• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa cấm hoàn toàn năng lượng Nga: Hậu quả đã lan khắp EU

Thế giới 05/05/2022 19:35

(Tổ Quốc) - Giá năng lượng tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia EU.

Châu Âu chưa sẵn sàng

Theo người đứng đầu tập đoàn OMV của Áo, lệnh cấm nhiên liệu của Nga sẽ dẫn đến khủng hoảng trong ngành công nghiệp châu Âu và nền kinh tế nước này.

"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã sẵn sàng cho một lệnh cấm vận. Trừ khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Bởi vì một điều cần được hiểu rõ ràng: nguồn cung cấp khí đốt không phải do chúng ta tự sản xuất ở châu Âu, mà là do nguồn cung cấp từ Nga. Chúng tôi đã thành lập một lực lượng chuyên môn về khí đốt để xem chúng tôi có thể đóng góp như thế nào trong việc vận chuyển năng lượng", Giám đốc điều hành OMV Alfred Stern nói với tờ Kurier.

Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo rằng khối đã có kế hoạch áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Moscow vào ngày 4/5, bao gồm lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga ở châu Âu. Tuy nhiên, các đại diện châu Âu đã không đạt được thỏa thuận về các hạn chế có thể được sử dụng.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng đối với nguồn cung dầu và khí đốt của Nga cho châu Âu.

Vào ngày 27/4, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã đình chỉ cung cấp khí đốt theo hợp đồng với công ty Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan do các nước này từ chối thủ tục thanh toán mới.

Trên khắp châu Âu, giá năng lượng tăng đang thách thức quyết tâm của người tiêu dùng phổ thông và chủ doanh nghiệp.

Các chính phủ đang cố gắng thay thế nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, cho rằng các khoản thanh toán thường xuyên của họ đang trở thành nguồn tiền cho cuộc xung đột do Nga phát động. Các nước cũng phải đối mặt với cuộc đối đầu căng thẳng với Moscow về yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp, và khả năng Nga sẽ chặn nguồn cung như đã làm với Bulgaria và Ba Lan vào tuần trước.

Các nước thuộc Liên minh Châu Âu nhập khẩu 40% khí đốt và 25% dầu từ Nga và theo kế hoạch hiện tại của EU, khối này khó có thể độc lập về năng lượng với Moscow trong vòng 5 năm nữa.

Người nghèo ở Milan

Những cư dân nghèo khó trong một khu dân cư có thu nhập thấp nhất của Ý ở vùng ngoại vi thành phố Milan phải xếp hàng 2 lần 1 tuần để đề nghị hỗ trợ sinh hoạt phí sống qua ngày. Càng ngày, hóa đơn điện nước càng tăng cao.

Kể từ khi giá năng lượng bắt đầu tăng vọt, công ty năng lượng A2A đã cung cấp một gói hỗ trợ, cung cấp tới 300 euro một năm cho các gia đình những người không thể trả các hóa đơn tiện ích ngày càng cao của họ.

Alessandra Travaglini, 54 tuổi, đã sử dụng tới hạn mức tối đa ngay cả trước xung đột. Hóa đơn điện nước của bà tăng gấp đôi lên hơn 120 euro. Hiện tại, bà đang thất nghiệp và hi vọng sẽ nhân được nhiều sự hỗ trợ hơn.

Chưa cấm hoàn toàn năng lượng Nga: Hậu quả đã lan khắp EU - Ảnh 1.

"Tôi không nấu ăn nhiều. Tôi chỉ chạy máy giặt vào buổi tối hoặc cuối tuần. Tôi tắm nhanh, sử dụng lò nướng mỗi tháng một lần. Tôi cũng chỉ ủi đồ 1 hoặc 2 lần/1 tuần. Tôi thấy rất sợ hãi".

Bà lo lắng rằng nếu Ý cắt đứt năng lượng mua từ Nga hoặc nếu Moscow ngừng cung cấp, cuộc sống của bà sẽ càng khó khăn hơn.

"Tôi nghĩ rằng họ phải mua năng lượng từ Nga. Nhưng đối với tôi, Ý đã áp dụng chiến lược sai lầm".

Thắt lưng buộc bụng ở Budapest

Kritztian Kobela-Piko, một chuyên gia về ống dẫn và sửa chữa khí đốt ở thủ đô Budapest của Hungary, nhận thấy nghề nghiệp của mình có mối liên hệ mật thiết với vấn đề năng lượng Nga.

Nhà thầu 41 tuổi này lắp đặt các lò hơi khí và buộc phải sử dụng các vật liệu ngày càng đắt đỏ hơn theo cấp số nhân. Ông cho biết ông đồng cảm với các nạn nhân của xung đột và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân.

"Ít nhất, tôi sẽ phải thắt lưng buộc bụng một chút," Kobela-Piko nói. "Nhưng những hy sinh này không là gì so với hoàn cảnh của những người sống trong vùng xung đột".

Kể từ khi xung đột bắt đầu, nhiều khách hàng đã chuyển đổi hệ thống sưởi ấm trong nhà của họ sang điện, tỏ ra không chắc chắn về tương lai của khí đốt tự nhiên.

Chưa cấm hoàn toàn năng lượng Nga: Hậu quả đã lan khắp EU - Ảnh 2.

Trong khi Kobela-Piko tin rằng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Moscow là chiến lược đúng đắn, ông cho biết tình hình địa chính trị của Hungary khiến việc phá vỡ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga gần như không thể. Hungary, một thành viên cũ của khối Liên Xô, nhận tới 85% khí đốt và hơn 60% dầu từ Nga.

Ông cho rằng gây áp lực lên nguồn cung từ Nga "là một tình huống rất khó chịu".

Khí đốt Nga và thủy tinh Đức

Carletta Heinz đang tính toán tác động của việc cắt khí đốt đối với công ty thủy tinh 400 năm tuổi mà bà đã tiếp quản từ cha mình là thế hệ thứ 13 - và đối với các cộng đồng ở trung tâm của một khu sản xuất thủy tinh ở miền đông nước Đức.

Tập đoàn Heinz-Glas, công ty chuyên sản xuất chai lọ cho các nhãn hiệu mỹ phẩm và nước hoa quốc tế, sẽ phải đóng cửa một cơ sở sử dụng khí đốt ở thị trấn Piesau. Việc này sẽ làm hỏng các bể chứa cần giữ nhiệt độ trên 900 độ C để giữ cho thủy tinh nóng chảy không đông đặc. Nếu Piesau phải ngừng hoạt động, nó sẽ không thể khởi động lại và quá trình sản xuất sẽ chuyển sang nơi khác.

Công ty đã chuyển sang sử dụng điện tại trụ sở chính ở Kleintettau gần đó để giảm lượng khí thải carbon, nhưng công ty vẫn cần khí đốt cho một số quy trình ở đó.

Chưa cấm hoàn toàn năng lượng Nga: Hậu quả đã lan khắp EU - Ảnh 3.

Heinz nói, nếu một cuộc tẩy chay khí đốt dẫn đến việc chính phủ siết chặt sử dụng năng lượng, thì chính phủ Đức phải đảm bảo rằng các nhà sản xuất thủy tinh nhận được ít nhất 70% năng lượng hiện tại của họ để giữ cho bể chứa nóng và tránh thất thoát thiết bị trên diện rộng. Trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng, luật của EU yêu cầu các chính phủ ngừng cung cấp khí đốt cho các doanh nghiệp để cung cấp nhà cửa và bệnh viện.

Ngoài công ty của mình, bà còn lo lắng về tác động đối với các công ty sản xuất thủy tinh gần biên giới giữa vùng Thuringia và Bavaria, nơi tuyển dụng trực tiếp 5.000 người lao động và tuyển gián tiếp 8.000 người khác.

Bà Heinz, 38 tuổi, cho biết: Mất việc làm có thể đồng nghĩa với lượng khí thải carbon cao hơn nếu hoạt động sản xuất chuyển sang các nước có ít biện pháp bảo vệ môi trường hơn.

"Ở Đức, có nhiều biện pháp phát triển hơn về vấn đề bảo vệ môi trường. Thủy tinh vẫn cần thiết và sẽ được sản xuất ở các quốc gia khác, nhưng điều này chắc chắn sẽ tồi tệ hơn đối với hành tinh của chúng ta", bà nói.

"Tôi quan tâm tới những người mắc kẹt trong xung đột. Nhưng chúng tôi phải quan tâm đến nền công nghiệp và đảm bảo tương lai của mình. Bởi nếu công nghiệp Đức suy sụp thì chúng tôi chẳng thể giúp được ai cả".

Cấm vận phản tác dụng ở Bulgaria

Thu nhập của công nhân xây dựng Nikolay Belev ở thủ đô Sofia (Bulgaria) không tăng kịp với giá khí đốt và dầu mỏ. Và ông chưa sẵn sàng chịu thêm mất mát vì các lệnh trừng phạt của Nga, điều mà ông cho là không phù hợp và sẽ chỉ mang lại nhiều bất bình đẳng hơn ở quốc gia thành viên nghèo nhất của EU.

Ông Belev cho biết: "Những lệnh trừng phạt này nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhưng cuối cùng, chúng lại giáng xuống đất nước của tôi và đặc biệt là những người có thu nhập thấp hơn, những người thực sự là nạn nhân của những lệnh trừng phạt này".

Ông cũng phàn nàn rằng giá năng lượng cao hơn đã làm tăng chi phí nguyên vật liệu của ông - tăng lên tới 30% trong hai tháng qua.

Bulgaria, quốc gia có 6,5 triệu dân, từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Moscow trong thời kỳ Liên Xô. Hiện là thành viên NATO và EU, nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Nhà máy lọc dầu duy nhất của họ thuộc sở hữu của Lukoil của Nga, cung cấp gần 2/3 nhu cầu năng lượng của đất nước.

Nhà máy điện hạt nhân duy nhất, tạo ra hơn 1/3 lượng điện của Bulgaria, chạy bằng uranium từ Nga.

Chính phủ đang tìm kiếm năng lượng ở nơi khác, bao gồm khí đốt từ Azerbaijan hoặc khí đốt tự nhiên hóa lỏng thông qua đường ống dẫn với Hy Lạp. Tuy nhiên sử dụng khí hóa lỏng LNG đồng nghĩa rằng giá cả sẽ cao hơn.

Đối với Veselina Marinova, một biên tập viên sống cùng chồng và người mẹ 83 tuổi, việc trả nhiều tiền hơn cho năng lượng là một sự hy sinh nhỏ khi so với mất mát của những người kẹt trong xung đột.

Tất Đạt

NỔI BẬT TRANG CHỦ