(Tổ Quốc) - Tỷ lệ kỷ lục 33% ứng viên nữ tham gia tranh cử thượng viện được coi là một 'bước khởi đầu', theo đánh giá của tờ Nikkei Asia.
Cuộc bầu cử thượng viện của Nhật Bản vào tháng tới đặt ra một phép thử lớn về bình đẳng giới khi số lượng ứng viên nữ tranh cử tại nước này đang lập kỷ lục.
Tại một quốc gia bị tụt hậu về sự tham gia chính trị của phụ nữ, số ứng viên nữ đang chiếm 33% (181 người) trong số 545 ứng cử viên của cuộc bầu cử thượng viện nước này ngày 10 tháng 7. Nền tảng của các ứng viên nữ rất đa dạng, từ một người ủng hộ quyền bình đẳng cho người bán dâm cho đến một cựu quan chức Liên hợp quốc về di sản Uyghur, các ứng viên này đều hy vọng không chỉ tạo ra bước tiến cho phụ nữ mà còn mang lại nhiều góc nhìn đa dạng hơn cho chính trường Nhật Bản.
Hi vọng mới
Nikkei Asia dẫn nhận định của một chuyên gia nói rằng số lượng phụ nữ tranh cử ở mức kỷ lục lần này cho thấy Nhật Bản cuối cùng đã có một "khởi đầu mới". Nhưng nước này vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước. Trong báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021, Nhật Bản xếp thứ 147 về trao quyền chính trị cho phụ nữ, trong tổng số 156 nước. Tính đến tháng 11 năm ngoái, chỉ có 14% các nhà lập pháp đang tại nhiệm là phụ nữ.
Yukiko Kaname, 46 tuổi lần đầu tiên trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập của Nhật Bản, đang kỳ vọng không chỉ thấy nhiều phụ nữ hơn mà còn muốn thấy nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau tham gia chính trường nước này.
"Chính trị [một cách dân chủ] được cho là đảm bảo sự đa dạng của xã hội, nhưng hiện tại, hầu hết các thành viên của quốc hội đều có các giá trị và cách suy nghĩ giống nhau, bởi vì họ đều được học hành cao, có một gia đình và công việc đàng hoàng", bà nói với Nikkei Asia.
Trong nhiều năm qua, Kaname đã ủng hộ quyền bình đẳng cho những người hành nghề mại dâm. Kaname đã trở nên nổi tiếng trên toàn nước Nhật trong những ngày đầu của đại dịch virus corona khi bà vận động đòi hỗ trợ cho những người hành nghề mại dâm.
Đối với bà Kaname, vấn đề trên chỉ là một khía cạnh trong những thiếu sót về chính sách đối với ngành công nghiệp tình dục và sự thiếu đại diện của của ngành công nghiệp này trong quốc hội. Điều đó thúc đẩy bà tham gia tranh cử.
Bà Kaname cảm thấy rằng có nhiều nữ chính trị gia hơn trong thượng viện là không đủ. Bà lập luận rằng sự đa dạng về quan điểm và kinh nghiệm chính trị cũng rất quan trọng. "Điều quan trọng không chỉ là tăng số lượng nữ chính trị gia, mà là phụ nữ nào trở thành chính trị gia."
Trong khi bà Kaname đang tranh cử cho CDP thì bà Arfiya Eri, 33 tuổi, với nền tảng độc đáo của riêng mình đại diện cho Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.
Tên và ngoại hình của Eri khiến một số người đặt câu hỏi liệu bà có phải là "người Nhật" hay không. Là một công dân Nhật Bản kế thừa di sản của người Uyghur, bà Eri sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản. "Tôi coi mình là người Nhật", bà nói.
Bà là ứng cử viên trẻ nhất trong danh sách của LDP lần này khi độ tuổi tối thiểu cho các ứng cử viên thượng viện là 30. Nhưng Eri là một làn gió mới khi bà có kinh nghiệm làm việc cho Liên Hợp Quốc ở New York.
Là trợ lý chính trị về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bà từng có kinh nghiệm theo dõi cuộc bầu cử của Bangladesh vào năm 2018 – sự kiện vấp phải nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền chống lại phe đối lập. Trải nghiệm này đã khiến Eri nghĩ về giá trị và sự mong manh của dân chủ và tự do.
Bà tin rằng một cách để bảo vệ nền dân chủ của Nhật Bản là đảm bảo nhiều tiếng nói được lắng nghe. Nhưng "có một tỷ lệ đáng kể [người dân ở Nhật Bản] không có đại diện và có thể bị bỏ lại trong quá trình đó. Phần lớn nhất trong số họ là phụ nữ", Eri, người trước đây cũng từng làm việc tại Ngân hàng Nhật Bản cho biết.
Bà Eri cũng nhớ tới cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hàng năm, nơi mỗi quốc gia thành viên cử một phái đoàn. Bà nói rằng Nhật Bản và Trung Quốc là "những quốc gia duy nhất" cử các đội toàn nam. Trong khi đó, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, phụ nữ chiếm đa số trong các quan chức. Bà Eri nói, Nhật Bản đang tiến bộ, nhưng tốc độ "rất chậm" và nước Nhật dường như không nhận ra điều đó.
Cần các chính sách và hành động quyết liệt
Trên thực tế, vị trí thứ 147 của Nhật Bản trong bảng xếp hạng trao quyền chính trị của WEF năm ngoái kém hơn so với năm 2006, khi quốc gia này xếp thứ 83 trên tổng số 115. Để so sánh, nước láng giềng Hàn Quốc, xếp hạng dưới Nhật Bản một bậc vào năm 2006 nhưng leo lên vị trí thứ 68 vào năm 2021, gia nhập nửa trên của bảng xếp hạng.
Mari Miura, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia cho biết: "Nhật Bản gần đây mới nhận ra rằng phụ nữ vắng mặt [trong chính trị]. Trong khi các chính phủ tại các quốc gia khác luôn thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chính trường dưới thời các nhà lãnh đạo cấp tiến thì Nhật Bản đã "đình trệ trong 15 năm" dưới sự lãnh đạo chủ yếu của đảng bảo thủ".
Đồng thời, bà Miura vẫn bi quan về việc có bao nhiêu phụ nữ sẽ giành được ghế trong quốc hội lần này. Với tỷ lệ bỏ phiếu dao động quanh mức 50%, bà giải thích rằng các ứng cử viên sẽ phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các tổ chức, trong đó có nhiều tổ chức do nam giới thống trị.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tỷ lệ ứng cử viên nữ trong các cuộc bầu cử lên 35% vào năm 2025. Bà Miura cho rằng điều này có thể không đạt được, đặc biệt là đối với các cuộc bầu cử vào hạ viện có nhiều quyền lực hơn, trừ khi các chính sách hành động quyết liệt được thực hiện.