(Tổ Quốc) - Tiếp nối truyền thống vẻ vang 78 năm của sự nghiệp văn hóa, kế thừa những thành quả chiến đấu, lao động, sáng tạo của các thế hệ đi trước, những người nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa đã và đang tích cực hoạt động công hiến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước vững mạnh.
- 21.08.2023 "Giai điệu Tổ quốc" tôn vinh văn hóa thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, bằng nghệ thuật
- 21.08.2023 Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá
- 18.08.2023 Ông Phạm Quang Nghị: Truyền thống lịch sử hàng nghìn năm là mạch nguồn để tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Văn nghệ sĩ là một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa. Không chỉ tác phẩm mà cả lối sống, phát ngôn của họ cũng tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hoá, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam NSƯT Xuân Bắc về vai trò và sứ mệnh của những "chiến sĩ văn hoá" trong công cuộc chấn hưng văn hóa và phát triển ngành văn hóa hiện nay.
+Ngày 28/8/1945 có ý nghĩa như thế nào với Ngành Văn hóa cũng như các nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật thưa ông?
- Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập. Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28/8 hằng năm là ngày truyền thống của ngành để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin. Vậy nên, ngày 28/8/1945 là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với các ngành văn hóa, các văn nghệ sĩ mà còn đối với sự nghiệp phát triển con người Việt Nam.
Ngày truyền thống Ngành Văn hóa ra đời đã cho thấy Đảng, Chính phủ, đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rất rõ vai trò, vị trí của văn hóa trong sự phát triển đất nước, không chỉ đối với Việt Nam mà văn hóa còn mang tính bản lề cốt lõi của toàn bộ nhân loại. Ở Việt Nam, chúng ta có những câu nói rất quen thuộc "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", đó là những câu nói thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và đã giao nhiệm vụ ấy cho Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, cho các nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện. Nên ngày này có thể coi là một một dấu mốc mang tính căn bản để chúng ta phát triển văn hóa sau này.
+Năm 2023 là chặng đường 78 năm của ngành. Nhìn lại một chặng đường dài phát triển, ông có thể cho biết Ngành Văn hóa đã có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của đất nước?
- Tôi chỉ là một thành phần bé nhỏ đóng góp cho ngành Văn hóa nên tôi không thể đánh giá được hết quá trình phát triển của ngành, mà tôi chỉ có cảm nhận văn hóa của Việt Nam gắn liền với đời sống của người Việt, gắn liền với những giá trị truyền thống đẹp. Đặc biệt, văn hóa gắn liền tình yêu nước nồng nàn, gắn liền với sự yêu thương chia sẻ, hy sinh gian khổ và văn hóa gắn liền với nhận thức chính trị - đây là nền tảng cốt lõi phát triển.
Bởi trước năm 1945, chúng ta cũng đã có những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta để lại nhưng để phát triển văn hóa theo đúng khái niệm "văn hóa" nói chung thì hầu như các văn nghệ sĩ vẫn còn "mù mờ", thậm chí thời đó, các nhà thơ, nhà văn cũng không biết nên viết các tác phẩm như thế nào cho phù hợp với tình hình của đất nước. Chỉ đến khi có sự dẫn dắt, định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ mới nhận thức được đầy đủ, đúng đắn để từng bước góp phần phát triển văn hóa rõ nét nhất và thành quả là chúng ta có được một nền văn hóa rực rỡ như ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, sự nghiệp phát triển văn hóa của Việt Nam gắn liền với quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước, chúng ta đã đánh đuổi giặc Pháp, Nhật, Đế quốc Mỹ,… và đến nay, khi chúng ta đang xây dựng đất nước giàu mạnh, cường thịnh nhưng vẫn không ngừng cảnh giác đấu tranh chống lại các thế lực thù địch thì chính giá trị và sức mạnh của văn hóa đã giúp cho chúng ta đứng vững, vượt qua mọi chông gai thử thách. Có thể khẳng định, về sức mạnh cơ bắp chúng ta có thể thua rất nhiều các quốc gia trên thế giới nhưng về sức mạnh tinh thần để chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, gần như không quốc gia nào bằng Việt Nam.
Là một người dân Việt Nam, mỗi chúng ta đều phải tự hào về điều đó bởi đây là sự kết tinh của tinh thần dân tộc, của con người Việt Nam và được dẫn dắt từ những giá trị trường tồn của ông cha ta để lại. Và bất kỳ một sự kiện lớn, một sự chuyển mình mang tính đột phá của đất nước Việt Nam đều có sự đóng góp mạnh mẽ của giá trị văn hóa, văn hóa tác động đến kinh tế, chính trị, khoa học và đời sống nói chung của người Việt.
+Vậy Nhà hát Kịch Việt Nam đã có những hoạt động như thế nào để đóng góp cho Ngành Văn hóa hiện nay, thưa ông?
- Là một phần không thể thiếu trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Kịch Việt Nam đã trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, đóng góp hàng trăm tác phẩm có giá trị đối với công chúng. Nhà hát là đơn vị kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc dựa trên cơ sở của những cái mới của thời đại. Chúng tôi có hàng chục Nghệ sĩ Nhân dân, rất nhiều Nghệ sĩ Ưu tú với những tác phẩm mà gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước.
Trong kháng chiến, Nhà hát Kịch Việt Nam, những người nghệ sĩ đã lấy tảng đá làm sân khấu, lấy cây rừng làm phông bạt, với súng, xoong nồi làm âm thanh để biểu diễn tại chiến trường. Còn trong thời kỳ xây dựng đất nước, thời kỳ bao cấp, Nhà hát Kịch Việt Nam đã sáng tác ra các tác phẩm luôn mang được hơi thở của thời đại vào trong đời sống, phê phán thói hư tật xấu, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, ca ngợi phẩm chất anh hùng cách mạng, ca ngợi những tấm gương người tốt, việc tốt… Từ đó, nhằm định hướng giá trị thẩm mỹ, nâng cao nhận thức chính trị của người dân. Đặc biệt, khi khán giả xem một tác phẩm nghệ thuật sẽ có những cảm nhận tích cực và rút ra các bài học, tự điều chỉnh hành vi để trở thành những người công dân tốt. Thấm nhuần những kinh nghiệm của thế hệ đi trước truyền lại, nhà hát cũng như các thế hệ trẻ bây giờ đã và đang tiếp tục tiếp thu và kế thừa những giá trị đó.
+Vừa là một nhà quản lý, cũng là một nghệ sĩ, theo ông, những chiến sĩ văn hóa có vai trò và sứ mệnh như thế nào trong công cuộc chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa hiện nay?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định "Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận; người nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy" thì đương nhiên chiến sĩ phải ra tiền tuyến và phải chiến đấu. Những chiến sĩ văn hóa là những người tiên phong, họ chiến đấu không phải bằng súng mà bằng chính tác phẩm nghệ thuật mình sáng tạo ra, bằng những quan điểm nghệ thuật, bằng cách nhìn nhận xã hội. Vậy họ chiến đấu với ai? Họ chiến đấu với những thói hư tật xấu, những quan điểm lệch lạc, hủ tục, thoái hóa biến chất và những điều xấu đang tồn tại xung quanh chúng ta.
Họ đánh vào tư tưởng, suy nghĩ nhận thức của con người để đất nước chúng ta có nhiều công dân tốt, những người già mẫu mực, thanh niên nhiệt huyết, những người trung niên đầy khát khao và các em bé thơ ngây biết yêu thương sẻ chia. Từ đó, tạo nên một sức mạnh về tinh thần đoàn kết dân tộc, quật cường và niềm tự hào về dân tộc đất nước Việt Nam. Cùng với đó, những người nghệ sĩ còn có sứ mệnh phải làm thế nào để cho các quốc gia khác trên thế giới ngưỡng mộ, khát khao với những giá trị văn hóa Việt Nam. Những giá trị văn hóa ấy sẽ được chuyển hóa thành giá trị vật chất, sức mạnh của sự sáng tạo, sức mạnh của kinh tế, từ đó góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, những chiến sĩ văn hóa cũng cần có những "vũ khí" của riêng mình. Người nghệ sĩ phải có nhận thức chính trị đầy đủ, có sự hiểu biết, quan điểm xã hội đúng đắn và luôn luôn mang tinh thần lạc quan, yêu đời. Vì nghệ sĩ là những người đang góp phần kiến tạo tâm hồn của công chúng nên phải luôn có một tinh thần tích cực và điều đó được bộc lộ qua tác phẩm mà nghệ sĩ mang đến cho khán giả. Tác phẩm không chỉ nói lên rằng, chúng ta cần phải sống tốt mà thông qua câu chuyện của nghệ sĩ kể khán giả sẽ tự "thức tỉnh" bản thân rằng họ cần phải sống tốt hơn. Chính vì thế, người nghệ sĩ - trước khi trở thành nghệ sĩ thì phải trở thành công dân tốt, phải tuân thủ đúng tất cả những điều công dân cần phải làm.
Đồng thời, người nghệ sĩ phải là người có chuyên môn tốt, nghệ sĩ mới có thể truyền tải được được nội dung câu chuyện, tác phẩm của mình đến với khán giả và các nghệ sĩ cần phải luôn luôn nhớ một điều "Là người nghệ sĩ thì phải đưa ra cho đời những tác phẩm nghệ thuật" với tất cả giá trị nghệ thuật mà tác phẩm đó đem lại./.
+Cảm ơn NSƯT Xuân Bắc đã chia sẻ!