• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chi tiêu quân sự trên thế giới tăng kỷ lục

Thế giới 25/04/2022 19:22

(Tổ Quốc) - Chi tiêu quân sự toàn cầu lần đầu tiên đạt hơn 2 nghìn tỷ đôla trong bối cảnh các nước duy trì củng cố năng lực quân sự.

Trang SCMP dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế (SIPRI) cho biết dự đoán chi tiêu quân sự thế giới sẽ tiếp tục tăng ở một số nước vào thời gian tới.

Chi tiêu quân sự trên thế giới tăng kỷ lục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Các nhà nghiên cứu cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu tiếp tục tăng trở lại vào năm 2021 cùng với mức dự báo sẽ còn tăng kỷ lục khi Nga tiếp tục các hoạt động quân sự ở Ukraine.

"Năm 2021 là năm thứ 7 liên tiếp chi tiêu quân sự gia tăng, đạt 2,1 nghìn tỷ USD. Đây là con số cao nhất mà chúng tôi chứng kiến", chuyên gia tại SIPRI Diego Lopes da Silva cho biết:

Theo báo cáo của SIPRI, bất chấp quá trình suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp tục tăng cường kho dự trữ vũ khí, trong đó mức chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 0,7% trong năm ngoái.

Chi tiêu quân sự của Nga tiếp tục tăng 2,9% trong năm thứ ba liên tiếp, đạt 65,9 tỷ USD.

"Chi tiêu quân sự chiếm 4,1% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới và đưa Moscow trở thành quốc gia chi tiêu cho vũ khí lớn thứ năm trên thế giới, chuyên gia Lopes da Silva cho biết.

Trước các áp lực trừng phạt từ phương Tây, Moscow liệu có thể tiếp tục duy trì chi tiêu quân sự khủng trong thời gian tới?

"Điều đó phụ thuộc vào diễn biến quân sự ở Ukraine sau khi Moscow tăng cường hoạt động quân sự ở nước này từ tháng Hai năm nay", ông Lopes da Silva cho biết.

Theo trang SCMP, vào thời điểm năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Moscow đã chịu trừng phạt vào thời điểm giá năng lượng giảm nên rất khó để có thể đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.

"Hiện tại, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mạnh mẽ hơn nhưng giá năng lượng lại tăng mạnh. Điều đó có thể giúp Nga đủ khả năng duy trì chi tiêu quân sự", chuyên gia nghiên cứu Lopes da Silva nhận định.

Cũng theo ông Silva, nguồn thu từ dầu khí đã giúp Nga phát triển sức mạnh quân sự và dự kiến Moscow sẽ tăng mạnh mẽ chi tiêu quân sự vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 72% kể từ khi Nga sáp nhập Crimea. Cho dù ngân sách quốc phòng của Ukraine đã giảm hơn 8% vào năm 2021, xuống còn 5,9 tỷ USD nhưng chi tiêu quân sự vẫn chiếm 3,2% GDP của Ukraine.

Nhiều quốc gia sẵn sàng chi mạnh vào quân sự

Theo nghiên cứu của SIPRI, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng ở châu Âu thì có thêm nhiều quốc gia của NATO tăng cường chi tiêu cho quân sự. 8 quốc gia thành viên của NATO đã đặt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, giảm 1% so với một năm trước đó nhưng tăng 2% so với năm 2014.

Chuyên gia Lopes da Silva cũng đưa ra dự đoán chi tiêu quân sự ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Mỹ lại đi ngược lại xu hướng toàn cầu và giảm chi tiêu 1,4% trong năm 2021.

Trong một thập kỷ qua, chi tiêu của Mỹ vào nghiên cứu và phát triển đã tăng 24% nhưng lại giảm 6% trong các nhu cầu mua sắm vũ khí. Mặc dù hoạt động nghiên cứu có giảm nhưng không rõ rệt và điều này cho thấy Washington đang tập trung vào "các công nghệ thế hệ tiếp theo".

"Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh tính cần thiết để duy trì lợi thế công nghệ trong lĩnh vực quân sự nhằm cạnh tranh với các đối thủ chiến lược", ông Alexandra Marksteiner, một nhà nghiên cứu khác của SIPRI cho biết trong một tuyên bố.

Trung Quốc có ngân sách quốc phòng trong năm 2021 khoảng 210 tỷ USD và là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới. Nước này đã tăng chi tiêu quân sự lên 4,7% trong năm ngoái, đánh dấu năm thứ 27 liên tiếp tích cực đầu tư vào lĩnh vực quân sự. Việc tăng cường quân sự của nước này đã khiến nhiều nước láng giềng trong khu vực tính đến chương trình tăng cường ngân sách cho quân sự. Nhật Bản đã bổ sung thêm 7 tỷ USD, tăng 7,3% - mức tăng cao nhất hàng năm kể từ năm 1972.

Trong khi đó, Australia cũng chi thêm 4% cho lĩnh vực quân sự, đạt 31,8 tỷ USD trong năm 2021. Ấn Độ, quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba trên thế giới cũng tích cực tăng chi tiêu trong lĩnh vực này vào năm 2021 nhưng chỉ giữ mức khiêm tốn là 0,9%

Và, Vương quốc Anh là quốc gia thứ 4 đầu tư mạnh vào chi tiêu quân sự,đạt 68,4 tỷ USD./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ