• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu có thể đối mặt với "kịch bản tồi tệ" nếu thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga

Thế giới 28/01/2022 13:18

(Tổ Quốc) - Mỹ và các đồng minh đang tìm các phương án dự phòng nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt sử dụng trong thời gian tới.

Theo hãng CNN, Mỹ và các đồng minh đang tìm các phương án dự phòng nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt sử dụng trong trường hợp Moscow không thể đảm bảo cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp và hệ thống sưởi ấm cho các ngôi nhà ở châu Âu.

Châu Âu có thể đối mặt với "kịch bản tồi tệ" nếu thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

"Kịch bản tồi tệ"

Châu Âu sẽ phải đối mặt với khả năng thiếu khí đốt trầm trọng nếu không có nguồn cung từ Nga và điều này đang dấy lên lo ngại về khả năng tiếp cận năng lượng của châu lục này trong thời gian tới.

"Thực sự vẫn chưa có giải pháp thay thế nhanh chóng và dễ dàng", ông Janis Kluge – một chuyên gia về Đông Âu tại Viện Quốc tế và An ninh Đức cho biết.

Các quan chức cấp cao Nhà Trắng khẳng định đang đàm phán với nhiều quốc gia và công ty để tăng sản lượng khí đốt đồng thời cố gắng tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt nếu có thể để chuyển đến châu Âu. Tuy nhiên, việc can thiệp mạnh vào thị trường năng lượng thực sự rất khó khăn. Các đường ống mới và cơ sở hóa lỏng phải mất rất nhiều năm để xây dựng. Quá trình chuyển hướng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch diễn ra vào thời điểm thị trường toàn cầu cũng như mạng lưới giao thông căng thẳng đòi hỏi sự hợp tác từ các nhà xuất khẩu khí đốt lớn giống như Qatar. Thêm vào đó, nguồn cung cấp năng lượng ở châu Âu cũng gặp nhiều căng thẳng. Nguồn dự trữ thấp và giá khí đốt tăng cao đã làm dấy lên lo ngại về việc thiếu khí đốt trong mùa đông cũng như gặp khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Một số chuyên gia cho rằng sẽ khá nghiêm trọng nếu Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt đến châu Âu. EU không thể lấp đầy lỗ hổng này trong những tháng tới bởi vai trò lớn của Moscow trong hệ sinh thái năng lượng của khu vực.

Ông Nikos Tsafos, chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết việc gián đoạn nguồn cung sẽ ảnh hưởng nhưng không thể phá vỡ cả một hệ thống. Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất là khả năng nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga sang châu Âu sẽ biến mất hoàn toàn và đây là một câu chuyện hoàn toàn khác.

"Quá trình cắt toàn bộ nguồn cung năng lượng từ Nga đối với châu Âu được xem là một thảm họa. Hiện chưa có cách nào để châu Âu có thể thay thế nguồn năng lượng này", ông Tsafos nhận định.

Sự phụ thuộc lớn

Trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng thì điều này cho thấy châu lục này đang phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Trong năm 2020, cơ quan dữ liệu Eurostat cho biết Moscow chiếm khoảng 38% trong tổng sản lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phụ thuộc rất lớn vào năng lượng của Nga vì không thể sử dụng than và năng lượng hạt nhân. Italy và Áo cũng nhập khẩu khí đốt theo đường ống chạy qua Ukraine.

"Đây là thời điểm các quốc gia châu Âu nhận ra rằng họ đang phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Khí đốt tự nhiên có thể được tích trữ nhưng lượng tồn kho chỉ ở mức thấp hơn bình thường, một phần do Nga đã giảm xuất khẩu sang châu Âu từ cuối năm ngoái", ông Carsten Brzeski tại Ngân hàng ING của Hà Lan cho biết.

Theo ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đầu tháng này công ty khí đốt của Nga Gazprom đã cắt giảm lượng xuất khẩu sang châu Âu xuống còn 25% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù giá thị trường vẫn cao. Ông Fatih cũng nói rằng mức giảm trùng với thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng với Ukraine.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả kinh tế lớn nếu nước này quyết định vũ khí hóa hoạt động xuất khẩu năng lượng. Doanh thu xuất khẩu khí đốt và dầu của Nga rất cao.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ vẫn lo ngại Moscow vẫn duy trì quyền kiểm soát nguồn cung khí đốt với nước này nhằm gia tăng sức ép lên châu Âu nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Công tác dự phòng vẫn triển khai để đối phó với trường hợp đường ống của Ukraine bị dừng do căng thẳng bùng lên.

Thêm vào đó, một lựa chọn khác để duy trì nguồn cung khí đốt cho châu Âu là đảm bảo quá trình vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua tàu chở dầu đường biển thay vì qua đường ống. Các nhà cung cấp LNG cho biết đã sẵn sàng vận chuyển đến châu Âu do phí trả cho họ tương đối cao.

Theo Alex Froley, nhà phân tích thị trường LNG tại Independent Commodity Intelligence Services, châu Âu ước tính nhận được khối lượng LNG kỷ lục vào tháng Giêng năm nay. Tuy nhiên, số lượng này sẽ tiếp tục tăng nếu không còn nguồn cung từ Nga.

"Sản lượng LNG toàn cầu đã không còn nhiều. Quá trình thay đổi các tuyến đường thương mại cũng đang gây ra căng thẳng cho thị trường vận chuyển", ông nói.

Mỹ - quốc gia đã trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu vào tháng 12 năm ngoái sẽ tiếp tục tăng cường sản lượng xuất khẩu đến châu Âu. Trong khi đó, Qatar cũng có thể làm điều tương tự.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc và Nhật Bản cũng là những nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ