(Tổ Quốc) - Có phải Mỹ đang sử dụng Đường ống khí đốt Nord Stream-2 làm mục tiêu thể hiện sự cứng rắn của mình đối với Nga?, tờ National Interest (NI) cho hay.
Giáo sư Lyle J. Goldstein từ Đại học hải chiến Mỹ đã có một bài viết trên NI về quan hệ giữa Mỹ và Nga. Theo bài viết này, mối quan hệ Mỹ- Nga vẫn đang trong sóng gió và có nguy cơ thực sự chìm trong vực thẳm. Mặc dù có một Tổng thống Hoa Kỳ được cho là có quan điểm tích cực với Nga, hai nước vẫn đang rất căng thẳng trước sự leo thang nguy hiểm của các cuộc xung đột quân sự ở cả Đông Ukraine và Syria, việc triển khai thêm lực lượng Mỹ vào Đông Âu, cùng với các cuộc tập trận lớn hơn của NATO dọc theo sườn của Nga, chưa kể đến sự sụp đổ gần như hoàn toàn các hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng, cũng như cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela.
Bên cạnh những vấn đề này, tác giả đã xem xét một vấn đề khá quan trọng, có liên quan tới cả châu Âu, đó là đường ống khí đốt tự nhiên Nord Stream 2- sẽ kết nối Nga và Đức - để xem sự leo thang của phương Tây về Nga sẽ dẫn tới đâu.
Mỹ phản đối mạnh Nord Stream 2
Một bài báo từ cuối tháng 6 trên tờ báo kinh doanh tiếng Nga Kommersant đã đề cập tới việc Quốc hội Mỹ có thể sắp thông qua một đạo luật có tên Đạo luật An ninh Năng lượng bảo vệ châu Âu năm 2019. Theo bài viết trên, "trên thực tế, dự luật này là nhằm chống lại 'Nord Stream-2' và 'dự án Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ'". Giảm nhẹ tác động của động thái trên, tờ Kommersant cho rằng, "dự luật này ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới vùng Baltic, và dự án đó dự kiến sắp được hoàn thành vào tháng 11 năm 2019. Tương tự như vậy, đường ống Thổ Nhĩ Kỳ đang được lắp đặt trên Biển Đen, vì vậy nó sẽ được hoàn tất mà không bị chặn bởi luật pháp Hoa Kỳ.
Truyền thông Nga cũng trích dẫn chuyên gia năng lượng Nga Igor Yushkov rằng, vấn đề được đặt ra là Nga phải đối mặt với một số rủi ro vì tập đoàn khí đốt Gazprom của nước này không có khả năng tự đặt đường ống. Nhưng ông Yushkov vẫn nhận định rằng, "dự án này cuối cùng cũng sẽ được hoàn tất". Ông nói rằng, ở châu Âu, mọi người đều biết rất rõ lý do tại sao Hoa Kỳ lại rất tích cực phản đối Nord Stream 2. Chuyên gia này cũng cáo buộc Washington muốn giảm vai trò của Moscow với tư cách là nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, muốn tăng giá và giành thị phần cho các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ.
Dự án đường ống Nord Stream 2 đang bị Mỹ và một số nước châu Âu phản đối.
Cũng theo Goldstein, sự phản đối của Mỹ đối với các đường ống mới của Nga là rất mạnh, nhưng Berlin dường như đã quyết định không đồng tình với các mối quan ngại của Washington. Sau vài năm sóng gió, có vẻ như giới tinh hoa chính sách đối ngoại của Đức không quá nhiệt tình với giới lãnh đạo Mỹ. Ví dụ, một phân tích tháng 2/2019 được công bố bởi SWP (Viện các vấn đề quốc tế và an ninh) có trụ sở tại Berlin, lập luận rằng, nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế nhập khẩu khí đốt của Nga vào châu Âu là nhắm thẳng vào chính phủ liên bang Đức- bên từng bị Tổng thống Trump mô tả là đang quá phụ thuộc vào Nga". Trong câu đầu tiên của bài phân tích này, các tác giả đã thẳng thắn tuyên bố: Việc gia tăng sử dụng các công cụ kinh tế quyền lực trong chính chính sách đối ngoại Mỹ đối với Nga đang ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của châu Âu và Đức".
Phân tích của Đức chủ yếu dựa trên tính toán về giá trị kinh tế, nhưng cũng đã thể hiện sự phản đối trước những hạn chế của Mỹ đối với quyền tự ra quyết định của châu Âu, lưu ý tác động từ trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga và đối với các công ty tại EU.
Mở đường hàn gắn xuyên Đại Tây Dương
Thay vì cố tách Nga khỏi châu Âu, Mỹ nên cố gắng hỗ trợ sự hợp tác này và thể hiện sự ảnh hưởng trong cấu trúc an ninh châu Âu bằng cách mở cho Moscow một cơ hội tại khu vực. Nga gần đây đã được khôi phục quyền bỏ phiếu tại Ủy hội châu Âu và thỏa thuận đầu năm 2019 khi Nga cho phép các chuyên gia Đức và Pháp giám sát eo biển Kerch chắc chắn là một bước đi nữa đúng hướng. Đồng thời, những bước đi tích cực về Ukraine có thể thúc đẩy quá trình trên hơn nữa.
Tuy nhiên, ở cả hai bờ Đại Tây Dương, vẫn còn nhiều bên muốn duy trì không khí căng thẳng với Nga. Không biết có bao nhiêu công ty an ninh mạng sẽ thất nghiệp nếu mối quan hệ Nga - phương Tây được cải thiện đáng kể. Nhiều cơ quan tham vấn tại Washington cũng sẽ phải giảm số lượng các chuyên gia về "chiến tranh lai" trẻ tuổi, theo Goldstein.
Như bất kỳ nhà phân tích quân sự nào cũng biết rõ, nguy cơ xung đột luôn dấy lên rất nhiều sự lo ngại. Nhận thức được thực tế cơ bản đó, Châu Âu, Nga và Hoa Kỳ nên cùng nhau cứu vãn những vết thương trong năm năm qua, bỏ qua việc đổ lỗi cho bên này hay bên kia. Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như đã được bầu chọn với một tỉ lệ ủng hộ rất cao trên nền tảng tranh cử hòa bình và đối thoại. Nếu và khi một sáng kiến hòa bình thực sự thành hiện thực thì nỗ lực đó cần được hỗ trợ tối đa. Người dân Đông Âu và đặc biệt là Ukraine, cần được chữa lành và hòa giải, không leo thang thêm nữa, cũng không phải là sự chia rẽ kinh tế phi lý và không hiệu quả, chuyên gia Goldstein kết luận.