• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh, nổi bật “điểm nhấn” Nga

Thế giới 24/04/2017 13:12

(Tổ Quốc) - Nga đã trở thành nước lớn thứ 3 trên thế giới về chi tiêu quân sự vào năm 2016 bất chấp giá dầu thấp và các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Nga đã trở thành nước lớn thứ 3 trên thế giới về chi tiêu quân sự vào năm 2016 bất chấp giá dầu thấp và các biện pháp trừng phạt kinh tế - động thái diễn ra trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng năm thứ hai liên tiếp.

Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay, chi tiêu quân sự của Nga là 69,2 tỷ USD vào năm 2016, tăng 5,9% so với năm 2015 và cho biết đây là tỷ lệ GDP cao nhất kể từ năm 1991.

Tàu chiến Nga khi đến thăm Manila ngày 22/4 (Nguồn: AFP)

SIPRI cho biết: "Việc gia tăng ngân sách quốc phòng và những gánh nặng đối với nền kinh tế diễn ra khi  nền kinh tế Nga đang gặp rắc rối nghiêm trọng do giá dầu mỏ và khí đốt thấp cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt từ năm 2014" .

Saudi Arabia là quốc gia có ngân sách quốc phòng đứng thứ 3 thế giới vào năm 2015 nhưng đã tụt xuống vị trí thứ 4 vào năm 2016 khi giảm 30% ngân sách xuống còn 63,7 tỷ USD, "mặc dù vẫn tiếp tục can dự vào các cuộc xung đột khu vực".

Nhà nghiên cứu Nan Tian của SIPRI cho biết, "Việc giảm doanh thu từ dầu mỏ và các vấn đề kinh tế liên quan đến cú sốc giá dầu đã buộc nhiều quốc gia xuất khẩu dầu phải giảm chi tiêu cho quân đội",  và nói thêm rằng Saudi Arabia đã có mức giảm ngân sách quốc phòng mạnh nhất từ 2015-2016.

Mỹ vẫn là nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới với mức tăng 1,7% trong giai đoạn 2015-2016 lên 611 tỷ USD trong khi Trung Quốc tăng chi tiêu 5,4% lên 215 tỷ USD, mức tăng thấp hơn nhiều so với năm trước.

SIPRI cho biết sự gia tăng ngân sách quân sự của Mỹ vào năm 2016 có thể báo hiệu sự kết thúc của xu hướng giảm chi tiêu tại nước này do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq.

Ngày 13/4, Mỹ đã thả bom phi hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào IS tại phía đông Afghanistan.

Dù vậy, "các mô hình chi tiêu trong tương lai vẫn còn chưa chắc chắn do tình hình chính trị đang thay đổi ở Mỹ", Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự và vũ khí của SIPRI Aude Fleurant cho biết trong một tuyên bố.

Là mục tiêu của hàng loạt vụ tấn công khủng bố từ năm 2015, Tây Âu đã tăng chi tiêu quân sự trong năm thứ hai liên tiếp, thêm 2,6% vào năm 2016. Tổng chi tiêu quân sự ở Trung Âu cũng tăng vọt lên 2,4% trong năm 2016.

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ