(Tổ Quốc) - Diễn biến mới nhất từ Philippines và sự bành trướng của các nhóm cực đoan tại Đông Nam Á đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Mỹ.
Thay vì tìm đường đến Iraq và Syria, các chiến binh Hồi giáo Đông Nam Á giờ đây có thể “tung hoành” trên một mặt trận khác, gần gũi với quê nhà hơn ở ngay miền nam Philippines – đây là một viễn cảnh đang khiến Washington hết sức lo lắng.
Cuộc tấn công gần đây của nhóm phiến quân thân IS tại thành phố Marawi, Philippines đã khiến hơn 300 người thiệt mạng. Nó cũng làm lộ rõ sự thiếu hụt của lực lượng an ninh địa phương, cũng như mạng lưới ngày càng lan rộng của tổ chức cực đoan tại khu vực; trong khi đó, các biện pháp phòng chống khủng bố vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả.
Đông Nam Á: mặt trận “quê nhà” cho các tay súng Hồi giáo?
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Jim Mattis phát biểu trước Quốc hội, một chiến dịch dài hơi của quân đội Mỹ hỗ trợ các lực lượng Philippines chống lại các tay súng cực đoan, đã sớm bị dừng lại từ 3 năm trước. Chỉ một số nhỏ các đơn vị đặc biệt của Mỹ hiện còn thực hiện vai trò “cố vấn và trợ lý”. Mỹ cũng đang cung cấp hệ thống giám sát trên không góp phần vào những nỗ lực của Philippines giành lại Marawi – một thành phố có hơn 200.000 cư dân sinh sống.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp, bao gồm cả Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump mong muốn một vai trò lớn hơn của Mỹ. Họ e sợ rằng khu vực này đang trở thành một trung tâm mới, thu hút các tay súng Hồi giáo đến từ Đông Nam Á và cả xa hơn nữa.
“Tôi không biết liệu IS có đang chỉ đạo những chiến dịch này hay không, nhưng chắc chắn họ đang cố gắng đưa binh lính thâm nhập vào khu vực này,” Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Joni Ernst nhận định. “Chúng ta cần phải để mắt đến tình huống này và không để nó vượt khỏi tầm kiểm soát.”
Cơ quan tình báo và các đơn vị chống khủng bố của Mỹ lưu ý, IS đã công khai chấp nhận các mối liên hệ với một số nhóm tại Philippines. Hồi tháng 6 năm ngoái, trong một đoạn video, IS đã kêu gọi những tín đồ của mình tại Đông Nam Á hãy đến Philippines, nếu không thể có mặt tại Syria.
Quân đội Philippines cho biết, có khoảng 40 người nước ngoài, hầu hết từ hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia đã tham gia vào lực lượng bạo động gồm hơn 500 người trong cuộc tấn công tại Marawi. Có ít nhất 1 người Saudi, 1 người Chechnya, 1 người Yemen đã bị thiệt mạng. Nhìn chung, hơn 200 tay súng đã bị chết trong cuộc giằng co giữa chính phủ và phiến quân - hiện đã kéo dài đến tuần thứ tư.
Cuộc tấn công của phiến quân vào Marawi được cho là bất ngờ với quân đội Philppines |
Các video từ quân đội Philippines cho thấy một liên minh các tay súng Hồi giáo địa phương, có mối liên hệ với IS đã cùng hợp tác thực hiện các cuộc tấn công phức tạp. Liên minh này bao gồm cả thủ lĩnh chi nhánh IS tại Đông Nam Á Isnilon Hapilon – một người Philippines có tên trong danh sách khủng bố bị truy nã của Mỹ với giải thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được tên này.
Các quan chức của Mỹ cũng đang đánh giá xem liệu có ai trong số khoảng 1.000 người Đông Nam Á từng đến Iraq và Syria trong những năm gần đây, tham gia trong cuộc tấn công lần này tại Philippines hay không. Mỹ lo sợ rằng, tại một vùng mà cư dân sinh sống chủ yếu là người Hồi giáo như xung quanh Marawi, những địa điểm không có chính quyền kiểm soát xuất hiện, có thể sẽ khiến nơi đây trở thành một trung tâm khủng bố như những năm 1990.
Vào thời điểm đó, Philippines từng là căn cứ hoạt động cho các thủ lĩnh al-Qaida như Khalid Sheikh Mohammed và Ramzi Yousef. Hai tên này từng lập âm mưu cho nổ máy bay trong khu vực Thái Bình Dương. Mặc dù kế hoạch này sau đó bị phá vỡ, nhưng cả Mohammed và Yousef đều được cho là có liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/9 vào nước Mỹ.
Nỗi lo chung của cả khu vực
Các quốc gia khác cũng đang chia sẻ cùng nỗi sợ hãi. Singapore gần đây đã cảnh báo khả năng ảnh hưởng của IS sẽ “vượt xa” những gì al-Qaida và Jemaah Islamiyah đã thể hiện. Nhóm Jemaah Islamiyah từng thực hiện một số vụ khủng bố lớn tại khu vực trong những năm 2000. Năm ngoái, IS bị phát hiện có mối quan hệ với các cuộc tấn công tại Indonesia và Malaysia, cũng như một số âm mưu tại Singapore.
Cũng trong tháng Sáu, Bộ trưởng Mattis từng kêu gọi những người đồng cấp đến từ Đông Nam Á rằng, “chúng ta phải cùng nhau hành động để ngăn chặn mối đe dọa này ngày một phát triển.” Tuần trước, ông nhấn mạnh vào việc chia sẻ thông tin tình báo, và cùng chung vai gánh vác với các quốc gia như Singapore, thay vì triển khai quân đội Mỹ.
Từ năm 2002 – 2014, hơn 500 lính Mỹ đã đồn trú tại vùng Mindanao để cố vấn và huấn luyện các lực lượng Philippines chống lại nhóm phiến quân Abu Sayyaf. Sau khi dự án này kết thúc, các quan chức hai nước đã bày tỏ sự quan ngại trước việc Mỹ rút đi “có thể dẫn tới một mối đe dọa khủng bố trỗi dậy.” Nhiều tháng trước đó, Abu Sayyaf đã tuyên bố hỗ trợ IS.
Mỹ cần một vai trò “lớn hơn” tại Philippines?
“Sát cánh” cùng Philippines không phải là một ý kiến hoàn toàn rõ ràng ở Washington. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhận được vô số lời chỉ trích với chiến dịch thanh trừng tội phạm ma túy của mình. Hàng nghìn người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, chiến dịch này chủ yếu nhắm vào cảnh sát và lực lượng phòng chống ma túy, chứ không phải là quân đội chống lại IS.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia Đông Nam Á đến từ Đại học National War Zachary Abuza, chính phủ Philippines vẫn phải chịu trách nhiệm phần lớn cho tình trạng bạo lực tại Marawi. Ông cho rằng, nguyên nhân sâu xa chính là thất bại của Manila trong việc thực hiện một thỏa thuận hòa bình được ký kết vào năm 2014 với nhóm phiến quân Hồi giáo lớn nhất Philippines.
Thượng Nghị sỹ Earnst, hiện đang đứng đầu một tiểu ủy ban của Thượng viện về các mối đe dọa, muốn quân đội Mỹ tái khởi động một chiến dịch quy mô lớn hỗ trợ Philippines đối phó với IS. Theo yêu cầu của quân đội Philippines, Lầu Năm góc đã điều một máy bay P3 Orion đến Marawi thực hiện nhiệm vụ giám sát. Tuần trước, Mỹ cũng đã cung cấp hơn 600 khấu súng trường cho các lực lượng chống khủng bố của Philippines.
Trong lúc này, Tổng thống Duterte dường như đã rút lại lời đe dọa “trục xuất” các lực lượng Mỹ ra khỏi Philippines mà ông từng tuyên bố trước đây, khi muốn chứng tỏ lòng nhiệt tình muốn thắt chặt hơn quan hệ với Trung Quốc. Ông cho biết, mình không tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ phía Mỹ, nhưng rất biết ơn trước những gì Philippines đang nhận được. “Họ [người Mỹ] ở đây để cứu sống mạng người,” ngài Tổng thống nói.
(Theo AP)