(Tổ Quốc) - Donald Trump: Việt Nam nằm ở “trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Ý tưởng về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” mà chính quyền Donald Trump đưa ra gần đây được cho là khái niệm có hàm ý chuyển vai trò quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ Trung Quốc sang Ấn Độ trong một liên minh do Mỹ lãnh đạo. Chính vì thế, ý tưởng này của Mỹ được nhiều học giả cho rằng đây là một phần trong chính sách nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Từ ý tưởng đến chiến lược
“Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là khái niệm không gian địa lý của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khu vực này chiếm gần một nửa dân số thế giới bao gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và châu Phi có tài nguyên phong phú. Nó còn bao gồm mấy tuyến đường yết hầu quan trọng của kinh tế thương mại toàn cầu. Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” coi Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một vòng cung chiến lược. Sự phát triển mới của tình hình khu vực, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng với việc nước này ra sức xây dựng thành cường quốc đại dương, bắt đầu tạo ra một góc nhìn chiến lược coi Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là tổng thể.
Tháng 8/2007, trong chuyến thăm đầu tiên với cương vị thủ tướng đến Ấn Độ, trong bài phát biểu với tiêu đề “Kết nối hai đại dương” tại Quốc hội Ấn Độ, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang được coi là sự liên kết đầy năng động của vùng biển tự do và phồn vinh, một “châu Á mở rộng” phá vỡ biên giới địa lý bắt đầu hình thành. Ông Abe còn đề cập đến sáng kiến “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật Bản-Úc gặp mặt bên lề APEC-Đà Nẵng. |
Tháng 10/2010, tại Honolulu, thủ phủ của Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu: “Chúng ta đang mở rộng hợp tác hải quân với Ấn Độ ở Thái Bình Dương, bởi chúng ta hiểu tầm quan trọng của khu vực lòng chảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với thương mại toàn cầu”.
Năm 2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton có bài viết quan trọng trên tạp chí đối ngoại của Mỹ, với tiêu đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” nêu rõ: “Chúng ta đang đưa quan hệ đồng minh với Australia mở rộng từ đối tác Thái Bình Dương sang đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Tháng 1/2012, “Định hướng chiến lược” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố nêu rõ: “Lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ không thể tách rời sự phát triển của tình hình vòng cung địa lý từ Thái Bình Dương và Đông Á vươn dài đến Ấn Độ Dương và Nam Á”.
Thủ tướng Narendra Modi khi nhậm chức năm 2014 đã đề cập đế chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, với việc tăng cường quan hệ đối tác thiết thực với Mỹ, Nhật Bản, Australia và những nước thuộc ASEAN, thực hiện hành động từ “Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông”.
Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ gặp mặt bên lề EAS-Manila. |
Tháng 9/2017, khi Thủ tướng Nhật Bản Abe thăm Ấn Độ, Thủ tướng Modi phát biểu: “Tôi tin tưởng quan hệ Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là quan hệ song phương tiềm năng nhất trên thế giới, tôi đã quyết tâm thúc đẩy Ấn Độ và Nhật Bản cùng lãnh đạo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đi theo con đường hòa bình và phồn vinh”.
Tháng 11/2017, Thủ tướng Abe, nhân chuyến thăm Nhật Bản của ông Trump, xác định: “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã bao trùm toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xuyên qua Ấn Độ Dương, thẳng đến khu vực rộng lớn Trung Đông và châu Phi, là trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Chúng tôi cho rằng bảo vệ và tăng cường trật tự vùng biển tự do và cởi mở có ý nghĩa rất quan trọng đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực này. Chúng tôi đồng ý tăng cường hợp tác, thực hiện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Đối phó Trung Quốc
Một thập kỷ trước, Australia và Ấn Độ không quan tâm tới khái niệm “Ấn Độ dương - Thái Bình Dương” mà Thủ tướng Nhật Bản đưa ra. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Australia và Ấn Độ đã có những nhận thức mới và thấy cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong chiến lược an ninh đối ngoại, mong muốn tiến hành tập hợp lực lượng dưới những hình thức thích hợp.
Ấn Độ là một điểm tựa then chốt của vòng cung chiến lược Ấn-Thái, được khuyến khích đảm nhận một vai trò mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ tứ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ là một tập hợp lực lượng lỏng lẻo mang tính phòng ngừa, không phải là một liên minh hay một “NATO của châu Á”. Nhưng, nó có thể được nâng cấp tùy thời.
Tokyo và New Delhi đã ký kết các thỏa thuận về việc chia sẻ thông tin quân sự và trao đổi công nghệ phòng thủ. Cũng đã có tiến bộ trong việc hoàn tất các kế hoạch bị trì hoãn từ lâu của Ấn Độ mua máy bay đổ bộ US-2 của Nhật Bản
Ba đô đốc hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tại cuộc tập trận hải quân ở Vịnh Bengal 2017 |
Sau khi tham gia với tư cách là một thành viên đặc biệt trong nhiều năm, năm 2015 Nhật Bản đã trở thành thành viên thường trực trong các cuộc tập trận Malabar ở vịnh Bengal, tập hợp hơn 20 tàu, trong đó có tàu hải quân lớn nhất của Nhật Bản là chiếc JS Izumo, và gần 100 máy bay từ cả 3 nước.
Mặc dù Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản chia sẻ các mối quan ngại chung, nhưng vẫn chưa rõ các chiến lược của họ sẽ hội tụ như thế nào trong thực tế.
Việt Nam, trong tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bài phát biểu ở Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, ngày 10/11, Đà Nẵng, đã nhận xét, Việt Nam nằm ở “trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”./.