trị quốc gia sẽ được chỉ định một số thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu.
Vì cuộc bầu cử tuần này có sự tham gia của 27 thành viên nên một số vấn đề đang diễn ra có thể gặp ở một số quốc gia thành viên này nhưng sẽ không xảy ra ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chủ đề như nhập cư, biến đổi khí hậu, an ninh và hỗ trợ cho Ukraine luôn là những vấn đề quan tâm chung trên toàn khối trong suốt thời gian qua.
Mặc dù số liệu di cư bất thường thấp hơn so với thời kỳ khủng hoảng người tị nạn 2015-2016, nhưng đây vẫn là một vấn đề nhạy cảm của EU trong suốt thời gian qua vì các quốc gia thành viên đang phải chịu phần trách nhiệm không cân xứng.
Bên cạnh đó, nỗ lực làm giảm tác động của biến đổi khí hậu và mang đến một châu Âu xanh hơn cũng là ưu tiên hàng đầu của khối trong thời gian dài. Ở bối cảnh hiện tại, một số quốc gia đã phải chịu chi phí cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, quá trình triển khai các nội dung của Thỏa thuận Xanh châu Âu hiện vẫn được xem là "cứng nhắc" và không nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Các nhóm chính trị
Các cử tri sẽ bầu ra 720 thành viên của EP và số ghế được phân bổ theo quy mô dân số của mỗi quốc gia, trong đó Đức có nhiều ghế nhất (96 ghế), tiếp theo là Pháp (81), Italy (76) và Tây Ban Nha (61).
Cử tri cũng sẽ bỏ phiếu cho các đảng quốc gia thành viên mà phần lớn trong đó có liên kết với một nhóm chính trị châu Âu, chẳng hạn Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), Đảng Đổi mới châu Âu (RE). Sau khi được bầu, các đại biểu sẽ chọn trở thành thành viên của các nhóm chính trị xuyên quốc gia này.
Trong bối cảnh hiện tại, theo các thăm dò, nhiều khả năng EPP và S&D sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và bà Ursula Von der Leyen có thể tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch EC trong nhiệm kỳ thứ 2. Tuy nhiên, điều này sẽ cần sự tán thành của đa số tuyệt đối các thành viên của Nghị viện khóa mới.
Cả EPP và S&D vốn luôn giữ "thế cầm trịch" trong các thể chế châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi hai đảng này vẫn được dự đoán khả năng giành chiến thắng sau cuộc bầu cử thì hai đảng khác là Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR) và Bản sắc và Dân chủ (ID) cũng đang gây chú ý đối với cử tri đi bỏ phiếu.
Các cuộc khảo sát dự đoán rằng cả EPP và S&D sẽ nắm giữ phần lớn số phiếu cử tri trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, người ta cũng kỳ vọng rằng hai đại diện cánh hữu cấp tiến là ECR và ID sẽ đạt được những lợi ích đáng kể, từ đó mang lại nhiều quyền lực hơn sau bầu cử Nghị viện.
EU đang đứng trước những thách thức chưa từng có về cả an ninh, kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng sẽ là yếu tố quan trọng đối với tương lai của khối trong giai đoạn 5 năm tới./.