(Tổ Quốc) - Sau một năm chính thức vận hành với đầu số mới, Tổng đài 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đã nhận được hàng trăm nghìn cuộc gọi tư vấn và tố giác các vi phạm/xâm hại về quyền trẻ em.
Sau khi Luật Trẻ em, Nghị định về trẻ em được thông qua và có hiệu lực, Chính phủ đã quyết định cung cấp cho Tổng đài sử dụng số điện thoại 111 cho dễ nhớ, giải quyết các vấn đề nóng trong lĩnh vực liên quan tới trẻ em.
Chia sẻ về hoạt động của Tổng đài 111 trong suốt năm qua, ông Vũ Văn Dũng- Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Bộ LĐTBXH, cho biết, kể từ tháng 12/2017, Tổng đài 111 đi vào hoạt động đã tiếp nhận mọi thông tin tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em khi mọi người gọi đến. Sau khi tiếp nhận thông tin, các bộ phận có trách nhiệm kết nối với các địa phương, các cơ quan có chức năng, cung cấp dịch vụ, xử lý các vấn đề liên quan vào cuộc xử lý ngay.
Tổng đài thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho những người gọi tới tổng đài về các kỹ năng, kiến thức để xử lý, giải quyết các tình huống, vấn đề đang gặp phải. Đội ngũ chuyên gia tư vấn, cố vấn cũng giải quyết các vấn đề khi người dân gọi tới.
Ảnh minh họa: báo Hải quan
Theo ông Dũng, mỗi năm Tổng đài nhận được từ 350.000-400.000 cuộc gọi của người dân và trẻ em. Nội dung các cuộc gọi được chia thành nhiều nội dung liên quan đến khác nhau như quan hệ giữa trẻ với trẻ, quan hệ của trẻ trong cộng đồng, trong gia đình, mối quan hệ giữa thầy cô giáo với học sinh, giữa cha mẹ với con cái… những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đều được phản ánh tới Tổng đài.
Ông Dũng chia sẻ, những thông tin gọi tới Tổng đài là những căn cứ để giúp các nhà nghiên cứu, xây dựng chính sách có thêm thông tin tham khảo. Trong số các cuộc gọi đến Tổng đài 111, ở độ tuổi dưới 18 tuổi thì nữ giới chiếm đa số, trong đó dưới 10 tuổi, tỉ lệ nữ gọi đến là 65,7%, từ 11-14 tuổi là 63,6%, từ 15-16 tuổi là 58,3%, từ 16-18 tuổi là 53,7%; còn ở độ tuổi trên 18, tỉ lệ nữ thấp hơn nam với tỉ lệ nữ gọi đến Tổng đài là 45,3%. Tính chung, tỉ lệ nữ giới gọi đến Tổng đài 111 vẫn thấp hơn nam giới với 49,4%.
Nếu phân theo nhóm đối tượng gọi đến Tổng đài, trong số 4.948 trẻ trong trường học gọi đến thì có 61,8% là nữ; 236 trẻ ngoài trường học gọi đến thì chỉ có 47,5% là nữ. Theo nội dung cuộc gọi đến Tổng đài, trong 692 đối tượng cần hỗ trợ can thiệp thì nữ giới có tỉ lệ khá cao so với nam giới với 60,5%. Đặc biệt, nếu phân chia theo giới tính của nạn nhân xâm hại, bạo lực thì trong 261 trường hợp gọi đến về can thiệp về bạo lực thì nam giới chiếu 51%; và trong 181 trường hợp gọi đến về can thiệp xâm hại tình dục thì nữ giới chiếm đa số với tỉ lệ 98,9%, chỉ có 1,1% là nam giới.
Hiện tại các cuộc gọi tới Tổng đài 111 hoàn toàn miễn phí, có nhân viên trực thường xuyên 24/7. Trong năm qua, Trung tâm cũng đã phát triển thêm hai Trung tâm vùng tại Đà Nẵng và An Giang. Với ba tổng đài được kết nối với nhau sẽ thực hiện tốt hơn việc tiếp nhận các thông tin, thông báo tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em và nhu cầu của người dân muốn được tư vấn các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ.
Tuy nhiên, từ những vụ việc xảy ra vừa qua cho thấy, những con số trên vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số các vụ việc được phát hiện mà trẻ em có thể chia sẻ với các cơ quan chức năng, còn phần lớn những vụ việc, cụ thể những vụ việc như báo chí và mạng xã hội phát hiện, phản ánh là những vụ việc rất nghiêm trọng, tình trạng báo động của các hành vi vi phạm, xâm hại trẻ em trong xã hội hiện nay.
Mặt khác, ở khía cạnh pháp lý, thực tế cho thấy, việc xây dựng Luật, Nghị định… hiện mới chỉ đưa ra được các nguyên tắc chứ chưa đưa ra được các định nghĩa, dấu hiệu cụ thể để xác định rõ các hành vi vi phạm, thêm vào đó, các vấn đề xảy ra trong thời gian qua cũng cho thấy mức độ phức tạp của các vụ việc.
Vì vậy các cơ quan chức năng cần tìm hiểu, xem xét thấu đáo mọi vấn đề, tránh những oan sai, bỏ lọt tội phạm, để có các biện pháp xử lý nghiêm minh, triệt để các đối tượng có hành vi vi phạm, xâm hại trẻ em. Và cần phải có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đơn vị liên quan để cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay, mà giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan đến trẻ em là việc cần phải thường xuyên thực hiện.