• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu "lưỡng nan" trong leo thang siêu cường

Thế giới 15/06/2020 10:49

(Tổ Quốc) - Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borell nói rằng khối này sẽ không chọn bên nào trong cuộc xung đột Mỹ-Trung đang leo thang.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu đã loại trừ khả năng có một liên minh xuyên Đại Tây Dương chống lại Trung Quốc và bác bỏ việc tạo nên "sự cạnh tranh có hệ thống" với Bắc Kinh.

Thông điệp này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông đối thoại với đối tác Hoa Kỳ.

Không chọn phe trong xung đột Mỹ - Trung

Cao ủy đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi một chương trình nghị sự lớn, tích cực về hợp tác giữa EU và Trung Quốc vào Chủ nhật, chỉ một ngày trước khi ông và 27 bộ trưởng ngoại giao của khối này dự kiến sẽ có cuộc hội thảo với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Cuộc họp này dự kiến sẽ tập trung vào Trung Quốc và vấn đề "đánh lạc hướng thông tin" và sẽ diễn ra trong bối cảnh EU và Trung Quốc sắp diễn ra thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên dưới thời Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel. Hai nhà lãnh đạo EU sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và nội dung thảo luận dự kiến sẽ tập trung vào tiếp cận thị trường.

Trong một bài đăng trên trang web chính thức của mình vào Chủ nhật, ông Borrell nói rằng EU sẽ không chọn bên nào trong cuộc xung đột Mỹ - Trung và cho biết thêm rằng phong cách ngoại giao châu Âu là tập trung vào chủ nghĩa đa phương và hợp tác.

Châu Âu "lưỡng nan" trong leo thang siêu cường - Ảnh 1.

Cao ủy đối ngoại của EU Josep Borrell không muốn khối này bị ảnh hưởng trong căng thẳng Mỹ - Trung. Ảnh: AP.

Ông cũng đưa ra một tín hiệu rõ ràng nhất rằng EU đã chuẩn bị để giảm bớt việc coi Trung Quốc như một đối thủ mang tính hệ thống, một chính sách được đưa ra bởi nhóm phụ trách đối ngoại của EU nhiệm kỳ trước, đã kết thúc vào cuối năm ngoái.

"Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc là không thể tránh khỏi sự phức tạp và nhiều mặt, theo ông Borrell. Những từ ngữ 'đối thủ mang tính hệ thống' đã dấy lên rất nhiều sự chú ý, có thể nhấn mạnh nhiều hơn về từ 'đối thủ' hơn là từ 'hệ thống'."

Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của ông Borrell, cho biết tuyên bố này không có nghĩa là một sự thay đổi chính sách.

Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với tầm nhìn chiến lược, văn bản nói rõ rằng Trung Quốc, trong các lĩnh vực chính sách khác nhau, là một đối tác hợp tác mà EU đã liên kết chặt chẽ; một đối tác đàm phán mà EU cần tìm sự cân bằng về lợi ích, một đối thủ cạnh tranh kinh tế trong việc theo đuổi vai trò dẫn đầu về công nghệ và là một đối thủ mang tính hệ thống về việc thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế", bà nói.

Để tránh xung đột vượt ra ngoài cuộc chiến thương mại và cuộc chạy đua địa chính trị với Mỹ, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng cạnh tranh có hệ thống với EU, cho biết quan hệ của họ với khối này dựa trên quan hệ đối tác.

"Khi sự hợp tác và đồng thuận luôn lớn hơn cạnh tranh và khác biệt, Trung Quốc và EU là đối tác chiến lược lâu dài, toàn diện, chiến lược, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Borrell trong cuộc họp tuần trước.

Nhìn về cơ hội với Trung Quốc

Bài viết của ông Borrell đã nêu lại quan điểm này, hứa hẹn một chương trình nghị sự tích cực, mạnh mẽ hơn về sự hợp tác EU-Trung Quốc.

Ông nói: "Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng tăng trong chính trị toàn cầu và chúng tôi rất quan tâm đến việc hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề mà vai trò của họ là thiết yếu, từ sự phục hồi sau đại dịch đến biến đổi khí hậu và kết nối bền vững".

Mặc dù chưa có nhiều kết quả được thể hiện từ việc EU đang thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường nhiều hơn nữa, ông Borrell cho biết đây là một khu vực mà các cuộc đàm phán với niềm tin tốt đẹp có thể tạo ra kết quả tốt cho cả hai bên.

Ông cũng nói: "Tôi hy vọng chúng ta có thể thúc đẩy họ ra kết luận càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng mở cửa bất đối xứng hiện nay", đề cập đến các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư EU-Trung Quốc mà cả hai bên hy vọng sẽ hoàn thành trong năm nay.

Trong khi EU và Mỹ chia sẻ những lo ngại tương tự về nền kinh tế Trung Quốc thì khối này vẫn từ chối các lời kêu gọi đẩy họ đến gần hơn con đường của Washington.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dựa trên con đường cạnh tranh toàn cầu, bất kể ai sẽ ở Nhà Trắng vào tháng 1 tới. Và cuộc đối đầu này sẽ đóng khung trật tự thế giới trong tương lai, ông Borrell viết.

Ông nói rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn rất quan trọng đối với châu Âu - "những giá trị mà chúng ta chia sẻ tạo nên nền tảng của nó" - nhưng nó đang bị căng thẳng bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chính quyền của ông ấy "đã đưa ra những quyết định đơn phương mà chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý".

"Cách thức của châu Âu bao gồm làm việc với những người cùng chí hướng để giữ cho hệ thống đa phương này là một không gian hợp tác, ngay cả khi các cường quốc coi nó ngày càng giống như một chiến trường, ông nói.

"Chúng ta phải duy trì và bảo vệ các lợi ích và giá trị của chính mình. Chúng ta phải sử dụng chúng như một chiếc la bàn, chứ không phải để đáp ứng những kỳ vọng hay áp lực từ người ngoài, mà là những gì chúng ta muốn và cần ở EU".

Nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. "Không có gì bí mật rằng 27 quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận này. Trong khi một số nước thúc đẩy sự liên kết thì số khác tìm kiếm sự hợp tác bình đẳng", ông nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ