• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến tranh thương mại: Mỹ - Trung đang vũ khí hóa LNG

Thế giới 10/10/2018 15:16

Bắc Kinh quay sang Nga và Iran, để lại cho ông Trump một khoảng trống cần lấp đầy.

Hoa Kỳ và Trung Quốc có vẻ giống như một cặp đôi phối hợp tốt, ít nhất là về cung và cầu khí tự nhiên hoá lỏng LNG. Bắc Kinh đang quyết tâm làm sạch môi trường bằng cách chuyển hướng ra khỏi sản xuất và khai thác than, còn Mỹ có nhiều LNG để bán.

Rồi cuộc chiến thương mại nổ ra.

Cuộc chiến thuế quan đã kéo theo hiệu ứng domino trong ngành năng lượng, cùng với những tác động địa chính trị lớn vượt xa khỏi khuôn khổ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng

Trung Quốc đang có nhiều lựa chọn, như việc có mối quan hệ sâu sắc hơn với hai quốc gia cũng mâu thuẫn với Nhà Trắng - Nga và Iran

Asia Nikkei cho biết, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu LNG lớn thứ hai trong năm ngoái, sau Nhật Bản và theo số liệu của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie thì nước này cũng là quốc gia mua LNG số một của Mỹ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6.

Sau khi Tổng thống Trump áp đặt vòng trừng phạt thuế quan thứ ba chống lại Trung Quốc vào ngày 24/9 thì Bắc Kinh đáp trả lại bằng các khoản thuế nhằm vào khối lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD, bao gồm thuế suất 10% đối với LNG.

Điều này đã gây ra sự lo lắng cho  người dân "Tôi sẽ gặp rắc rối nếu giá khí tự nhiên tăng lên do cuộc chiến thương mại", một lái xe taxi ở thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc cho biết. Khoảng 100.000 xe taxi và các phương tiện khác trong thành phố này chạy bằng khí tự nhiên.

Nhưng Trung Quốc đang có nhiều lựa chọn, như việc có mối quan hệ sâu sắc hơn với hai quốc gia cũng mâu thuẫn với Nhà Trắng - Nga và Iran. Trong khi đó, phải đối mặt với viễn cảnh mất nơi xuất hàng béo bở là Trung Quốc, Mỹ đang nỗ lực bán nhiều LNG hơn cho châu Âu và Nhật Bản.

Thực tế mới đã phần nào bộc lộ rõ vào tháng 9, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lần đầu tiên tham dự sự kiện này, là vị khách quan trọng nhất. Các cuộc đàm phán của họ được biết là bao trùm việc mở rộng hợp tác về năng lượng, bao gồm khí tự nhiên.

Chiến tranh thương mại: Mỹ - Trung đang vũ khí hóa LNG - Ảnh 2.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin có bữa ăn cùng nhau bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông 2018. (Nguồn: Getty)

Cũng tại diễn đàn, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC và nhà sản xuất khí đốt của Nga Novatek đã thảo luận về các dự án LNG ở Bắc Băng Dương. Một số nỗ lực như vậy đang được tiến hành trong khu vực lạnh giá này, và nguồn tiền từ Trung Quốc là rất quan trọng.

Cũng cần lưu ý về một dự án quan trọng là đường ống Siberia vận chuyển khí từ một mỏ ở miền đông Siberia đến Trung Quốc. Việc xây dựng đã bị trì hoãn so với kế hoạch ban đầu, khi Trung Quốc đang tính toán mua LNG từ Mỹ, nhưng đà khôi phục tiến trình cho dự án này dường như lại tăng lên.

"Chúng ta phải hoàn tất các cuộc đàm phán về nguồn cung cấp bổ sung trước cuối năm nay và, trước ngày 20/12 năm sau, khởi động việc vận chuyển qua đường ống dẫn khí Siberia", Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak cho biết hôm 17/9.

Về phần Iran, một mục tiêu của biện pháp trừng phạt kinh tế Mỹ - CNPC đã thay chân gã khổng lồ dầu Total của Pháp trong việc tham gia phát triển mỏ South Pars ở vùng Vịnh Ba Tư, hãng tin IRNA của Iran cho biết hồi tháng 8.

Đây là một trong các mỏ khí đốt lớn nhất thế giới và vị trí đứng thứ 1 trên toàn cầu về trữ lượng khí thiên nhiên của Iran cũng đã được chứng minh. Điều này không có nghĩa là khí thiên nhiên có thể được xuất khẩu ngay lập tức, nhưng động thái này sẽ giúp Trung Quốc chuẩn bị trước cho việc nhu cầu gia tăng trong tương lai.

Động thái tiếp theo của Bắc Kinh có thể là mua khí đốt được sản xuất tại Iran và Turkmenistan thông qua một đường ống dẫn khác.

Bắc Kinh cũng được cho là đang suy tính về việc tham gia một dự án đường ống dẫn đến Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ, được gọi là TAPI. Vào tháng Tám, truyền thông Pakistan trích dẫn Mobin Saulat – một quan chức cấp cao trong ngành năng lượng Pakistan, nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm tới TAPI như một dự án bổ trợ cho Nhất đới nhất lộ.

Đối với các nhà sản xuất khí đốt khác, thị trường khí thiên nhiên Trung Quốc quá lớn và họ khó có thể bỏ qua. Nhà sản xuất LNG thuộc sở hữu nhà nước của Qatar, Qatargas, đã công bố vào ngày 10/9 rằng họ đã ký hợp đồng cung cấp cho PetroChina 3,4 triệu tấn LNG hàng năm trong vòng 22 năm. Vào cuối tháng 9, công ty dầu khí quốc gia Qatar Petroleum cũng công bố kế hoạch nâng công suất sản xuất LNG lên 110 triệu tấn/năm, từ 77 triệu tấn hiện nay.

Úc và Canada cũng đang chú ý đến các cơ hội tại thị trường Trung Quốc.

Năng lượng Mỹ vào thế khó?

Đối với thị trường dài hạn, hệ lụy có thể được thấy rõ trong việc phát triển nguồn cung mới

Giles Farrer, giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie

Không có thông tin nào phía trên là tốt cho ngành năng lượng Mỹ. Chiến tranh thương mại có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ và thúc đẩy nhiều dự án LNG ở những nơi như Canada, Nga và Qatar, theo Samuel Phillips của ngân hàng Barclays. Sản xuất và xuất khẩu LNG đòi hỏi đầu tư vốn lớn vào các dự án xây dựng lâu dài, và đòn thuế quan có nghĩa là Trung Quốc ít có khả năng đầu tư vào các dự án của Hoa Kỳ.

Chiến tranh thương mại: Mỹ - Trung đang vũ khí hóa LNG - Ảnh 5.

Mỹ đang trở thành một trong những nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới.

Sự bi quan đã được thể hiện ở một hội nghị được Hiệp hội Kinh tế Năng lượng Hoa Kỳ tổ chức vào cuối tháng Chín. Nhiều người tham gia đã đặt câu hỏi về triển vọng cho các dự án LNG ở Hoa Kỳ.

Giles Farrer, giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie, một công ty nghiên cứu và tư vấn về năng lượng cho biết: "Đối với thị trường dài hạn, hệ lụy có thể được thấy rõ trong việc phát triển nguồn cung mới".

Các dự án LNG lớn, trị giá khoảng 60 tỷ USD, đã được lên kế hoạch tại Texas và nhiều khu vực khác của Hoa Kỳ khi định đón đầu nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc đang có số phận không rõ ràng.

Một điều trớ trêu là ông Trump coi xuất khẩu năng lượng là một công cụ hiệu quả để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác.

Trong khi Trung Quốc tìm kiếm những  nguồn cung khác, ông Trump đang phải vất vả để lấp đầy khoảng trống này một cách nhanh chóng, một phần để bảo vệ nguồn việc trong ngành năng lượng của Mỹ. Đích đến đang là châu Âu và Nhật Bản: Họ dường như đang nhượng bộ về LNG để kiềm chế sự giận dữ của ông Trump về mất cân đối thương mại.

"Nếu bạn nhìn vào các thợ mỏ trong than đá, nếu bạn nhìn vào năng lượng, LNG - Nhật Bản đã cho chúng tôi một số con số đáng kinh ngạc", ông Trump nói sau một hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở New York vào ngày 26 tháng 9.

Tổng thống Mỹ nói thêm: "Chúng tôi không muốn những con số thâm hụt lớn. Các ông sẽ phải mua nhiều hơn. "

Trước đó, vào tháng 7, ông Trump đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và đồng ý bắt đầu tiến trình đàm phán về thúc đẩy xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sang Liên minh châu Âu. Sau đó, vào tháng Chín, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier thông báo rằng địa điểm cho một cơ sở nhập khẩu LNG mới sẽ được quyết định vào cuối năm nay như "một cử chỉ đối với người bạn Mỹ của chúng tôi."

Trong khi đó, năng lượng cũng không bao giờ xa rời khỏi địa chính trị. Theo Reuters và các kênh truyền thông khác, Trung Quốc đã hoàn toàn ngừng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ vào tháng 9. Và khi trong cơn giận dữ của chiến tranh thương mại, khí đốt tự nhiên cũng đang trở thành một loại vũ khí ngoại giao nổi bật hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ