• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Trung Quốc đối mặt phép thử quyền lực giới tinh hoa

Thế giới 02/10/2016 14:00

(Tổ Quốc) - Được nhìn nhận là nhà đạo quyền lực nhất Trung Quốc nhưng ông Tập sẽ củng cố “di sản” của ông ra sao tại Đại hội Đảng năm tới?  

Sau khi mất chưa tới bốn năm để củng cố hình ảnh một lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc và đang nổi lên như một nhà lãnh đạo thế giới khi là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Hàng Châu, hiện tại Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tự tin hơn trong việc theo đuổi chương trình trẻ hóa quốc gia đầy tham vọng của mình.

Ông Tập cũng đã nhận được sự hoan nghênh quốc tế cho các sáng kiến ngoại giao như một vành đai - một con đường, thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, thông qua thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết mạnh mẽ về môi trường.

Chờ đợi cuộc cải tổ

Tuy nhiên, ông Tập vẫn phải đối mặt với phép thử quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của mình tại hội nghị Ban chấp hànhTrung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 10 – nơi sẽ quyết định chương trình nghị sự cho Đại hội đảng 19 vào năm sau. Tại phiên họp này, ông Tập dự kiến sẽ xác định rõ các tham vọng chính trị và lộ trình dẫn tới việc kế nhiệm quyền lực tại đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào tại Đại lễ đường, Bắc Kinh hai năm trước. (Nguồn: Reuters)

Trong tháng 7, Bộ Chính trị Trung Quốc đã thông báo hội nghị Ban chấp hành lần thứ 6 sẽ tập trung vào việc xây dựng đảng, với chương trình nghị sự tập trung vào hành vi chính trị nội bộ của các thể chế cũng như cán bộ hàng đầu của đảng, đặc biệt là các thành viên Ủy ban Trung ương, Bộ Chính trị và Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết ông Tập cũng sẽ sử dụng hội nghị này để chuẩn bị cho sự thay đổi bộ phận lãnh đạo tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm sau, khi nhiều quan chức hàng đầu dự kiến sẽ nghỉ hưu.

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ có 5/7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ngoại trừ Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường rời đi sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu 68.

6 thành viên trong số 25 thành viên trong Bộ Chính trị cũng sẽ bước xuống vì lý do tương tự. Điều này sẽ khiến 12 thành viên còn lại của Bộ Chính trị sẽ tham gia ứng tuyển vào 5 vị trí trống trong Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị, và khoảng 250 thành viên Ủy ban Trung ương sẽ tìm kiếm cơ hội đối với 11 ghế trống trong Bộ Chính trị (coi như số các thành viên trong cả hai cơ quan là không thay đổi).

Chuyên gia Steve Tsang thuộc trường nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Nottingham ở Anh, cho rằng ông Tập sẽ sử dụng đại hội 19 để xác định rõ hướng thay đổi trong thời gian ông nắm quyền, và hội nghị cuối tháng này sẽ dọn đường cho việc đó.

Ông sẽ làm rõ lớp lãnh đạo kế nhiệm tại đại hội 20 và xác định có tiếp tục nắm quyền hay không.

Giới phân tích vẫn đặt câu hỏi rằng liệu ông đã tập hợp đủ sức mạnh hiệu quả để quyết định của ông về sắp xếp việc kế nhiệm và đường hướng chính sách sẽ được nhất trí tại đại hội 19.

Cựu sử gia Zhang Lifan tại Viện Khoa học Xã hội Trung cho biết, ông Tập, 64 tuổi, phải đối mặt với một làn sóng ngầm phản đối mạnh mẽ trong giới lãnh đạo. "Ông ấy phải đối mặt với sự phản đối lớn do những chính sách gây tranh cãi của mình và rất nhiều người đang chờ đợi ông mắc sai lầm", Zhang nói.

Trong bốn năm qua, ông Tập đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng và định hình các hành vi đạo đức để chống lại sự suy giảm niềm tin trong chính phủ và củng cố sự tin tưởng trong đảng và nền tảng quyền lực cho mình.

Nhà khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân Trung Quốc Zhang Ming nói, do có nhiều chính sách gây tranh cãi, vì vậy chưa rõ ông Tập có gạt bỏ được những người chỉ trích hàng đầu với ông trước đại hội 19 hay không.

Thách thức kinh tế và ngoại giao

Bên cạnh cuộc đại cải tổ nhân sự sắp tới, nhà lãnh đạo này vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong tiến trình phát triển kinh tế và chuyển dịch xã hội.

Nền kinh tế Trung Quốc liên tục chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, và tất cả các dữ liệu đều cho thấy đà tăng trưởng của nước này đã không còn.

Chủ tịch Tập cũng còn một trận chiến khó khăn để phục hồi sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – hiện đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tình trạng suy thoái kéo dài, trong khi phải tránh điều các nhà kinh tế gọi là "bẫy thu nhập trung bình". Còn Chính phủ Trung Quốc cũng phải đối mặt với phép thử về ý chí chính trị để cải cách các doanh nghiệp quốc doanh.

Nếu ông Tập không thể đảo ngược sự suy giảm vững chắc của tăng trưởng kinh tế, nhiều người sẽ nghi ngờ khả năng của ông trong việc đạt được các mục tiêu phát triển.

Trong khi, ông Tập đang nổi lên như một nhà lãnh đạo thế giới thì chiến lược "ngoại giao khu vực" của ông đã phải chịu thất bại nghiêm trọng, khi quan hệ của Bắc Kinh với các “đối thủ” lớn trong khu vực - Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia cùng nhiều thành viên trong ASEAN đang xấu đi trong những năm qua.

Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông là thất bại ngoại giao lớn nhất trong hơn 6 thập kỷ qua của nước này, và ảnh hưởng của phán quyết đó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Những căng thẳng trên đang cho thấy sự nghi ngờ lan rộng và sự mất lòng tin giữa các nước láng giềng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hiện tại, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc chỉ có thể thực hiện ước mơ của mình, hiện đại hóa đất nước khi các lãnh đạo có thể vượt qua những trở ngại để cải cách nền kinh tế và tái cơ cấu chính trị.

(Theo SCMP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ