(Tổ Quốc) - Ông Emmanuel Macron sẽ chào đón ông Donald Trump tại thượng đỉnh G7 tại Pháp và việc nới lỏng sự phụ thuộc của châu Âu vào Hoa Kỳ có thể sẽ nằm trong suy nghĩ của Thủ tướng Pháp.
Trong hai năm rưỡi ở Nhà Trắng, ông Trump đã đối xử với các đồng minh châu Âu của mình một cách hết sức cứng rắn, phớt lờ đề nghị của họ về biến đổi khí hậu, áp đặt thuế quan thương mại và đe dọa trừng phạt các nỗ lực của Liên minh châu Âu liên quan tới Iran. Cách tiếp cận như vậy đó có thể sẽ định hình di sản của Trump ở châu Âu, dù có thêm nhiệm kỳ thứ hai hay không.
Khi ông hoàn tất chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020, phần lớn châu Âu không chờ đợi kết quả: Bị trói buộc và phớt, các chính phủ châu lục già đang thấy họ đã trở nên phụ thuộc như thế nào vào Mỹ sau Thế chiến II. Một số người coi đó là động cơ để hành động và đây chắc chắn là công thức cho căng thẳng tại G7 ở Biarritz.
"Nóng mặt" trên thương trường
Nhiều vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu sẽ được đề cập tại thượng đỉnh G7. Nguồn: Bloomberg.
Mối đe dọa nghiêm trọng nhất có thể khiến châu Âu rời xa Hoa Kỳ là việc ông Trump xem xét đánh thuế đối với xe hơi nhập khẩu từ châu Âu vì lý do an ninh quốc gia. Chính quyền của ông đã hoãn quyết định cuối cùng về vấn đề này cho tới tháng 11 để tiến trình đàm phán về một thỏa thuận thương mại Mỹ - EU được tiếp tục. Giá trị của những chiếc xe được gửi đến Hoa Kỳ đã giữ ổn định ở mức khoảng 50 tỷ USD trong vài năm, nhưng thị phần xuất khẩu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. trong khi đó, lượng xe gửi đến Trung Quốc đã tăng đáng kể.
Như đối với các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất. Điều này thể hiện rõ đối với trường hợp của Daimler – chủ sở hữu thương hiệu Mercedes từ năm 2017. Và đây cũng không phải là xu hướng 1 chiều: Tập đoàn ô tô Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết vào tháng Bảy rằng họ đã mua 5% cổ phần của Daimler, một năm sau khi Tập đoàn Geely Holding Chiết Giang nắm giữ gần 10% cổ phần của nhà sản xuất ô tô này.
Khi cuộc vật lộn của Hoa Kỳ với Trung Quốc về thương mại và công nghệ đang căng thẳng, châu Âu đang cố gắng không chọn phe nào. Chính phủ Đức nằm trong số những bên không chú ý đến lời kêu gọi của Mỹ về việc tránh xa Huawei vì lý do an ninh. Nhưng châu Âu cũng đang đầu tư rất nhiều để phát triển lĩnh vực công nghệ của riêng mình và kể từ năm ngoái, họ chính thức phụ thuộc nhiều hơn vào xuất, nhập khẩu của Trung Quốc trong lĩnh vực này so với Hoa Kỳ.
Một điểm nhấn chính khi nói đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và EU là Trump yêu cầu châu Âu mở cửa ngành nông nghiệp được bảo vệ chặt chẽ. Cho đến nay, EU khẳng định nông nghiệp là vấn đề không thể chạm tới. Nhưng Hoa Kỳ có thể có lợi thế thực sự, khi họ đã tăng nhập khẩu nông sản của châu Âu liên tục 5 năm qua. Điều đó có thể khiến châu Âu rạn nứt khi Đức, nước chỉ gửi 2,7% xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của mình sang Hoa Kỳ, sẵn sàng thảo luận về nông nghiệp trong khi nước Pháp xuất khẩu nhiều hơn sang Washington thì phản đối.
Trăn trở về quốc phòng và năng lượng
Một trong những mối quan tâm thường xuyên của ông Trump với các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức, là chi tiêu cho quốc phòng thấp - điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải chịu gánh nặng bảo vệ lục địa này. Ông Trump đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của NATO - nền tảng của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương; rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga mà không hỏi ý kiến đồng minh ở châu Âu; và đề nghị các quốc gia chi trả cho việc Mỹ triển khai quân đội trên đất của họ.
Tổng cộng, Hoa Kỳ có 246 căn cứ trên khắp châu Âu, hoặc gần một nửa tổng số căn cứ ở nước ngoài và hơn 64.000 quân, chỉ đứng sau lượng quân tới châu Á. Trong khi bất kỳ cuộc nói chuyện nào về quốc phòng tại G7 có thể khiến ông Trump đứng ở lập trường khác với các đối tác Đức và Pháp thì chủ đề này lại có thể nhận được sự tán đồng từ Thủ tướng Anh Boris Johnson. Lúc này, ông Johnson cũng đang cần một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh.
Ông Trump cũng cáo buộc Đức quá phụ thuộc vào năng lượng Nga, đồng thời chỉ trích dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 – dự kiến sẽ mở cửa vào cuối năm 2019. Chính quyền Hoa Kỳ đã cảnh báo về việc xử phạt dự án này. Khi nói đến vấn đề năng lượng, mỗi nước trong năm nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã nhập khẩu ròng khoáng sản và dầu trị giá hơn 150 tỷ đô la 14 năm qua. Năm 2018, họ đã nhập 18,4 tỷ USD từ Hoa Kỳ - chiếm 5% và là kỷ lục mọi thời đại. Và mặc dù Nga chiếm thị phần lớn hơn Mỹ rất nhiều thì sự phụ thuộc năng lượng của các quốc gia phía đông châu Âu vào Nga đang suy yếu. Điều này mang lại cho Mỹ cơ hội ngày càng tăng trong một lĩnh vực thương mại quan trọng, và thậm chí có thể giúp ông Trump bán thêm LNG cho châu Âu.
Châu Âu đã cân nhắc những nỗ lực để giảm nhẹ sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong nhiều năm, nhưng không có nhiều thành công. Nhưng những nỗ lực đó được chú ý nhiều hơn khi đối mặt với những đòn giáng liên tiếp của Trump. Dù vậy, châu Âu không hoàn toàn thống nhất. Ý và Anh có nhiều khả năng sẽ cố gắng tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ hơn là làm suy yếu mối quan hệ chung. Điều này sẽ làm cho thượng đỉnh G7 lần này ở Biarritz sôi động.