(Tổ Quốc) - Trước nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong năm, Chính phủ đã xin Quốc hội rút nội dung này ra khỏi Dự thảo Luật.
Chiều ngày 12/6, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), việc đề xuất lấy ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ chung của cả nước theo tờ trình của Chính phủ, không nhận được sự đồng tình của phần đông đại biểu. Thống kê của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 16 ý kiến nói về vấn đề này thì đến 15 vị đại biểu không nhất trí lấy đây làm ngày nghỉ lễ.
Cuối giờ chiều, giải trình thêm một số vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng, về đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ trong năm, trong Dự thảo Luật, cũng đề cập nêu rõ ý nghĩa tính nhân văn. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu phát biểu, tranh luận, Bộ trưởng cho hay, Chính phủ xin tiếp thu, lắng nghe và xin chính thức rút nội dung này ra khỏi Dự thảo.
Trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng dành thời gian giải trình về những điểm khác mà đại biểu Quốc hội đã thảo luận xung quanh Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Về nội dung làm thêm giờ, Bộ trưởng cho rằng, đây là nhu cầu của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng trong một số ngành nghề ở những thời điểm nhất định. Không tăng thêm giờ làm thêm trong khu vực công.
"97% doanh nghiệp của Việt Nam là những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Chính vì thế, cần làm sao để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Dung cho biết.
Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Dung khẳng định đây là xu hướng tất yếu và là nhu cầu thực sự cần thiết. Phương án này cũng được đa phần đại biểu đồng thuận.
Theo Bộ trưởng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ dễ dàng và các nước cũng gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu phải được tiến hành sớm khi còn thặng dư lao động và việc tăng tuổi nghỉ hưu phải diễn ra chậm. Người dân và người lao động có thể không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia và dân tộc lâu dài, các nước đều phải đưa ra quyết định này.
Cuối cùng, Bộ trưởng khẳng định, toàn bộ dự án bộ luật sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo, khoa học để trình Quốc hội xem xét.