• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu ráo riết tìm nguồn năng lượng mới thay Nga: "Chốt hạ" hai đối tác Trung Đông

Thế giới 16/06/2022 17:04

(Tổ Quốc) - Nhắm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, Israel và Ai Cập đã ký một bản ghi nhớ (MoU) hôm thứ Tư với Liên minh châu Âu (EU). Động thái này diễn ra khi châu lục già đang tìm nguồn cung thay thế nhập khẩu năng lượng của Nga.

Bộ năng lượng Israel cho biết, văn bản được ký với Liên minh châu Âu (EU) sẽ là thỏa thuận đầu tiên cho phép xuất khẩu một lượng"đáng kể" khí đốt của Israel sang châu Âu.

Châu Âu hướng đến mọi nguồn năng lượng khác ngoài Nga

Theo thỏa thuận này, khí đốt của Israel sẽ được gửi bằng đường ống đến các kho trữ khí hóa lỏng (LNG) trên bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập và sau đó được vận chuyển trên các tàu chở dầu đến các bờ biển châu Âu. EU cũng sẽ khuyến khích các công ty châu Âu tham gia vào các cuộc đấu thầu thăm dò tại Israel và Ai Cập, Bộ năng lượng Israel cũng cho biết.

Trước đó, giữa các nước này đã đạt được một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD vào năm 2020. Theo đó, Israel đã xuất khẩu khí đốt từ một mỏ ngoài khơi sang Ai Cập, nơi nó được hóa lỏng và vận chuyển đến các nước châu Âu.

Châu Âu ráo riết tìm nguồn năng lượng mới thay Nga: "Chốt hạ" hai đối tác Trung Đông - Ảnh 1.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa EU, Ai Cập và Israel. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể xuất khẩu khí đốt từ Israel qua Ai Cập theo thỏa thuận mới này sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn lớn. Quan chức các bên cho biết họ kỳ vọng những lô hàng LNG từ Ai Cập đến châu Âu sẽ ngày càng gia tăng theo biên bản ghi nhớ vừa được ký, mặc dù họ cho biết có thể sẽ mất vài năm trước khi hoạt động xuất khẩu có thể được mở rộng đáng kể. Tuy nhiên, hiện chưa rõ EU sẽ nhập khẩu cụ thể bao nhiêu khí đốt từ mỗi nước.

Ai Cập cũng là nước sản xuất khí đốt, nhưng lượng hàng xuất khẩu của nước này bị hạn chế do nhu cầu trong nước tăng cao.

"Hôm nay Ai Cập và Israel cam kết chia sẻ khí đốt tự nhiên của chúng tôi với châu Âu và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng", Bộ trưởng Năng lượng Israel Karine Elharrar cho biết sau khi ký kết Biên bản ghi nhớ tại Cairo.

Theo số liệu của Refinitiv Eikon – công ty chuyên cung cấp dữ liệu ngành năng lượng, Ai Cập đã xuất khẩu 8,9 tỷ mét khối LNG vào năm ngoái và 4,7 tỷ mét khối trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù phần lớn xuất sang châu Á.

Các quan chức trong ngành cho biết Israel đang trên đà tăng gấp đôi sản lượng khí đốt lên khoảng 40 tỷ mét khối/năm trong vài năm tới khi nước này mở rộng các dự án và quảng bá các lĩnh vực mới lên không gian mạng.

Thỏa thuận trên được ký kết trong bối cảnh EU đang tìm cách hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ai Cập, người đứng đầu EU, bà von der Leyen đã tái khẳng định tham vọng của khối này trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga.

"Tôi nhiệt liệt hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận lịch sử này … Chúng tôi muốn thoát khỏi sự phụ thuộc hiện tại. Chúng tôi muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp đáng tin cậy, và Ai Cập là một đối tác đáng tin cậy", bà von der Leyen nói.

EU đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga vào năm ngoái, chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của khối này.

Mục tiêu không phát thải

Thỏa thuận được ký hôm thứ Tư công nhận rằng khí đốt tự nhiên sẽ có vai trò trung tâm trong thị trường năng lượng của EU cho đến năm 2030.

Theo đó, việc sử dụng khí tự nhiên dự kiến sẽ giảm dần theo cam kết trở thành nền kinh tế không phát thải vào năm 2050.

Thỏa thuận trên cũng được ký kết khi Ai Cập tổ chức Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải, một nhóm được thành lập vào năm 2020 nhằm mục đích thúc đẩy thương mại khí đốt giữa các quốc gia trong khu vực bao gồm Israel, Hy Lạp, Síp và Jordan, và cũng ngay trong chuyến thăm Cairo của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

"Đây là một bước tiến lớn trong việc cung cấp năng lượng cho châu Âu", bà von der Leyen nói sau cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, đồng thời cho biết EU muốn làm việc lâu dài với Ai Cập để mở rộng nguồn cung cấp năng lượng tái tạo.

Một phần trong chương trình hợp tác này là quan hệ đối tác đầy tham vọng về sản xuất khí hydro, dự kiến sẽ được khởi động khi Ai Cập đăng cai tổ chức hội nghị khí hậu COP27 vào tháng 11 năm nay, nhà lãnh đạo châu Âu cho hay.

Bà Von der Leyen nói: "Tôi coi đó là bước đi đầu tiên dẫn đến một thỏa thuận trên toàn Địa Trung Hải bởi vì tôi thấy rằng các nguồn cung cấp năng lượng đang chuyển dần sang phía nam và phía đông toàn cầu".

Ai Cập gần đây đã ký một loạt các thỏa thuận sơ bộ để phát triển các dự án khai thác khí hydro và amoniac xanh trên bờ Biển Đỏ của mình.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ