(Tổ Quốc) - Châu Âu đang đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trước nguy cơ rơi vào tình trạng mất điện, các nhà máy đóng cửa và suy thoái kinh tế sâu sắc vào thời gian tới.
Theo hãng AP, nguyên nhân chính của vấn đề này là Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ đối với các quốc gia của châu Âu sau nhiều năm châu lục này phải phụ thuộc vào Moscow để duy trì vận hành các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm. Chính động thái này đã khiến chính phủ các nước châu Âu phải nhanh chóng tìm cách đối phó với các ảnh hưởng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và hóa đơn tiền điện ở các hộ gia đình tăng mạnh.
Cuộc khủng hoảng khí đốt đang trở nên nghiêm trọng hơn khi nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga thông báo đường ống dẫn khí đốt đến Đức sẽ dừng lại sau khi các vấn đề chưa thể khắc phục vì liên quan đến các trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Trước diễn biến như vậy, châu Âu đang có những biện pháp khắc phục mới nhằm giảm thiểu các tác động của khủng hoảng năng lượng. Nga sẽ cắt giảm 89% khí đốt vận chuyển đến châu Âu qua đường dẫn Nord Stream 1 vào thời gian tới. Trước đó, Moscow từng cung cấp 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu và thậm chí còn nhiều hơn với Đức giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu phát triển mạnh trong thời gian qua.
Hiện Nga vẫn duy trì một số đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine vào Slovakia và một đường ống khác qua biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và sang Bulgaria. Moscow bắt đầu chiến dịch cắt giảm khí đốt ngay từ mùa hè năm ngoái, đẩy giá khí đốt tăng mạnh trong suốt năm nay. Động thái cắt giảm này đã khiến khí đốt tự nhiên tăng vọt trên toàn cầu. Do nguồn cung khí đốt của Nga chậm lại kể từ mùa hè năm ngoái nên các chuyên gia cho rằng châu Âu cần sẵn sàng cho khả năng không có khí đốt của Nga trong mùa đông tới.
Tầm quan trọng của khí đốt Nga
Theo AP, giá năng lượng cao đang gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế vào mùa đông tới bởi lạm phát kỷ lục. Người tiêu dùng phải chi tiêu ít hơn khi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và điện nước đều tăng lên. Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có thể giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn ở châu Âu. Bên cạnh việc sưởi ấm nhà cửa và cung cấp điện, khí đốt còn được sử dụng số lượng lớn trong ngành công nghiệp.
Các công ty cũng cảnh báo rằng khó có thể nhanh chóng thay thế nguồn năng lượng khác trong thời gian ngắn bởi những nguồn cung cấp thay thế như dầu nhiên liệu hay than đá cũng đang tăng giá mạnh.
Giá điện tăng chóng mặt vì khí đốt là nhiên liệu chính để sản xuất điện. Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang chứng kiến tình trạng hạn hán làm suy yếu năng lượng thủy điện từ các con sông và hồ chứa. 56 nhà máy điện hạt nhân của Pháp hiện chỉ duy trì hoạt động ở mức nửa công suất do gặp vấn đề ăn mòn trong các đường ống chính, sữa chữa, độ an toàn. Đợt nắng nóng đã hạn chế việc sử dụng nước sông làm mát các nhà máy điện. Cụ thể, mực nước trên sông Rhine của Đức giữ mức thấp đã làm giảm nguồn cung cấp than cho các nhà máy phát điện.
Trước tình trạng như vậy, Pháp cũng đang tính đến việc gửi khí đốt tự nhiên sang Đức trong khi Đức đang xuất khẩu điện sang Pháp.
Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng ngay trong tháng này. Vào mùa đông năm nay, trường hợp xấu nhất là thời tiết lạnh giá, lượng gió ít và lượng khí đốt giảm 15% sẽ là thách thức lớn nhất đối với hệ thống điện trên khắp châu Âu, thậm chí là khả năng phải phân bổ lại nguồn điện và tình trạng mất điện cũng thường xuyên xảy ra hơn.
"Cho dù là kịch bản sắp tới là gì thì mùa đông tới chắc chắn sẽ là thời điểm khó khăn với châu Âu khi phải chứng kiến thách thức lớn nhất về năng lượng trong nhiều thập kỷ", ông Carlos Torres-Diaz, người đứng đầu quyền lực của Rystad Energy cho biết.
Châu Âu khắc phục ra sao?
Châu Âu đang sắp xếp lại tất cả các nguồn cung cấp khí đốt thay thế nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong thời gian tới. Các chuyến hàng chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đến châu Âu hay những đường ống dẫn khí khác đến từ Na Uy và Azerbaijan thường xuyên diễn ra. Tất nhiên, LNG sẽ đắt hơn rất nhiều so với khí đốt từ đường ống.
Đức vẫn tiếp tục duy trì hoạt động các nhà máy than mặc dù nước này từng lên tiếng sẽ sớm đóng cửa nhằm giảm thiểu lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. 27 quốc gia thành viên của EU đã thông qua kế hoạch cắt giảm 15% khí đốt vào tháng 3 tới, tương đương với số lượng mà các chuyên gia cho rằng phải bù đắp cho lượng khí đốt của Nga bị thất thoát.
Chính phủ các quốc gia châu Âu đã thông qua một loạt các biện pháp như hỗ trợ các tiện ích dự kiến sẽ leo thang lên mức giá cao nhất vì thiếu hụt khí đốt, hay tiền mặt cho các hộ gia đình gặp khó khăn và giảm thuế.
Chẳng hạn như, Đức đã thông qua gói giải cứu thứ 3 với 64,3 tỷ USD để hỗ trợ người tiêu dùng. Loại chi tiêu này có thể làm tăng thêm thâm hụt quốc gia nhưng sẽ làm dịu đi khả năng suy thoái kinh tế vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Chủ tịch Ủy ban điều hành của EU Ursula von der Leyen cho rằng đề xuất mới sẽ bao gồm giới hạn giá khí đốt tự nhiên và các biện pháp giảm giá điện.
Các chuyên gia nhận định, có lẽ điều quan trọng nhất là trong ngắn hạn, châu Âu phải xoay sở để lấp đầy 82% kho dự trữ khí đốt thiếu hụt từ Nga cho mùa đông tới bằng lNG thay thế. Khả năng dự trữ vẫn tiếp tục tăng sau khi Nord Stream ngừng hoạt động hoàn toàn./.