(Tổ Quốc) -ZTE đang ở trong cơn khủng hoảng nếu Mỹ không bỏ lệnh cấm.
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để tránh cho hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc rơi vào nguy cơ phá sản, chỉ vài ngày sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thông báo hòa hoãn để tránh một cuộc chiến tranh thương mại.
Báo Wall Street Journal ngày 22/5 đưa tin hai bên vẫn chưa thống nhất về chi tiết của thỏa thuận trên. Tuy nhiên, theo những điểm chính đã được hai nước nhất trí, Washington sẽ dỡ bỏ một lệnh cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm.
Trước đó, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm trên với lý do ZTE đã vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và Iran.
Số phận ZTE là một phần của cuộc mặc cả “cho và nhận”. |
Hoạt động sản xuất tại Thượng Hải đã ngưng, công nhân nghỉ việc và tham gia các khóa đào tạo. ZTE với doanh thu hàng năm đạt 17 tỷ USD là một trong những hãng cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin lớn nhất Trung Quốc.
Các hãng điện tử Mỹ là nguồn cung cấp cho các trạm phát sóng không dây của ZTE. Thiết bị quang học của Mỹ là thành phần cấu thành mạng lưới quang học của ZTE. Theo ước tính, các công ty Mỹ cung cấp 25-30% bộ phận trong thiết bị của ZTE, bao gồm cả điện thoại thông minh và thiết bị gây dựng mạng viễn thông. Điện thoại smartphone của ZTE sử dụng hệ điều hành Android của Google. Nếu bị sụp đổ, ZTE sẽ cho thấy chiến tranh lạnh về công nghệ sẽ nổi lên như thế nào trên thế giới.
ZTE hiện có 75.000 công nhân viên tại 160 nước, là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và là nhà cung cấp điện thoại thông minh đứng thứ 4 tại Mỹ. Nhà cung cấp MTN, nơi cung cấp dịch vụ mạng không dây cho 220 triệu người tại 22 quốc gia ở châu Phi và Trung Đông, cho biết đang đánh giá và chuẩn bị cho tình huống bất trắc, do MTN quá phụ thuộc vào ZTE.
Theo các nguồn tin của Mỹ, ZTE đã sử dụng một hệ thống phức tạp để bán hàng hóa do Mỹ sản xuất tại Iran, sau đó nói dối và xóa email khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu điều tra. Bộ này cho biết, ZTE còn lên kế hoạch tiếp tục chuyển hàng đến Iran trong khi cuộc điều tra đang tiếp diễn.
Hồi tháng 3/2017, ZTE từng bị phạt 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, những lệnh cấm của Mỹ đối với ZTE đã khiến Trung Quốc quyết tâm hơn bao giờ hết để chấm dứt sự phụ thuộc vào các công ty và công nghệ Mỹ. Chris Lane, nhà phân tích viễn thông tại Hong Kong, tin rằng giờ đây Trung Quốc đang quyết tâm bằng mọi giá phải trở thành quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, dù phải mất hàng thập kỷ để thực hiện. Về mặt chiến lược lâu dài, điều này tất nhiên không có lợi cho Mỹ.
Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc giải cứu ZTE
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 có thông báo bất ngờ đề cập đến việc Washington sẽ có hành động can thiệp để ngăn chặn ZTE phá sản. Nhưng ZTE cũng sẽ bị yêu cầu phải có những thay đổi đáng kể trong công tác quản lý và điều hành của hãng như một phần của thỏa thuận, chứ không thể kiểu chơi chộp giật. Đó vốn là nhược điểm của doanh nghiệp Trung Quốc khi bước ra thị trường toàn cầu.
Dù sao, động thái của Mỹ được cho là có thể giúp làm dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nảy sinh lo ngại bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại khi phía Mỹ đe dọa áp thuế đối với lượng hàng có giá trị 150 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh cảnh báo đánh thuế lượng hàng trị giá 50 tỷ USD của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thừa nhận rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc “tạm dừng” sau khi hai bên nhất trí đình chỉ việc áp thuế lẫn nhau, đồng thời hợp tác tiến tới một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn. Hai bên xác nhận sẽ tiếp tục đàm phán về các biện pháp, theo đó Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm các sản phẩm năng lượng và nông sản từ Mỹ để thu hẹp mức thâm hụt hàng hóa và dịch vụ hàng năm của Mỹ với Trung Quốc trị giá 335 tỷ USD.
Dư luận đang trông chờ vào vòng ba đàm phán thương mại Mỹ - Trung. |
Tuyên bố ngày 13/5 của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ sẽ bỏ cấm vận đối với ZTE như là một phần của cuộc mặc cả “cho và nhận”. Đây được xem là nhượng bộ của Washington trước thềm đàm phán thương mại song phương, khi phái đoàn Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, tới Washington tiến hành vòng hai.
Cuộc thương lượng kết thúc hôm 18/5 chưa hiển lộ kết quả. Phía Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp. Nhưng biện pháp như thế nào, phải đợi tới các vòng ba.
Chính quyền Trump hẳn không để Trung Quốc dẫn dắt các cuộc thương lượng kéo dài mà không dẫn đến bất kỳ kết quả nào như dưới thời Obama./.