(Tổ Quốc) - NATO tuần này sẽ thông qua kế hoạch triển khai luân phiên 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 1000 quân tới Estonia, Latvia, Ba Lan và Lithuania.
- 07.06.2016 NATO tập trận lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh
Từ khi thông tin này được hé lộ cho tới nay, căng thẳng giữa Nga, khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước Baltic, Estonia, Latvia, Ba Lan và Lithuania không ngừng gia tăng, dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
“Chống lại mối đe dọa từ Nga”
Các quốc gia vùng Baltic, sau khi gia nhập NATO năm 2004, đã nhận được một sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy được cho là để chống lại mối đe dọa từ Nga. Đặc biệt, thông điệp này ngày càng được nhấn mạnh sau cuộc chiến năm 2008 tại Georgia, tại vùng biên giới phía nam của Nga, khi điện Kremlin lần đầu triển khai quân sự tại bên ngoài sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và gần đây là sự sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014.
Những sự kiện trên đã góp phần thay đổi quan điểm về sức mạnh của Nga khi các nhà lãnh đạo tại Hoa Kỳ và châu Âu cảnh báo rằng sự sáp nhập Crimea của Nga là một mối đe dọa đối với an ninh toàn bộ khu vực.
Trước đó, ngay trong năm 2004, NATO đã bắt đầu hoạt động trên vùng trời Baltic. Cho tới nay, từ 4 máy bay chiến đấu đầu tiên tại căn cứ không quân Zokniai ở Lithuania, con số máy bay chiến đấu của NATO đã tăng lên con số 18 cùng với sự tăng cường hoạt động tại căn cứ không quân Amari tại Estonia.
Trong giai đoạn 2014-2015, bộ binh NATO được triển khai tới nhiều khu vực tại Baltic cùng xe tăng và thiết bị hạng nặng khác để tham gia vào các cuộc tập trận thường diễn ra với kịch bản chủ yếu là chống lại các cuộc xâm lược giả định từ Nga.
Và gần đây, để giúp xua tan những nghi ngờ về cam kết bảo vệ các nước Baltic, NATO đã tuyên bố sẽ triển khai luân phiên 4 tiểu đoàn tại Estonia, Latvia, Ba Lan và Lithuania trong khi tiếp tục chiến lược mở rộng biên giới NATO tới các nước gần Nga. Bloomberg nhận định, các quốc gia như Thụy Điển và Phần Lan - đứng trung lập trong thời kì Chiến tranh Lạnh đang xem xét việc gia nhập NATO.
![]() Ước tính quân đội của NATO, Nga và các nước tại vùng Baltic. (Nguồn: Bloomberg)
|
Phản ứng của Nga
Điện Kremlin, hiện đang chi 20 nghìn tỷ rúp (khoảng 313 tỷ USD) cho quá trình hiện đại hóa quốc phòng đến năm 2020 với tuyên bố nhằm ứng phó với sự bành trướng của NATO tại gần biên giới Nga. Trong tháng 5, Nga đã công bố kế hoạch đưa hai sư đoàn mới tới khu vực Tây và phía Nam. Số lượng quân của các sư đoàn này khoảng 30.000 quân, vượt trội so với 4.000 quân trong kế hoạch của NATO.
Trong bối cảnh này, những nỗ lực của NATO để tăng cường sự hiện diện tại Baltic chỉ giống như các biện pháp đối phó. Nếu như Washington và các đồng minh NATO thực sự sợ hãi một cuộc xâm lược của Nga, họ sẽ cần phải đặt ít nhất toàn bộ một sư đoàn tại Baltic.
Trong khi đó, Artem Kureev, chuyên gia của Russia Direct cho biết, kịch bản Nga tấn công các nước Baltic là khó xảy ra do Điện Kremlin có lợi ích rất cụ thể tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, điều không thể tác động bằng mọi cách lên chủ quyền của các nước này.
Đầu tiên, Nga muốn bảo đảm các quyền của cộng đồng người nói tiếng Nga ở những nước này. Mối quan tâm này, trước hết, về vấn đề ngôn ngữ địa phương và quốc tịch. Thứ hai, Nga muốn cải thiện sự giao thương trên bộ giữa các nước vùng Baltic và thành phố Kaliningrad, được bao quanh bởi biển Baltic, Ba Lan và Lithuania.
Ngoài ra, Nga cũng khó tấn công các quốc gia vùng Baltic khi điều này có thể làm leo thang chiến tranh hạt nhân. Trong trường hợp diễn ra một cuộc xung đột thực sự, các bên sẽ buộc phải sử dụng khả năng hạt nhân của họ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Cả Moscow và Washington đều không bỏ qua khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân và điều này có thể làm chiến sự lan rộng thành cuộc đối đầu giữa Nga và NATO.
Do đó, người ta có thể giả định rằng lý do thực sự cho sự gia tăng sự hiện diện của NATO tại các nước vùng Baltic là chính trị. Việc triển khai thêm quân tới Baltic của NATO chứng tỏ sự sẵn sàng của ba cường quốc lớn trong liên minh - Mỹ, Đức và Anh - hợp tác với nhau.
Hiệu quả và hệ lụy
Ông Michael McFaul, đại sứ Mỹ tại Nga từ 2011-2014 cho biết, "Gia tăng bóng ma về xung đột ở các nước Baltic cũng kéo theo các cuộc tranh luận tại nhiều nước châu Âu, vậy điều này có thực sự là một ý tưởng tốt cho chúng ta?"
Trước đó, theo một báo cáo của RAND Corporation, dựa trên một loạt các cuộc tập trận tổ chức giữa mùa hè năm 2014 và mùa xuân năm 2015, một cuộc tấn công chớp nhoáng của Nga có thể vươn tới thủ đô của Estonia và Latvia trong 36-60 giờ.
Lực lượng đóng quân trong khu vực, trong đó có hơn 50 tàu chiến và hai tàu ngầm và hệ thống phòng không S-400 tiên tiến, cùng với tài lực trên bộ, trên không và trên biển tại sườn phía Tây của Nga sẽ cho phép điện Kremlin đóng cửa hiệu quả Biển Baltic trước sự tiếp viện của NATO, các chuyên gia quốc phòng nói.
Đồng thời, triển khai thêm quân của NATO trong khu vực có thể khiến Nga tăng cường sự hiện diện khi điện Kremlin tìm cách bảo vệ St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của nước này. "Đó là một vòng luẩn quẩn", Tổng thống Phần Lan Niinistoe cảnh báo trong cuộc gặp với Putin tuần trước.
Điện Kremlin có thể xem động thái này của NATO là một sự khiêu khích và sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực khi Nga có thể tăng cường tập trận tại khu vực phía tây, triển khai thêm các hệ thống tên lửa chiến thuật nhằm vào các đơn vị mới của NATO. Đồng thời, Kaliningrad cũng sẽ có thể được sử dụng như một căn cứ đồn trú của Nga trong bất kỳ hoạt động quân sự nào tại khu vực.
Trong khi EU gần đây đã gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga tới tháng 1/2017 thì những động thái quân sự tại Baltic của cả hai bên sẽ tiếp tục làm quan hệ song phương Nga – phương Tây “nóng” trong một thời gian nữa.
(Theo Bloomberg, Russia Direct)