• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính quyền ông Trump đối chọi “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc

Thế giới 17/07/2019 10:18

(Tổ Quốc)- Vấn đề Hong Kong đang thử thách chính sách thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh.

Đầu tháng 7 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỷ USD. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc ra thông cáo: "Hợp đồng này sẽ giúp Đài Loan hiện đại hóa lực lượng xe tăng chủ lực, đáp ứng nhu cầu đối phó với các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai, cũng như cải thiện khả năng phòng thủ. Hợp đồng sẽ không làm thay đổi cân bằng sức mạnh trong khu vực".

Sau 30 ngày, nếu không gặp sự phản đối từ Quốc hội Mỹ (mà chắc chắn sẽ không gặp sự phản đối nào từ ngành lập pháp), hợp đồng vũ khí sẽ được trình lên Tổng thống Trump ký phê duyệt.

Stinger

Tank Abram1

Tên lửa vác vai Stinger và xe tăng Abrams tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan nhưng lại làm căng thẳng khiêu khích các mối quan hệ Mỹ-Đài và Trung Quốc.

Cũng như vụ việc cuối năm ngoái, Trung Quốc phản ứng dữ dội trước việc Chính phủ Mỹ phê duyệt hợp đồng vũ khí này. Bắc Kinh kêu gọi Washington tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc" bằng việc chấm dứt các hợp đồng bán vũ khí và cắt quan hệ quân sự với Đài Bắc, nhằm tránh làm tổn hại quan hệ song phương và duy trì hòa bình ổn định tại eo biển Đài Loan.

Chính quyền Trump ủng hộ Đài Loan hơn bao giờ hết

Khi ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Đài Loan nằm trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông kể từ thời Đặng Tiểu Bình, Mỹ đã tái định hình chính sách Trung Quốc của mình theo cách đặt Đài Loan vào trung tâm trong sự cạnh tranh quyền bá chủ với Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Trump đắc cử, một vài sáng kiến của Mỹ nhằm nâng cấp quan hệ Mỹ-Đài Loan đã khiến Bắc Kinh lo ngại:

Tháng 3/2018, ông Trump đã ký Đạo luật du lịch Đài Loan, cho phép có thêm những trao đổi chính thức với Đài Loan. Alex Wong, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương BNG Mỹ, đã đến thăm Đài Loan.

Tháng 6/2018, Viện Mỹ tại Đài Loan, Đại sứ quán Mỹ trên thực tế ở Đài Bắc, đã hoàn thành việc xây dựng khu tổ hợp mới trị giá 250 triệu USD, chính thức mở cửa vào tháng 4/2019, mà cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và một loạt quan chức khác đã đến thăm.

Cả hai đảng trong Quốc hội đều ra sức ủng hộ Đài Loan, được thể hiện qua việc thông qua Đạo luật phê chuẩn ngân sách quốc phòng John S. McCain vào tháng 8/2018. Đạo luật này đã hỗ trợ thêm cho mối quan hệ quân sự với Đài Loan và yêu cầu báo cáo thường niên về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông, văn hóa, kinh doanh và học thuật của Mỹ.

Tháng 12/2018, Đạo luật Sáng kiến tái đảm bảo châu Á được ký kết nhằm tái xác nhận cam kết của Mỹ đối với Đài Loan. Điều này được củng cố bằng một nghị quyết được ban bố cùng thời điểm, tái xác nhận Đạo luật quan hệ Đài Loan và 6 đảm bảo. Hạ viện Mỹ còn củng cố thêm bằng việc thông qua Dự luật đảm bảo Đài Loan vào tháng 5/2019, đang chờ sự phê chuẩn của Thượng viện và Tổng thống, bao gồm một mục cam kết Mỹ ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan trong các cơ quan quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và ICAO.

Khi Mỹ phát triển chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đài Loan cuối cùng cũng đã có khả năng mua các vũ khí tiên tiến nhất kể từ năm 1992, trong đó có máy bay chiến đấu F-16 và xe tăng M-1 Abrams. Một đợt mua bán vũ khí mới trị giá 330 triệu USD đã được phê duyệt vào tháng 10/2018, sau thương vụ mua tên lửa và ngư lôi tiên tiến trị giá 1,4 tỷ USD vào tháng 6/2017. Một đợt mua bán vũ khí mới trị giá 330 triệu USD đã được phê duyệt vào tháng 10/2018, sau thương vụ mua tên lửa và ngư lôi tiên tiến trị giá 1,4 tỷ USD vào tháng 6/2017.

Đầu năm 2019, một báo cáo của Cơ quan tình báo quốc phòng đã nêu bật tình trạng dễ bị tổn thương của Đài Loan trước Trung Quốc. Trong Báo cáo thường niên về Trung Quốc trình Quốc hội vào tháng 5/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc tăng cường lực lượng qua eo biển và tầm quan trọng của việc hỗ trợ Đài Loan.

Sự hỗ trợ ngày càng tăng của Mỹ thể hiện qua việc các tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan và Biển Đông, sau đó là những động thái tương tự của các hải quân đồng minh khác, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngay cả nếu Mỹ có chấp thuận thêm các thương vụ mua bán vũ khí, thì dân chúng Đài Loan hầu như cũng không ủng hộ việc gia tăng chi tiêu quốc phòng và Quốc dân đảng (KMT) tiếp tục ngăn cản việc dành riêng các khoản quỹ cho ngân sách mua bán vũ khí như một cách để chỉ trích Đảng Dân tiến vì các chính sách được cho là khiêu khích đối với Đại lục.

Hong Kong trở thành "viên đá thử" quan hệ Trung-Đài

Mắc kẹt giữa hai siêu cường đang cạnh tranh, Đài Loan có thể trông cậy vào Mỹ để đảm bảo an ninh của mình, nhưng vận mệnh kinh tế của họ lại ràng buộc chặt chẽ với Trung Quốc hơn nhiều.

Khi người Mỹ đang xem xét lại chính sách của họ đối với Đài Loan, các khía cạnh khác trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt là mức thuế gia tăng đối với một vài ngành công nghiệp, đã có tác động đến hòn đảo này. Nhiều công ty Đài Loan, chiếm 182 tỷ USD vốn đầu tư tích lũy của Đài Loan vào Trung Quốc, đã bán linh kiện cho các nhà xuất khẩu ở Mỹ hoặc trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và do đó chịu tác động tiêu cực từ thuế quan. Cuối cùng, các công ty bán linh kiện hoặc máy móc sản xuất tại Đài Loan cho các công ty Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ cũng bị tổn hại.

Washington đã nâng cấp nhiều khía cạnh khác nhau trong quan hệ Mỹ-Đài Loan, điều có thể là một con dao hai lưỡi đối với Đài Loan. Một số người Đài Loan đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, đã bắt đầu cởi mở với ý tưởng thống nhất. Tuy nhiên, thanh niên Đài Loan tiếp tục ưu tiên việc bảo vệ nền dân chủ và lối sống của Đài Loan, hầu như không người Đài Loan ở bất kỳ độ tuổi nào ủng hộ sự thống nhất theo mô hình Hong Kong.

Nếu Bắc Kinh kiên quyết với thể thức "Một quốc gia, hai chế độ" và tiếp tục cai trị Hong Kong như hiện nay, khoảng cách giữa Bắc Kinh và Đài Loan sẽ tiếp tục lớn dần. Mỹ và Đài Loan thậm chí có thể trở nên thân thiết hơn nếu Trung Quốc tăng cường đe dọa an ninh của Đài Loan./.

 (Theo Reuters và China Leadership Monitor)

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ