(Tổ Quốc) - Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 13/11 đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các đầy kịch tính, sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman và điều chuyển Ngoại trưởng James Cleverly làm người kế nhiệm bà, sau đó tuyên bố bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron vào vị trí Ngoại trưởng Anh.
Cựu thủ tướng David Cameron được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh, một động thái gây bất ngờ và dường như nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2024. Động thái diễn ra sau khi bà Braverman bị chỉ trích là gây leo thang căng thẳng xoay quanh những cuộc biểu tình liên quan đến tình hình Dải Gaza.
Đây là lần cải tổ mới nhất của chính quyền Thủ tướng Sunak khi đảng của ông đang tụt hậu so với Đảng Lao động trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới. Đảng Lao động đã liên tục dẫn trước khoảng 20 điểm so với Đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò và ông Sunak hiện chưa thể thu hẹp khoảng cách đó.
Cuộc cải tổ cấp bộ trưởng diễn ra sau những lời chỉ trích ngày càng tăng từ các nghị sĩ đối lập và các thành viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền đối với bà Braverman, tạo điều kiện cho ông Sunak thu hút các đồng minh và loại bỏ những bộ trưởng mà ông cảm thấy hoạt động không hiệu quả.
Ông Cameron giữ chức thủ tướng Anh từ năm 2010 đến năm 2016, từ chức sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu trong một cuộc trưng cầu dân ý mà ông đã tham gia. Tuy nhiên, chính sách Trung Đông của ông Cameron được đánh giá là tiếp tục gây tác động lâu dài ở khu vực.
Ông Cameron từng là một trong số ít lãnh đạo, cùng với cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và cựu cố vấn tổng thống Mỹ Jared Kushner, đến Saudi Arabia năm 2019 để dự thượng đỉnh "Davos sa mạc".
Phố Downing xác nhận rằng James Cleverly, cựu ngoại trưởng sẽ tiếp quản vị trí của bà Braverman, một sự thay đổi tạo khoảng trống cho sự trở lại nội các đầy ấn tượng của ông Cameron.
Nhà nghiên cứu Ben Whitham, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại London cho rằng việc bổ nhiệm ông Cameron là để “hàn gắn những chia rẽ trong đảng Bảo thủ”. Ông David Cameron từng có những mối quan hệ mạnh mẽ với các đối tác kinh tế chiến lược ở Trung Đông, trong đó có quan hệ cá nhân thân thiết với nhà lãnh đạo thực tế của Saud Arabia.
Sự trở lại của Cựu thủ tướng Anh David Cameron
Cựu thủ tướng Anh David Cameron đã trở lại chính trường, đảm nhiệm chức ngoại trưởng Anh ngày 13/11. Ở cương vị mới này, ông Cameron bày tỏ thiện chí "vui vẻ chấp nhận" lời đề nghị trở thành ngoại trưởng Anh dưới chính quyền Thủ tướng Sunak.
Việc ông Cameron trở lại nội các là một bước ngoặt đáng kinh ngạc trở lại sự nghiệp chính trị dù đã có sự gián đoạn đột ngột cách đây 7 năm.
"Tôi đã vui mừng chấp nhận quyết định này trong bối cảnh nước Anh đang đối mặt với hàng loạt thách thức quốc tế. Tôi không tham gia chính trường suốt 7 năm qua nhưng hy vọng kinh nghiệm trong 11 năm lãnh đạo đảng Bảo thủ và 6 năm làm thủ tướng sẽ giúp tôi hỗ trợ Thủ tướng đối phó với những thách thức hiện nay", ông Cameron cho hay.
Theo hãng tin Reuters, kinh nghiệm của ông Cameron có thể đang là lý do Thủ tướng Sunak muốn ông quay lại nội các dù trước đó cả hai đã có bất đồng công khai về nhiều vấn đề lớn.
Trước đó, ông Cameron đã đưa Đảng Bảo thủ trở lại Chính phủ vào năm 2010 trong liên minh với Đảng Dân chủ Tự do trung dung. Ông kết hợp các chính sách xã hội tự do với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, cắt giảm đáng kể ngân sách dịch vụ công của Anh và giảm quy mô nhà nước. Sau đó, ông Cameron đã từ chức sau khi vận động ở lại EU không thành công.
Việc bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng cho thấy rằng Thủ tướng Sunak muốn huy động chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và có khuynh hướng trung dung.
Giờ đây, hai trong số ba chức vụ cao cấp nhất trong nội các của Thủ tướng Sunak đều là những thành viên theo Chủ nghĩa Bảo thủ thế kỷ 21 là ông Cameron và ông Jeremy Hunt.
Ở bối cảnh hiện tại, Thủ tướng Anh Sunak là một người theo chủ nghĩa ôn hòa, người cảm thấy thoải mái hơn khi được bao quanh bởi những người Bảo thủ ôn hòa khác hơn là thúc đẩy chủ nghĩa dân túy.
Việc bổ nhiệm ông Cameron cũng không mang lại lợi thế rõ ràng cho đảng Bảo thủ. Khảo sát hồi tháng 9 cho thấy 45% người trưởng thành ở Anh có quan điểm không ủng hộ ông, so với 25% ủng hộ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Sunak dự kiến thực hiện nhiều thay đổi hơn trong nội các nhằm thu hút các đồng minh và loại bỏ một số bộ trưởng hoạt động không tốt như ông kỳ vọng.
Thư ký báo chí của Thủ tướng Sunak cho biết cải tổ lần này nhằm tạo ra "đội ngũ mạnh mẽ, hiệu quả", sau khi Chính phủ liên tục bị chỉ trích vì không đáp ứng được một số cam kết.