• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu hướng tới các giải pháp về năng lượng vào năm 2023

Thế giới 13/12/2022 19:00

(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu sẽ vượt qua khủng hoảng năng lượng vào mùa đông năm nay nhưng cần đẩy nhanh các biện pháp đối phó với nguy cơ rủi ro trong thời gian tới.

Theo hãng AP, đại diện của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết liên minh khối 27 quốc gia (EU) sẽ vượt qua khủng hoảng năng lượng vào mùa đông năm nay nhưng cần đẩy nhanh năng lượng tái tạo ra thị trường và thực hiện các giải pháp để hạn chế khả năng thiếu hụt năng lượng vào năm tới trong bối cảnh khí đốt vẫn rất cần cho sưởi ấm, điện và các nhà máy.

Châu Âu hướng tới các giải pháp về năng lượng vào năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn:AP

Ngay cả sau khi Nga cắt giảm hầu hết khí đốt tự nhiên sang châu Âu thì nhiều nước EU vẫn có thể lấp đầy kho khí đốt đáp ứng nhu cầu sưởi ấm mùa đông này bởi khả năng khai thác từ nguồn cung cấp mới, tiết kiệm năng lượng, hưởng lợi từ thời tiết ôn hòa và nhu cầu sử dụng ít từ Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo chung, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết EU cần phải tập trung vào việc tăng cường các nỗ lực sử dụng năng lượng hiệu quả, mở đường cho năng lượng tái tạo và tiếp tục dự trữ năng lượng cần thiết vào năm tới.

"Chúng ta đang gặp khó khăn vào mùa đông này. Cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc và năm tới có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm nay", ông Birol cho biết.

IEA dự báo EU có thể phải đối mặt với khả năng thiếu hụt khí đốt tự nhiên lên tới 30 tỷ m3 bởi nguồn cung từ đường dẫn khí đốt của Nga đã dừng lại và thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG vận chuyển bằng đường tàu sẽ bị giảm đi khi nhu cầu của Trung Quốc hồi phục trở lại. Thêm vào đó, không ai có thể đảm bảo rằng nhiệt độ năm tới sẽ ôn hòa như năm nay. Theo bà von der Leyen, EU cần phải tăng nguồn cung khí đốt nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Trước thềm cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU trong tuần này, bà Ursula von der Leyen khẳng định giải pháp hiện tại là EU cần phải tăng cường năng lực mua chung, và biến hành động này thành hiện thực và nhấn mạnh "mỗi ngày chậm trễ đều phải trả giá đắt".

Bà Von der Leyen cũng hy vọng một thỏa thuận chung sẽ được thông qua trong những ngày tới để cung cấp mức giá trần khí đốt hợp lý, xoa dịu các khó khăn do chi phí năng lượng cao. Hiện tại, các quốc gia từ Ba Lan đến Tây Ban Nha đang yêu cầu giá khí đốt rẻ hơn trong khi Đức và Hà Lan lo ngại nếu mất đi nguồn cung thì các quốc gia châu Âu không thể mua với mức giá ở ngưỡng nhất định.

Giải pháp hạn chế thiếu hụt năng lượng

Bà Von der Leyen tiếp tục kêu gọi tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng từ cả cấp quốc gia nói riêng và EU nói chung. Bà khẳng định Ủy ban sẽ đề xuất thúc đẩy khuôn khổ của EU nhằm đầu tư vào công nghệ sạch.

"Chúng ta đã đi được một chặng đường khá dài nhưng chỉ có thể hoàn thành công việc cho đến khi các gia đình và doanh nghiệp ở Liên minh châu Âu có khả năng tiếp cận được nguồn năng lượng hợp với túi tiền, an toàn và sạch sẽ", bà nói.

Mặc dù châu Âu hiện ghi nhận mức giá năng lượng giảm hơn nhiều so với mức đỉnh cao nhất vào mùa hè năm nay đồng thời kho chứa vào đông đã được lấp đầy trước thời hạn nhưng EU vẫn đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi cắt giảm số lượng lớn khí đốt tự nhiên từ Nga. Giờ đây, các nước đang tăng cường sản xuất LNG đắt tiền hơn và vận chuyển bằng đường tàu biển từ các nước như Mỹ hay Qatar.

IEA đã công bố một báo cáo mới đây đưa ra các đề xuất nhằm tránh thiếu hụt khí đốt vào năm tới với khoản đầu tư bổ sung 100 tỷ euro (106 tỷ USD) từ các quốc gia EU. Cơ quan này đã thúc đẩy mở rộng các chương trình và cung cấp thêm kinh phí cải tạo nhà cửa cũng như thay thế các thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng.

Ông Birol cho rằng các dự án năng lượng tái tạo cần tiếp cận thị trường nhanh hơn thông qua rút ngắn thời gian cần thiết trong việc cấp giấy phép. Ông Birol cũng kêu gọi các chương trình ưu đãi cho máy bơm nhiệt tiết kiệm năng lượng từ các tòa nhà đồng thời thúc đẩy nhiều chiến dịch khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng.

"Việc giảm nhiệt độ trung bình trong các tòa nhà xuống 1 độ so với mức trung bình 22 độ C sẽ tiết kiệm khoảng 10 tỷ m3 khí đốt. Bên cạnh đó, một số quốc gia có khả năng xuất khẩu thêm nguồn cung sang châu Âu chẳng hạn như Algeria và Ai Cập có thể tăng cường xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng thiếu hụt khí đốt trong thời gian tới", ông Birol nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ