• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chỉ số quyền lực châu Á 2019: Vị thế số một của Mỹ "lung lay" vì Trung Quốc và một cái tên bất ngờ

Thế giới 29/05/2019 10:33

(Tổ Quốc) - Mỹ hiện vẫn là quốc gia quyền lực nhất tại châu Á nhưng hai cái tên khác mới đang "chiếm cứ" tâm điểm nhờ những cải thiện thứ hạng ấn tượng.

Viện Lowy tại Sydney, Australia vừa công bố Chỉ số quyền lực châu Á 2019 – được miêu tả là "đánh giá tham vọng và toàn diện nhất về quyền lực từng được thực hiện". Mỹ một lần nữa giữ vị trí đứng đầu với 84,5/100 điểm;. Tuy nhiên, thứ hạng của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể so với năm ngoái khi đạt 75,9 điểm.

Chỉ số quyền lực châu Á 2019: Vị thế số một của Mỹ lung lay vì Trung Quốc và một cái tên bất ngờ - Ảnh 1.

Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới nhưng vị trí này họ còn ngồi vững được bao lâu? (ảnh: Reuters)

Trong tám thước đo quyền lực, được chia làm hai giữa một bên liên quan tới nguồn lực và bên còn lại liên quan tới ảnh hưởng. Trung Quốc và Mỹ - hai cường quốc duy nhất đạt trên 70 điểm, mỗi nước đều đứng đầu bốn chỉ số, đặc biệt Bắc Kinh đã vượt qua Washington trong hạng mục quan trọng là "nguồn lực kinh tế".

"Trong hầu hết các kịch bản và hình thức chiến tranh, Mỹ gần như chắc chắn không thể chấm dứt được sự cách biệt sức mạnh ít ỏi giữa họ và Trung Quốc", phần tóm tắt của bản báo cáo chỉ ra, đồng thời cảnh báo, "thách thức lớn nhất cho sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là nước Mỹ mà chính là bản thân mình".

Trong hầu hết các kịch bản và hình thức chiến tranh, Mỹ gần như chắc chắn không thể chấm dứt được sự cách biệt sức mạnh ít ỏi giữa họ và Trung Quốc... Thách thức lớn nhất cho sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là nước Mỹ mà chính là bản thân mình.

Báo cáo Chỉ số quyền lực châu Á 2019

Mối quan hệ Mỹ - Trung đang không ngừng leo thang căng thẳng, với cả hai bên thiệt hại hàng tỷ USD do xung đột thương mại cũng như những "so kè" lập trường trong một số vấn đề nóng của thế giới. Trong thực tế, nhiều quan hệ của Mỹ với các nước đã bị ảnh hưởng tiêu cực kể từ khi báo cáo Chỉ số quyền lực châu Á được công bố năm ngoái. Do vậy, quyền lực của Mỹ được miêu tả là "hơi sụt giảm".

"Chính sách đối ngoại Mỹ có thể sẽ khiến xu thế trên gia tăng. Chính quyền Trump tập trung vào chiến tranh thương mại và cân bằng các dòng chảy thương mại của một nước vào từng thời điểm một – hầu như không giúp cải thiện gì cho những yếu kém ngày càng rõ ràng trong ảnh hưởng và các quan hệ kinh tế của Mỹ", báo cáo đánh giá. "Những đối lập giữa chương trình nghị sự kinh tế xét lại của Washington với vai trò truyền thống của nó trong sự lãnh đạo dựa trên đồng thuận, đã khiến Mỹ phải đứng ở vị trí thứ ba – sau Bắc Kinh và Tokyo, trong xếp hạng ảnh hưởng ngoại giao tại châu Á".

Trong khi năng lực quân sự của Washington vẫn chưa có đối thủ thì Bắc Kinh cũng đang đạt được những bước tiến lớn, với quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi hiện đại hóa hàng loạt lực lượng quân đội lớn nhất thế giới.

Mặc dù vậy, "Bắc Kinh đối mặt với các thách thức chính trị và cơ cấu, có thể khiến họ gặp khó khăn để thiết lập địa vị đứng đầu hoàn toàn trong khu vực", và mặc dù có nhiều tiến bộ, Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ 9 về mạng lưới phòng thủ, trong một khu vực mà Mỹ vẫn đang duy trì các quan hệ quân sự vững chắc. Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của ông Tập có thể đã vượt qua những phản đối của Washington khi thu hút đại diện từ 150 quốc gia tham gia thượng đỉnh vào tháng trước, tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ trước mục đích và cách thức vận hành của dự án.

Chỉ số quyền lực châu Á 2019: Vị thế số một của Mỹ lung lay vì Trung Quốc và một cái tên bất ngờ - Ảnh 3.

Triều Tiên cũng có những bước tiến mạnh trong xếp hạng năng lực quân sự (ảnh: xinhua)

Một số đáng chú ý khác bao gồm hai "nước lớn" là Nhật Bản và Ấn Độ lần lượt đứng thứ ba và thứ tư; nước Nga đang lên ở vị trí thứ năm; đặc biệt, Triều Tiên mặc dù ở vị trí 16 nhưng lại là quốc gia có thứ hạng cải thiện nhanh nhất - chỉ sau Trung Quốc.

Không chỉ "nhảy" 5 bậc trong hạng mục ảnh hưởng ngoại giao, Triều Tiên còn vượt qua Philippines trong bảng xếp hạng chung. Với công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã được chứng minh và quy mô lực lưỡng vũ trang chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ, Bình Nhưỡng gây ấn tượng với vị trí thứ 6 về năng lực quân sự. Tuy nhiên, cũng chính kho vũ khí của Triều Tiên đã đem tới sự cô lập và loạt trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, khiến nền kinh tế nước này đạt điểm gần như bằng 0 và đứng hạng cuối trong số 25 quốc gia được xếp hạng.

Liên quan tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, trang Newsweek nhận định, mối quan hệ giữa hai cường quốc phương Đông vẫn tiếp tục mở rộng bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm cô lập họ. Cả hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác quân sự cũng như kinh tế. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa có hồi kết và Mỹ luôn đe dọa áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với Moscow, Trung Quốc và Nga đang không ngừng nỗ lực để giảm thiểu phụ thuộc vào đồng USD. Cho tới nay, những cố gắng này chưa có nhiều ảnh hưởng tới cân bằng kinh tế toàn cầu, nhưng các xu thế hiện tại đã khiến vị trí số một của Washington trở nên "dễ lung lay" hơn bao giờ hết.

Đồng tình với những tuyên bố thường xuyên được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra, báo cáo Chỉ số quyền lực châu Á 2019 khẳng định: "Sự giàu có và quyền lực thế giới đang hướng đông".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ