(Tổ Quốc) - Theo Đài quan sát Hạn hán châu Âu, khu vực này đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hạn hán do biến đổi khí hậu, tác động đến 63% diện tích đất ở Liên minh châu Âu và Anh.
Mực nước sông xuống thấp do hạn hán, cá chết hàng loạt
Tờ Euronews (Pháp) đưa tin, các nhà bảo tồn đã kêu gọi một cuộc điều tra sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên một đoạn sông chảy giữa Đức và Ba Lan. Các tình nguyện viên ở Đức và Ba Lan đã tổ chức dọn dẹp sau khi một lượng lớn cá chết dạt vào bờ sông Odra, chảy từ Cộng hòa Séc vào biển Baltic.
Piotr Nieznanski, Giám đốc chính sách bảo tồn tại Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã Ba Lan, cho biết dường như một loại hóa chất công nghiệp độc hại đã được thải vào nước và mực nước thấp do hạn hán ở châu Âu đã khiến tình trạng của loài cá trở nên nguy hiểm hơn.
Người dân sống dọc theo con sông được cảnh báo không nên sử dụng nguồn nước này.
Cơ quan quản lý nước của Ba Lan cho biết, hạn hán và sóng nhiệt dẫn tới việc ngay cả một lượng nhỏ ô nhiễm cũng có thể gây ra thảm họa sinh thái ở các tuyến đường thủy quan trọng của nước này, mặc dù đến nay nguồn gây ô nhiễm vẫn chưa được xác định.
Bên cạnh đó, mực nước sông Rhine của Đức có nguy cơ xuống thấp gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa - bao gồm cả các mặt hàng năng lượng quan trọng như than và khí đốt.
Tuy nhiên, Ba Lan và Đức không phải là những quốc gia châu Âu duy nhất phải đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt gây ra.
Ở phía bắc Serbia, lòng hồ khô cạn của hồ Conopljankso hiện ngập tràn xác cá chết.
Tại Ý, nơi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bảy thập kỷ, sông Po khô cạn đã gây thiệt hại hàng tỷ euro cho những người nông dân thường dựa vào con sông này để tưới tiêu cho đồng ruộng.
Tại Pháp, điều kiện khô hạn đã khiến hơn 100 quận ở nước này không có nước sinh hoạt . Tại Tây Ban Nha, nơi trải qua tháng 7 nóng nhất được ghi nhận, trữ lượng nước đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Vận chuyển bị đe dọa khi mực nước sông Rhine giảm
Các quan chức Đức cho biết, mực nước sông Rhine có thể xuống mức cực kỳ thấp trong những ngày tới, khiến việc vận chuyển hàng hóa - bao gồm than và xăng, ngày càng trở nên khó khăn do hạn hán và khủng hoảng năng lượng đang đeo bám châu Âu.
Thời tiết khô hạn kéo dài nhiều tuần đã biến một số tuyến đường thủy chính của châu Âu trở nên nhỏ giọt, đặt ra vấn đề đau đầu cho các nhà máy và cơ sở năng lượng của Đức vốn phụ thuộc vào việc giao hàng bằng tàu biển và khiến nền kinh tế nước này có khả năng suy thoái hơn bao giờ hết. Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa ở Đức quan trọng hơn nhiều nước Tây Âu khác, theo Capital Economics.
Tim Alexandrin, phát ngôn viên của Bộ Giao thông Đức cho biết, điều này đặc biệt đúng với trường hợp của sông Rhine, "nút thắt cổ chai" hàng hải tại Kaub có mực nước rất thấp nhưng những loại tàu nhỏ vẫn có thể di chuyển được.
Christian Lorenz, phát ngôn viên của công ty vận chuyển Đức HGK cho biết: "Tình hình khá căng thẳng nhưng chưa đến mức căng như năm 2018".
Mực nước thấp là một đòn giáng khác đối với ngành công nghiệp ở Đức, vốn đang phải vật lộn với nguồn cung khí đốt tự nhiên hạn chế khiến giá cả tăng vọt.
Do thiếu nước, các tàu chở muối xuôi dòng sông Rhine từ Heilbronn đến Cologne thường chở 2.200 tấn hàng, giờ chỉ có thể vận chuyển khoảng 600 tấn.
Các nhà chức trách đang thực hiện những bước để chuyển nhiều lưu lượng hàng hóa hơn vào mạng lưới đường sắt.
Andrew Cunningham, nhà kinh tế trưởng châu Âu của Capital Economics thì cho rằng, các vấn đề giao thông đường sông không phải là vấn đề đối với ngành công nghiệp Đức khi dòng chảy thu hẹp và giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Tuy nhiên, những tai ương trên sông Rhine vẫn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nếu chúng kéo dài đến tháng 12, thêm một chút vào lạm phát vốn đã cao và dẫn đến sản xuất công nghiệp giảm nhẹ.
HGK và các công ty vận tải biển khác đang chuẩn bị cho một "bình thường mới", trong đó mực nước thấp trở nên phổ biến hơn do sự nóng lên toàn cầu khiến hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn, làm cạn kiệt nước dọc theo chiều dài sông Rhine từ dãy Alps của Thụy Sĩ đến Biển Bắc.
Diêm dân bất đắc dĩ có lợi từ đợt hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu
Khi châu Âu phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, một nhóm cư dân đã nổi lên như những người chiến thắng bất đắc dĩ: Diêm dân.
Những người nông dân làm muối ở Pháp cho biết họ đang mong đợi mức sản lượng kỷ lục nhờ đất đai khô cằn sau một loạt đợt nắng nóng gay gắt.
Thành công của nhóm trái ngược hẳn với vấn đề thiếu nước đang gây ra cho các bộ phận cư dân khác trong xã hội.
Francois Durand, một diêm dân ở vùng Guerande, tây bắc nước Pháp, thừa nhận ngành của ông là một trong số ít những người chiến thắng trong ngắn hạn của biến đổi khí hậu.
"Thật không may. Nhưng rõ ràng chúng tôi đang hưởng lợi. Chúng tôi đang cố gắng đạt kỷ lục", ông Durand, người đã làm việc trên đầm muối hơn 20 năm, cho biết.
Ông nói thêm rằng, sản lượng muối biển đạt trung bình khoảng 1,3 tấn mỗi ruộng muối trong thập kỷ trước - nhưng sản lượng năm nay gần gấp đôi - 2,5 tấn.
Nhiệt độ tăng cao và thiếu lượng mưa đã làm nước muối bốc hơi nhanh hơn.
Nhiều người trong ngành nói với Reuters rằng, họ có đủ muối dự trữ để trang trải trong vài năm tới.
Trong khi đó, các nhà sản xuất gạo risotto ở miền bắc Italy cho biết, ruộng của họ có nguy cơ nhiễm mặn do điều kiện thời tiết khô hạn.
Những người nông dân ở Thung lũng sông Po cho biết, hàm lượng muối tăng lên có thể làm hỏng vụ thu hoạch gạo risotto trong nhiều năm tới .
Theo dữ liệu do Đài quan sát hạn hán châu Âu công bố vừa qua, có tới 45% diện tích đất của EU có nguy cơ bị hạn hán. Hơn 15% lãnh thổ đang phải đối mặt với mức "cảnh báo" cao nhất, có nghĩa là cây cối và hoa màu đang bị ảnh hưởng nặng.
Hạn hán ở châu Âu có thể là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm
Trung tâm Nghiên cứu Hỗn hợp của Ủy ban Châu Âu (EC-JRC) đã cảnh báo rằng đợt hạn hán hiện nay có thể là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm.
Và người ta đã dự đoán, tình trạng hạn hán nghiêm trọng sẽ trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu, có khả năng lên tới 47% diện tích lục địa này.
Dự đoán đã được nhà nghiên cứu cấp cao Andrea Toreti công bố trong một cuộc họp báo trực tuyến vào chiều 9/8.
"Chúng tôi chưa phân tích đầy đủ về sự kiện [hạn hán năm nay], vì nó vẫn đang tiếp diễn, nhưng dựa trên kinh nghiệm của tôi, tôi nghĩ rằng điều này có lẽ còn khắc nghiệt hơn năm 2018", ông nói. "Nhìn lại ít nhất 500 năm qua, không có sự kiện nào khác [khắc nghiệt] tương tự như hạn hán năm 2018, nhưng năm nay tôi nghĩ nó thực sự tồi tệ hơn năm 2018".
Theo ông Toreti, điều gây lo ngại là "nhìn vào ba tháng tới, chúng tôi thấy vẫn có nguy cơ rất cao về tình trạng khô hạn ở Tây và Trung Âu, cũng như Vương quốc Anh".
Toreti nói rằng các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán và thiếu nước sẽ gia tăng và nếu các biện pháp giảm thiểu hiệu quả không được thực hiện thì cường độ và tần suất này sẽ tăng đáng kể ở châu Âu, cả ở phía bắc và phía nam.