• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính trường Mỹ tìm cách ngăn tiêm kích F-35A tới Anh sau sóng gió về Huawei

Thế giới 06/05/2020 18:50

(Tổ Quốc) - Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cho phép Huawei tham gia cung cấp các bộ phận "không cốt lõi" trong mạng 5G của Anh, Mỹ đã gây áp lực lên London nhằm xem xét lại quyết định trên.

Mỹ không chỉ tuyên bố công ty Trung Quốc này gây nguy hiểm về an ninh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây còn cảnh báo rằng thỏa thuận chia sẻ tình báo của Mỹ cùng các đồng minh trong nhóm Five Eyes, có cả Anh, có thể gặp rủi ro.

Gây sức ép trên khía cạnh quân sự

Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đang tìm cách sử dụng luật pháp để ngăn chặn việc triển khai hai phi đội máy bay F-35A Lightning II ở Anh, dự kiến vào năm tới, để đáp trả việc London cho phép Huawei tham gia phát triển mạng lưới 5G của nước này, theo The Telegraph.

Đề xuất này, do thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Arkansas Tom Cotton dẫn đầu khởi xướng, người trước đây đã thông qua các đề xuất chống Huawei thành luật, cũng bao gồm việc điều chỉnh mức chi tiêu quốc phòng hàng năm của Mỹ.

Chính trường Mỹ tìm cách ngăn tiêm kích F-35A tới Anh sau sóng gió về Huawei - Ảnh 1.

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh quân sự, Mỹ đang tìm nhiều cách ngăn các đồng minh cho phép Huawei tham gia vào chương trình phát triển mạng 5G.

Theo tờ The Telegraph, các thượng nghị sĩ này đang tìm cách sửa đổi một điều luật, theo đó sẽ cấm triển khai các máy bay mới tới các quốc gia nơi cho phép các công ty được cho là có nguy cơ rủi ro như Huawei hoạt động.

Một bản tóm tắt được viết ở phần đầu đề xuất sửa đổi này do chính Cotton, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ viết và nêu rõ: "Cấm việc triển khai máy bay mới tới căn cứ ở các nước ngoài – nơi họ cho phép các nhà cung cấp có nguy cơ tham gia mạng 5G hoặc 6G của họ".

Nếu đề xuất này được thông qua thành luật thì sẽ được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021 của Mỹ và sẽ có nội dung ngăn 48 máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của nước này được triển khai vĩnh viễn sang Anh.

"Trong khi Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì và củng cố mối quan hệ đặc biệt (với Anh-pv), thì việc bảo vệ các phi công Hoa Kỳ và tài sản an ninh quốc gia của chúng tôi phải được ưu tiên", tờ The Telegraph trích lời ông Cotton.

Để trở thành luật, đề xuất này phải được được cả Thượng viện – phe Cộng hòa chiếm đa số và Hạ viện – đảng Dân chủ kiểm soát – thông qua và sau đó được Tổng thống Mỹ ký vào văn bản này.

Việc điều chỉnh này cũng có nhiều tác động bất lợi cho dự án máy bay tối tân F-35 của Mỹ, trị giá ước tính 200 triệu USD sau gần nửa thập kỷ thực hiện. Hiện 1.200 phi công Mỹ đã có mặt tại căn cứ không quân RAF Lakenheath, ở Suffolk, Anh để chuẩn bị cho việc triển khai đội bay ở đây.

Một nguồn tin quốc phòng của Anh được tờ The Telegraph trích dẫn đã lên tiếng bác bỏ những lo ngại của Mỹ, nói rằng F-35 sẽ không sử dụng mạng lưới do Huawei chế tạo.

Rủi ro từ Huawei?

Bản tin này của The Telegraph được đăng tải trong bối cảnh Washington đã đưa ra một đánh giá quy mô lớn về quyết định của Vương quốc Anh cho phép người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia dự án phát triển mạng 5G của Vương quốc Anh.

Vào tháng 1, chính phủ của ông Boris Johnson, đã quyết định trao cho tập đoàn Trung Quốc Huawei một vai trò hạn chế trong hệ thống mạng không dây và cáp quang 5G, đồng thời hạn chế họ không được tham gia vào phần xây dựng lõi mạng – bộ phận theo dõi và kiểm soát thông tin nhạy cảm.

Động thái này được đưa ra sau khi các lực lượng an ninh của Anh tuyên bố rằng các rủi ro bảo mật liên quan đến Huawei có thể xử lý được.

Washington đã phản đối thỏa thuận trên vào thời điểm đó, nhấn mạnh rằng việc cho phép Huawei tiếp cận vào bất kỳ phần nào của dự án mạng là một sự thỏa hiệp hoàn toàn.

Hoa Kỳ từ lâu đã khăng khăng cho rằng công ty này có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc và các thiết bị của họ có thể được sử dụng để thu thập tin tức do thám - cáo buộc mà Huawei và Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận.

Bên cạnh sức ép từ chính quyền Trump, ông Johnson cũng đã phải đối mặt với áp lực đàm phán lại hoặc hủy bỏ thỏa thuận trên từ các nghị sĩ bảo thủ trong Quốc hội Anh.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết trong một cuộc họp ngắn tại Bắc Kinh vào ngày 17 tháng 4 rằng: Chúng tôi hy vọng phía Anh có thể duy trì các nguyên tắc tự do và cởi mở, duy trì sự độc lập về chính sách và cung cấp cho các công ty Trung Quốc một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử.

Về số phận của Huawei trong bối cảnh hiện tại, tờ The Telegraph cho biết thêm: "Vì quyết định đối với Huawei của chính phủ Anh vẫn chưa trở thành luật của nước Anh nên vẫn có thể đảo ngược được".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ