• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến dịch giải cứu kinh tế của Tổng thống đắc cử Biden trước thềm tuyên thệ nhậm chức

Thế giới 15/01/2021 20:10

(Tổ Quốc) - Tổng thống đắc cử Joe Biden đã đề xuất gói cứu trợ hàng nghìn tỷ đôla trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng tại Mỹ.

Đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la

Theo hãng Reuters, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã đề xuất một gói cứu trợ kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ đôla nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn, tạo nền tảng cơ hội việc làm và gia tăng chi tiêu. Đây là động thái mà nhiều nhà kinh tế khẳng định sự cần thiết giảm thiệt hại lâu dài do đại dịch Covid-19.

Chiến dịch giải cứu kinh tế của Tổng thống đắc cử Biden trước thềm tuyên thệ nhậm chức - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Biden

Giới phân tích đã bắt đầu các dự báo về tăng trưởng kinh tế trong năm nay trước thềm lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Bên cạnh các gói kích thích kinh tế nhỏ vào năm ngoái thì một gói cứu trợ kinh tế trị giá 892 tỷ đôla giải cứu kinh tế Mỹ cũng đã thông qua trong tháng 12 năm ngoái.

Hồi tháng 12/2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ trị giá khoảng 900 tỷ USD, trong đó có khoản trợ cấp 600 USD cho mỗi người dân Mỹ.

Việc chi tiêu vào chương trình vaccine và hỗ trợ các địa phương... sẽ tạo điều kiện cho Mỹ nhanh chóng vượt qua dịch bệnh và khủng hoảng y tế. Theo các nhà kinh tế, gói cứu trợ đề xuất của chính quyền Đảng Dân chủ sắp tới đặt ra mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bao gồm tăng khoản trợ cấp bổ sung hàng tuần cho những người thất nghiệp từ 300 đôla đến 400 đôla Mỹ.

Trong gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ đôla, sẽ dành 170 tỷ đôla vào việc mở cửa trở lại các trường học của Mỹ. Quá trình đóng cửa nhiều doanh nghiệp trong dịch bệnh đã khiến cho hàng triệu công nhân nước này, đặc biệt là phụ nữ Mỹ phải nghỉ việc. Ông Biden cũng đề xuất chi 1.400 USD cho người dân Mỹ, cùng với 600 USD viện trợ hiện tại, sẽ nâng tổng số lên 2.000 USD trên mỗi đầu người. Số tiền này có thể chi tiêu vào các khoản như: thuê nhà, mua thực phẩm ...

Ông Brian Deese- người sẽ đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính quyền mới của Mỹ cho hay, Tổng thống đắc cử Biden sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng đưa ra các nỗ lực giải cứu nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch Covid-19 trước khi chuyển sang các biện pháp phục hồi lớn hơn như chăm sóc sức khỏe người dân và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đề xuất gói cứu trợ mới của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị suy thoái nghiêm trọng. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tái phát trong mùa đông khiến cho thị trường lao động "đã phục hồi phần nào" tiếp tục bị đảo ngược. Các nhà tuyển dụng thậm chí đã sa thải 140.000 nhân viên, áp dụng cả với các nhân sự có vị trí thu nhập thấp trong nhà hàng, quán bar và các ngành dịch vụ khác.

Gói cứu trợ tương đương với ¼ sản lượng kinh tế hàng năm của Mỹ. Nhà kinh tế Moody - ông Ryan Sweet phỏng đoán gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ đôla này có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ trong khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, quá trình phục hồi thị trường lao động sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Phản ứng của FED?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lên tiếng ủng hộ kế hoạch của ông Biden sau cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào năm ngoái.

Vào ngày hôm qua, Chủ tịch FED - Jerome Powell đã lưu ý rằng việc Chính phủ chi trả sớm các gói cứu trợ "khủng" đã phần nào giải cứu khủng hoảng kinh tế Mỹ. Rõ ràng FED sẽ không hề phản ứng trước động thái chi tiêu bổ sung của chính phủ Mỹ như từng làm dưới thời Tổng thống Trump.

"Hiện tại không phải là lúc nói về việc rút lui", ông Powell nói đồng thời đề cập đến chính sách tiền tệ của FED, bao gồm chương trình mua trái phiếu quy mô lớn cũng như dự kiến đưa ra mức lãi suất gần bằng 0 trong nhiều năm".

Vào thời điểm này, nền kinh tế Mỹ đang trải qua nhiều khó khăn bởi thị trường lao động giảm sút. Các gói kích thích kinh tế bổ sung đang là giải pháp đối phó với tình trạng này.

Nước Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng chưa từng có. 10,7 triệu người và thậm chí còn hơn nữa đang không có việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp đạt 6,7% - cao gần gấp đôi trước khi đại dịch diễn ra.

FED đã cam kết giữ mức lãi suất gần bằng 0 vào thời điểm hiện tại cho đến khi tỷ lệ lạm phát chạm hoặc vượt trên 2%.

Các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung đưa ra trong bối cảnh FED không có bất kỳ động thái nào vào cuối năm nay.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ