(Tổ Quốc)-Dưới sức ép kinh tế chính trị trong và ngoài nước, Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng và điều chỉnh một số chủ trương kinh tế.
Kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc (Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc – tức là Mặt trận tổ quốc và Quốc hội Trung Quốc – năm nay ngoài cái lạ do Tân Hoa xã trình làng cô phát thanh viên robôt xinh đẹp đưa tin sự kiện, thì cũng còn một số điều đáng chú ý khác. Hạ mục tiêu tăng trưởng. Qua báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nổi lên một số điểm đáng chú ý: Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 xuống mức 6% - 6,5%: mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Để đạt mục tiêu, chính phủ Trung Quốc xác định tiếp tục có chính sách tài chính chủ động, hiệu quả hơn. Việc tăng nguồn cung tiền phải phù hợp với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, Ngân hàng Trung Quốc sẽ không áp dụng gói kích thích quy mô lớn và sẽ giữ tỷ giá nhân dân tệ ở mức tương đối ổn định, thích hợp. Mối đau đầu muôn thuở là đảm bảo việc làm: đặt mục tiêu tạo ra 11 triệu việc làm tại các thành phố, với tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị giữ ở mức 5,5%; lạm phát dưới 3%.
Báo cáo năm 2019 nhấn mạnh chủ trương "thoát nghèo" tại Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nêu ra một loạt các thách thức bên trong cũng như bên ngoài, như: áp lực kinh tế giảm tốc, tăng trưởng tiêu dùng giảm, đầu tư không hiệu quả, nền kinh tế thực gặp khó khăn, doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ huy động vốn khó khăn, môi trường bên ngoài nhiều nhân tố khó đoán định. Vấn đề khó khăn vay vốn của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa được giải quyết, môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng cách so với kỳ vọng của chủ thể thị trường. Do vậy, cần cải cách cơ chế cho vay vốn, vận dụng đúng lúc tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất...
Các chuyên gia dự báo áp lực suy giảm của nền kinh tế sẽ là một thử thách đáng kể đối với chính phủ, khi tác động của thuế quan Mỹ sẽ có tác dụng đầy đủ đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2019. Chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên xây dựng một hệ thống phòng thủ kinh tế nội địa với 3 trọng tâm tiền tệ, tài chính và việc làm.
Xem xét ban hành Luật đầu tư nước ngoài
Luật mới này sẽ đáp ứng một số lo ngại của các chính phủ và công ty nước ngoài, trước hết là những vấn đề Mỹ nêu lên trong các cuộc đàm phán về thương mại Mỹ-Trung vừa qua, như: không được cưỡng ép chuyển giao công nghệ, ăn cắp công nghệ và trợ giá của chính phủ Trung Quốc cho các công ty mũi nhọn. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ đưa ra các tuyên bố ngắn gọn về các vấn đề phức tạp và không nêu rõ sẽ chấp hành các quy định đó như thế nào. Nếu dự thảo Luật đầu tư nước ngoài được thông qua, sẽ ngăn cấm các quan chức địa phương yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Ngân sách quốc phòng tăng 7,5% so với năm ngoái và cao hơn tăng trưởng GDP.
Người Phát ngôn của Nhân đại cho biết Luật mới này "sẽ cải thiện tính công khai, minh bạch và dự đoán của môi trường đầu tư và cung cấp sự bảo vệ pháp lý hiệu quả hơn cho việc hình thành một cấu trúc mới mở cửa toàn diện". Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Luật mới sẽ là một bước tiến lớn so với môi trường hiện tại. Hiện nay, quản lý và giám sát đầu tư nước ngoài của Trung Quốc được dựa trên ba bộ luật khác nhau.
Tại sao "Made in China 2025" mất tích?
Kể từ năm 2015 đến giữa năm vừa rồi, đại chiến lược "Made in China 2025" được đề cập một cách rầm rộ. Đây là "đứa con tinh thần" của Thủ tướng Lý Khắc Cường, người công bố nó. Nhưng lần này không xuất hiện trong Báo cáo công tác của Thủ tướng Lý. Và điều này không có gì bất ngờ.
Đối với Mỹ, một số mục tiêu mà "Made in China 2025" đề ra là tương đối cấm kỵ, trong đó bao gồm nâng cao mạnh mẽ trình độ chế tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, vật liệu mới, sinh vật y dược; đến năm 2025 Trung Quốc đứng vào hàng ngũ cường quốc chế tạo; sẽ thực hiện tự chủ việc bảo đảm 70% linh kiện, vật liệu cơ sở hạt nhân; đến năm 2035, ngành chế tạo Trung Quốc đạt trình độ tương đương với các cường quốc chế tạo trên thế giới, tối ưu hóa ngành nghề, hình thành năng lực mới sáng tạo toàn cầu, thực hiện toàn diện công nghiệp hóa.
Sau khi Mỹ xác định đưa "Made in China 2025" vào tầm ngắm tấn công, Trung Quốc đã không còn nêu ra quy hoạch chiến lược cho mục tiêu này. Nhưng cho dù đề cập hay không, nỗ lực và tiến trình Trung Quốc từ nước lớn chế tạo đến cường quốc chế tạo không hề dừng lại, cạnh tranh Trung - Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ tồn tại lâu dài. Có thể, trong lĩnh vực này, Trung Quốc áp dụng trở lại phương châm "dấu mình chờ thời" mà Đặng Tiểu Bình đề ra./.