• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chống dịch trong tình hình mới: Theo nguy cơ, khu vực

Thời sự 09/09/2021 23:06

(Tổ Quốc) - Chiều 9/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc làm việc bàn về các biện pháp chống dịch trong tình hình mới.


Chống dịch trong tình hình mới: Theo nguy cơ, khu vực - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp (ảnh VGP)

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, trong số 23 địa phương đang thực hiện giãn cách, TP.HCM đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố nên số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Các tỉnh còn lại cơ bản vẫn ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng hằng ngày tuy không cao… Tại 40 tỉnh, thành còn lại, tình hình dịch cơ bản đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát. Do đó, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch.

Ý kiến các chuyên gia cho rằng, không có biện pháp chống dịch COVID-19 tách biệt, đơn lẻ. Những đợt dịch trước đây, Việt Nam đã chống dịch tốt và đó là thành công phải ghi nhận. Với diễn biến mới của dịch, Việt Nam vẫn cần các biện pháp phối hợp để duy trì thành công này. Làn sóng dịch thứ tư, với biến chủng Delta, khiến số ca mắc tăng “theo cấp số nhân” dẫn đến quá tải và số ca tử vong tăng cao. Đặc biệt, thấy rõ vấn đề về thiếu trang thiết bị y tế và vaccine.

Với những tỉnh, thành phố kiểm soát được dịch bệnh, ghi nhận ít ca mắc, các chuyên gia khuyến cáo vẫn tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, cách ly F0, F1, truy vết F2, F3. Đối với TPHCM, một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai (khu vực giáp TPHCM) phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt, như tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới như các nước phát triển, đã tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, thiết lập vành đai an toàn xung quanh khu vực này, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.

Để quay lại trạng thái bình thường mới, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất, cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; đảm bảo hệ thống điều trị có đầy đủ thuốc, oxy, các trang thiết bị cần thiết để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Chống dịch trong tình hình mới: Theo nguy cơ, khu vực - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp (ảnh VGP)

Vì vậy, trong thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường mọi hướng tiếp cận nguồn vaccine, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất. Cùng với việc ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền để giảm số ca tử vong, các ý kiến nêu rõ cần phân bổ vaccine cho những khu vực cần phải bảo vệ ngay trước mắt (như khu vực TPHCM, Hà Nội, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, chuỗi sản xuất, hoạt động dịch vụ…) nhằm tạo miễn dịch cộng đồng sớm. Các chuyên gia đặc biệt lưu ý cần đẩy nhanh việc xem xét triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Đồng thời, những loại thuốc điều trị COVID-19 cần phải được cập nhật và đưa vào điều trị sớm, kết hợp với các phương thuốc đông y để tăng cường thể trạng, sức khỏe người bệnh.

Bên cạnh kết quả tích cực trong nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị COVID-19, các nhà khoa học Việt Nam đã phát triển nhiều loại sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch, kể cả công tác khử khuẩn, bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế tập hợp lực lượng, nhất là trong khâu thử nghiệm, cấp phép sử dụng, lưu hành.

Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, giải pháp giãn cách xã hội là biện pháp làm chậm, chặt đứt chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2. Cùng với việc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm triển khai trong thời gian qua, các chuyên gia đề xuất tiếp tục thực hiện biện pháp này khi chưa có đủ vaccine. Việc thực hiện giãn cách xã hội phải làm nghiêm ngay từ đầu, thực chất, chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc y tế đầy đủ cho người dân, giữ gìn an ninh trật tự./.


Hồng Hà (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ