(Tổ Quốc) - Các chuyên gia nhận định, tình trạng biểu tình kéo dài tại thành phố Gwadar, Pakistan, nơi xây dựng dự án cảng lớn theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng đầu tư nhiều hơn của Trung Quốc vào Gwadar nói riêng và Pakistan nói chung.
Cuộc biểu tình kéo dài một tháng qua, do Maulana Hidayat ur Rehman, một nhà lãnh đạo chính trị địa phương, dẫn đầu, đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Những người biểu tình, nhiều người trong số họ là phụ nữ, đã cắm trại ở lối vào cảng Gwadar do Trung Quốc vận hành. Họ tụ tập tại đây để nghe những bài phát biểu của Rehman. Cuộc biểu tình này đã gây xôn xao dư luận ở Pakistan và làm dấy lên một cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Người dân không có lợi ích gì trong CPEC
Lực lượng biểu tình đang yêu cầu chấm dứt hoạt động đánh bắt cá dưới biển sâu của những người đánh cá ở vùng biển gần đó, dỡ bỏ các trạm kiểm soát an ninh trong thành phố và tiến hành giao thương tự do hơn với nước láng giềng Iran. Cảng ở Gwadar là một dự án trọng tâm trong chuỗi dự án trị giá 50 tỷ USD trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Pakistan. Sáng kiến này được thông tin đến địa phương với tên gọi Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã thừa nhận để xảy ra các cuộc biểu tình hôm thứ Hai, đăng trên dòng tweet: "Tôi đang nhận thấy những yêu cầu rất chính đáng của các ngư dân chăm chỉ ở Gwadar. Sẽ thực hiện những hành động mạnh mẽ để đối phó với nạn đánh bắt cá trái phép và sẽ đối thoại với lãnh đạo địa phương Balochistan".
Cư dân địa phương nói với tờ Nikkei Asia rằng chưa bao giờ có một cuộc biểu tình lớn như vậy trong lịch sử của Gwadar. Người dân Ali, yêu cầu không đăng tên đầy đủ, cho biết: "Hoạt động kinh tế tại cảng Gwadar đã bị hạn chế và tiếp tục bị giảm sút do các cuộc biểu tình đang diễn ra".
"Người dân địa phương không có lợi ích gì trong CPEC, và do đó những cuộc phản đối này đang kéo dài", James M. Dorsey, một chuyên gia cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, thông tin với Nikkei. Ông nói thêm rằng các thế lực bên ngoài thù địch với Trung Quốc có thể đang lợi dụng các cuộc biểu tình.
Thành phố Gwadar là nơi sinh sống của khoảng 138.000 người, khoảng 2/3 trong số họ dựa vào nghề đánh cá để kiếm sống. Điều này giải thích sự phản đối của họ với những tàu đánh cá ở khu vực biển sâu. Những tàu này sử dụng các tấm lưới lớn và quét sạch mọi thứ trên đường đi của chúng.
Các tàu Trung Quốc được cho là nằm trong số đó và gây phẫn nộ cho ngư dân địa phương. Năm ngoái, ngư dân Gwadar đã phản đối khi có thông tin cho rằng 20 tàu đánh cá biển sâu của Trung Quốc được phép đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi Gwadar. Vào tháng 7 năm nay, 5 tàu đánh cá nước sâu của Trung Quốc với nhiều cá trên tàu đã bị Cơ quan An ninh Hàng hải Pakistan bắt giữ tại khu vực gần Gwadar.
Aslam Bhootani, người đại diện cho Gwadar tại Quốc hội Pakistan, tin rằng hầu hết các yêu cầu của người biểu tình đã được đáp ứng. "Tôi hy vọng những người tổ chức cuộc biểu tình xem xét lại quyết định tiếp tục biểu tình, bởi vì một số yêu cầu khác của họ không thể giải quyết trong một sớm một chiều", Bhootani thông tin với Nikkei.
Nguy cơ sụt giảm đầu tư
Rehman, một thành viên trong gia đình ngư dân ở Gwadar, cho đến nay không quan tâm đến việc dừng các cuộc biểu tình. Thay vào đó, ông dường như đang nâng cao quan điểm, nói rằng nếu những yêu cầu của người biểu tình không được đáp ứng, ông sẽ nêu thêm một điều khác: thay đổi quy định chia sẻ doanh thu giữa Trung Quốc và Pakistan tại cảng này. Theo thỏa thuận hiện tại, 91% doanh thu được chuyển đến Trung Quốc. Rehman nói rằng ông sẽ yêu cầu 98% cho Pakistan.
"Chúng tôi sẽ tuần hành đến thủ phủ khu vực, Quetta, nơi có 1 triệu người, sau vài tháng nữa nếu các yêu cầu của chúng tôi không được đáp ứng", ông nói với đám đông những người ủng hộ vào Chủ nhật.
Chính phủ Pakistan gần đây đã đưa Rehman vào danh sách theo dõi những kẻ tình nghi khủng bố và đóng băng tài khoản ngân hàng của ông, một động thái bị những người biểu tình lên án là có động cơ chính trị.
Dorsey tin rằng các cuộc biểu tình sẽ hạn chế đáng kể phạm vi đầu tư vào Gwadar. Ông nói: "Trong hoàn cảnh hiện tại, không ai muốn chuyển hàng hóa của họ qua Gwadar. Trung Quốc đã đổ một lượng tiền khổng lồ đổ vào Gwadar và triển vọng thu hồi vốn đầu tư của họ, điều mà Trung Quốc chú trọng hơn trong những năm gần đây, có vẻ mờ mịt".
Dorsey cho biết Trung Quốc có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại bằng cách áp dụng chiến lược hai mũi nhọn. Ông nói: "Bắc Kinh cần gây sức ép với Pakistan trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thành phố này và việc đánh bắt cá ... [ở] Gwadar. Mặt khác, Trung Quốc cũng cần chi nhiều tiền cho các dịch vụ xã hội ở Gwadar để cho người dân địa phương có thể hưởng lợi trong các dự án CPEC".