(Tổ Quốc) - Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã yêu cầu chính phủ Tổng thống Vladimir Putin cung cấp sự minh bạch hoàn toàn liên quan tới vụ việc chính trị gia Alexei Navalny có thể bị đầu độc.
Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã yêu cầu chính phủ Tổng thống Vladimir Putin cung cấp sự minh bạch hoàn toàn. Động thái của Berlin được đưa ra sau khi một đội ngũ y tế của Đức xác nhận nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny gần như chắc chắn đã bị đầu độc vào tuần trước.
"Liên quan tới vai trò quan trọng của ông Navalny trong phe đối lập chính trị Nga, chính quyền đất nước Đức khẩn thiết kêu gọi nhanh chóng điều tra toàn diện hành động này, theo một cách hoàn toàn minh bạch", bà Merkel tuyên bố trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. "Những người có trách nhiệm phải được phát hiện và đưa ra trước công lý".
Phát biểu của người đứng đầu chính phủ Đức đánh dấu một sự leo thang mới giữa phương Tây – dẫn đầu là chính quyền bà Merkel, với Điện Kremlin. Trước đó, hôm thứ 2 (24/8), một quan chức Mỹ cảnh báo, việc xác nhận ông Navalny bị đầu độc sẽ đẩy vụ việc thành một vấn đề lớn.
Hai ngày sau khi nhà lãnh đạo đối lập Nga được chuyển tới thủ đô nước Đức để điều trị, bệnh viện Charite cho hay, ông đang ở trong tình trạng nghiêm trọng nhưng tính mạng không bị đe dọa. Tuy nhiên, hệ thống thần kinh của ông có thể sẽ phải chịu đựng những tổn thương lâu dài.
Kể từ thứ năm tuần trước, ông Navalny đã bị bất tỉnh sau khi đột nhiên cảm thấy khó ở trên một chuyến bay từ Tomsk trở về Moscow. Ông được đưa tới Đức vào hôm thứ bảy (22/8).
Cú đánh lớn vào quan hệ giữa Nga và phương Tây
Các đồng minh của Navalny cáo buộc lực lượng an ninh Nga phải chịu trách nhiệm cho tình trạng của ông. Hiện Điện Kremlin vẫn chưa có bình luận chính thức về thông báo của bệnh viện Charite.
Tại Berlin, các bác sỹ được cho là tìm thấy chứng cứ về khả năng đầu độc bằng một chất có liên quan tới thuốc ức chế cholinesterase. Theo bệnh viện Charite, chất độc cụ thể hiện vẫn là một ẩn số và sẽ cần tới nhiều xét nghiệm hơn. Ông Navalny đang được điều trị bằng thuốc atropine, tuy nhiên tiên lượng vẫn chưa rõ ràng.
Điểm mới nhất là một cú đánh khác vào mối quan hệ giữa Nga với phương Tây. Trước đó, bà Merkel từng trực tiếp chất vấn ông Putin về trường hợp một chính trị gia đối lập bị sát hại tại Berlin hồi tháng 8/2019. Giới chức Đức cho rằng chính phủ Nga đứng sau vụ việc. Berlin cũng cáo buộc Moscow gây ra vụ tấn công mạng năm 2015 nhằm vào hạ viện Đức.
"Thông điệp của ông Putin tới phe đối lập Nga khá rõ: những ai phản đối hệ thống sẽ gặp nguy hiểm", người đứng đầu ủy ban đối ngoại quốc hội Đức Norbert Roettgen viết trên Twitter.
Năm 2018, cáo buộc Điện Kremlin đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái tại Salisbury, Anh – đã khiến London và các đồng minh phương Tây tiến hành trục xuất một loạt các nhà ngoại giao Nga. Quan hệ giữa các bên từ đó cũng tuột dốc sâu hơn.
Theo giáo sư về dược học và các chất độc tại Berlin là Ralf Stahlmann, những chất mạnh nhất trong nhóm ức chế cholinesterase, có thể được sử dụng để điều trị chứng mất trí nhớ và Alzheimer. Chúng cũng được coi là "các chất độc chiến tranh cấp quân đội". Những chất độc này – tương tự như chất Novichok mà các nhà điều tra Anh cho rằng đã được sử dụng trong vụ đầu độc tại Salisbury - có thể gây nhiễm độc thông qua thức ăn, nước uống, thậm chí đơn giản chỉ là đụng chạm.
Năm nay 44 tuổi, ông Navalny đang ở thành phố Siberia để gặp gỡ các nhà hoạt động địa phương và các ứng cử viên đối lập trước thềm các cuộc bầu cử vùng sẽ diễn ra vào tháng 9. Việc ông bất ngờ bất tỉnh làm dấy lên nhiều nghi ngờ sau khi một loạt những cá nhân chỉ trích Điện Kremlin đều bị đầu độc trong những năm gần đây.
Cựu nhân viên an ninh Alexander Litvinenko bị thiệt mạng tại London sau khi được cho là uống một cốc trà có chứa chất polonium vào năm 2006, còn cựu điệp viên Skripal đã may mắn giữ được tính mạng. Giới chức Anh cố gắng liên hệ cả hai vụ tấn công với chính phủ Nga, tuy nhiên, Điện Kremlin kiên quyết phủ nhận mọi vai trò liên quan.
Các bác sỹ đầu tiên điều trị cho ông Navalny tại bệnh viện Omsk, Siberia cho biết, ông không bị đầu độc nhưng đang mắc chứng rối loạn chuyển hóa. Cũng trong ngày 24/7, các bác sỹ Nga tuyên bố, các xét nghiệm của họ không tìm thấy dấu vết của thuốc ức chế cholinesterase.
Ông Navalny trở thành nhân vật đối lập nổi bật nhất trong các cuộc biểu tình năm 2011-2012 phản đối ông Putin quay trở lại Điện Kremlin nhiệm kỳ thứ 3 sau bốn năm đảm nhận vị trí thủ tướng. Ông chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh Nga trong chuyến công du tới Siberia.
Theo Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan, vụ việc gần như chắc chắn sẽ xuất hiện ở các cuộc thảo luận trong tuần này tại Moscow giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun và giới chức Nga.
"Chúng tôi rất quan ngại trước những thông tin rằng ông Navalny có thể đã bị đầu độc và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các tiến triển", ông Sullivan chia sẻ với báo giới trước khi bệnh viện Charite công bố kết quả về tình hình sức khỏe chính trị gia đối lập Nga. "Nếu Navalny bị đầu độc, đó sẽ là một thông tin rất có ý nghĩa đối với Mỹ".