• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến dịch quy mô lớn làm dấy lên lo ngại về nguồn cung lương thực của Trung Quốc

Thế giới 21/08/2020 13:42

(Tổ Quốc) - Tuần trước, chính quyền Trung Quốc phát động một chiến dịch lớn nhằm hạn chế tình trạng lãng phí lương thực.

Bloomberg đăng tải, chiến dịch chống lãng phí thức ăn mới được phát động tại Trung Quốc đã làm dấy lên những đồn đoán về năng lực của chính quyền Bắc Kinh đối với sứ mệnh đảm bảo lương thực cho dân số 1,4 tỷ người trước những thách thức như lũ lụt, dịch bệnh và cả mối quan hệ căng thẳng với một số đối tác thương mại chủ chốt.

Chiến dịch quy mô lớn có tên "Chiến dịch làm sạch bát sạch đĩa" tập trung kêu gọi người dân chấm dứt tình trạng thức ăn bị bỏ thừa quá nhiều. Mặc dù giới chức chính phủ khẳng định nguồn dự trữ lương thực của đất nước rất dồi dào nhưng một số nhà quan sát đặt câu hỏi về thời điểm triển khai chiến dịch đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang hồi phục sau những tác động của đại dịch.

Chiến dịch quy mô lớn làm dấy lên lo ngại về nguồn cung lương thực của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc phát động chiến dịch hạn chế lãng phí thực phẩm (ảnh: getty)

Theo một số nhà nghiên cứu, mục tiêu phía sau mà chiến dịch mới hướng tới là làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, từ đó chuẩn bị cho tình huống nguồn cung cấp bất ngờ bị gián đoạn.

"Nỗi lo ngại các nguồn cung cấp bị gián đoạn vì COVID-19 đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải tái tập trung vào an ninh thực phẩm và tự cung", nhà phân tích từ StoneX Group Inc., Thượng Hải - Darin Friedrichs nói. "Điều đó bao gồm đa dạng hóa nguồn ngũ cốc từ nước ngoài bên cạnh những nỗ lực làm giảm lãng phí thực phẩm trong nước".

Những căng thẳng chính trị đã làm phát sinh nguy cơ đe dọa dòng chảy thương mại của một số mặt hàng. Đầu năm nay, chính phủ các nước cũng bắt đầu giảm nhập khẩu và bảo vệ các nguồn cung địa phương do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng phụ thuộc nặng nề vào nguồn nhập khẩu thịt cũng như lo lắng về khả năng đứt vỡ chuỗi cung thực phẩm toàn cầu…lại đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Quốc.

Hồi tháng Tư, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley cảnh báo, thế giới "có thể sẽ đối mặt với nhiều nạn đói trong vòng vài tháng tới" dưới tác động của đại dịch COVID-19, các thảm họa tự nhiên và hiện tượng biến đổi khí hậu.

Chiến dịch quy mô lớn làm dấy lên lo ngại về nguồn cung lương thực của Trung Quốc - Ảnh 2.

Những video ghi lại cảnh ăn uống với số lượng thực phẩm lớn sẽ bị cấm tại Trung Quốc (ảnh: getty)

Năm 2020, nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức. Các tỉnh phía nam phải gánh chịu nạn lụt và châu chấu triền miên. Giá thịt lợn tăng cũng góp phần vào tình trạng lạm phát thực phẩm tăng vọt. Ngoài ra, lo ngại hàng hóa nhập khẩu có thể chứa virus corona, một số chính quyền còn ra lệnh dừng nhập khẩu thịt và thủy hải sản đông lạnh từ các vùng dịch trên thế giới.

Quyết tâm chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm của Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra rất khẩn trương và mạnh mẽ. Hệ thống lập pháp quốc gia dự kiến nhanh chóng đưa ra các quy định mới phục vụ cho mục tiêu này. Những ngôi sao livestream cảnh ăn uống với số lượng thực phẩm lớn trên Internet bị cấm hoạt động trong khi các đoàn thể kêu gọi nhà hàng giới hạn món ăn cho khách hàng.

Ông Tập từ lâu đã khích lệ Trung Quốc gây dựng sức mạnh kinh tế nội địa nhằm đối phó với các nguy cơ ngày càng gia tăng từ bên ngoài, bao gồm cả những căng thẳng chưa có hồi kết trong quan hệ Trung-Mỹ. Theo một số nhà phân tích kỳ cựu, chiến dịch chống lãng phí thức phẩm là một phần trong những nỗ lực dài hơi của Bắc Kinh để tăng cường tự cung tự cấp lương thực bền vững.

Cũng trong tháng 7, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Han Changfu từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì "bát cơm của người dân Trung Quốc được lấp đầy bằng những loại ngũ cốc trồng trong nước".

Chiến dịch quy mô lớn làm dấy lên lo ngại về nguồn cung lương thực của Trung Quốc - Ảnh 3.

Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức về lương thực trong năm 2020 (ảnh: CNN)

Chiến dịch cho thấy, chính phủ đã bắt đầu chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ nhất về thiếu lương thực. "An ninh lương thực là một nền tảng quan trọng cho an ninh quốc gia. Lãng phí thức ăn bề ngoài là liên quan tới hành vi cá nhân, nhưng nó có thể dẫn tới những mối nguy hại lớn hơn", một nhà phân tích cảnh báo trong bài viết đăng trên tờ Nhật báo Nhân Dân hồi tuần trước. Bài báo chỉ ra, mỗi năm tại Trung Quốc, có khoảng 35 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí – chiếm khoảng 6% tổng sản lượng lương thực toàn quốc.

Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể nhu cầu thực phẩm của nước này. Trong những năm gần đây, người dân sống tại khu vực thành thị ven biển sử dụng nhiều hơn các mặt hàng như: thịt, sô cô la, rượu và cà phê. Điều đó góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, đồng thời tăng thêm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu như đậu tương từ Mỹ, lúa mạch từ Australia, ca cao và hạt cà phê từ châu Phi…

Mặc dù xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng liên quan của Mỹ tới Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 20% mục tiêu 36,5 tỷ USD đề ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn I giữa hai nước, chính quyền Trump cho hay, Bắc Kinh vẫn đang cố gắng để tuân theo hiệp định.

"Họ đang mua hàng tấn hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông nghiệp", cố vấn kinh tế hàng đầu chính quyền Trump là Larry Kudlow cho hay hôm 20/8. "Cho đến nay, mọi việc vẫn tốt".

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn thường sử dụng các hạn chế thương mại để đạt được các mục tiêu chính trị của mình. Hồi tháng 5, Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu thịt bò và áp thuế đối với lúa mạch từ Australia sau một cuộc điều tra trước đó liên quan tới chống bán phá giá. Đại sứ Trung Quốc tại Canberra từng đe dọa, người tiêu dùng Trung Quốc có thể chọn tẩy chay hàng hóa Australia.

"Chừng nào còn có thể, Bắc Kinh sẽ vẫn lựa chọn mua hàng hóa từ các nước nằm trong tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình", nhà kinh tế học tại Enodo Economics là Diana Choyleva nhận định.

Trong khi chiến dịch mới vẫn đang gây ra ít nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, tờ Hoàn Cầu phủ nhận mối liên kết của chiến dịch với khả năng thiếu lương thực. Theo tờ báo Trung Quốc, "đó đơn giản chỉ liên quan tới một vấn đề xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý hơn".

Tương tự, hai quản lý cấp cao giấu tên trong ngành lương thực Trung Quốc chia sẻ với Bloomberg, chiến dịch của ông Tập chính là sự tiếp nối các chính sách chống lãng phí thực phẩm đã được chính quyền triển khai từ năm 2013.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ