• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn mùa lễ hội 2023

Văn hoá 13/01/2023 20:28

(Tổ Quốc) - Sau 3 năm tạm dừng, giảm quy mô tổ chức các hoạt động lễ hội, mùa lễ hội xuân 2023 được tổ chức trở lại dự kiến sẽ có sự gia tăng đột biến về số lượng người dân tham gia. Nhiều địa phương đã lên phương án chặt chẽ nhằm đảm bảo cho du khách tham gia.

Tăng cường quản lý

Sau một thời gian phải tạm dừng tổ chức cũng như chịu nhiều tác động do đại dịch Covid-19, trước mùa lễ hội 2023, nhiều di tích, lễ hội trọng điểm trong cả nước đã sẵn sàng kế hoạch công tác quản lý và tổ chức.

Chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn mùa lễ hội 2023 - Ảnh 1.

Các địa phương lên nhiều phương án để quản lý và tổ chức lễ hội (ảnh minh họa)

Chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương- một lễ hội có thời gian tổ chức kéo dài nhất cả nước, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho du khách. BQL di tích, BTC lễ hội nhấn mạnh yêu cầu cần đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội đa dạng, hấp dẫn, phù hợp để người đi lễ hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch, lễ hội, kiên quyết đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh.

BTC Lễ hội chùa Hương năm 2023 đã thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát vé thắng cảnh, một tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội. Điểm mới của lễ hội chùa Hương năm nay là BTC thay đổi hình thức bán vé tham quan, từ vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội. Năm nay, BTC cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của khu vực xã Hương Sơn.

Ông Hiển cũng cho biết, sẽ thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm…

Đối với một lễ hội còn những ý kiến trái chiều như Lễ hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), để đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, UBND xã Hiền Quan đã xây dựng Đề án Đổi mới công tác tổ chức và quản lý Lễ hội Phết xã Hiền Quan năm 2023. Theo đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng và theo phong tục, tín ngưỡng thờ cúng Thiều Hoa Công chúa. Phần hội (đánh Phết) được xây dựng kịch bản chi tiết, kết hợp cách đánh Phết truyền thống với cách đánh Phết hiện nay. Quanh sân Phết, ngoài khu vực cây nêu, BTC bố trí 3 lượt hàng rào cùng lực lượng công an, an ninh bảo vệ, không để nhân dân, du khách tràn vào sân Phết.

Chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn mùa lễ hội 2023 - Ảnh 2.

Quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia các hoạt động lễ hội có tính chất nhạy cảm thời gian qua như đánh Phết, có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự (ảnh minh họa)

Về lực lượng tham gia, BTC sẽ giao các trưởng khu dân cư tiến hành rà soát, lựa chọn, lập danh sách người tham gia đánh Phết từ các khu dân cư trong xã. Thành lập 2 đội chơi số lượng 100 người, mỗi đội gồm 50 người được tuyển chọn từ các khu dân cư. Người được chọn tham gia đánh phết phải là người Hiền Quan, có hộ khẩu tại Hiền Quan, tuổi từ 18 - 45, là những người có nhân thân tốt, có sức khỏe, chấp hành quy định của BTC lễ hội... Bên cạnh các phương án đánh phết, Đề án cũng quy định lực lượng kiểm soát trong sân Phết sẽ xử lý các tình huống trên sân đảm bảo hai đội tranh Phết công bằng, khách quan, ứng xử có văn hóa và đặc biệt không để những hình ảnh phản cảm xảy ra trong quá trình hai đội tranh Phết...

Một lễ hội nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân là Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định). Năm nay, lễ Khai ấn diễn ra đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng trùng vào ngày cuối tuần (thứ Bảy), vì vậy, BTC dự kiến sẽ có sự gia tăng đột biến về người tham gia lễ hội. Bên cạnh việc mở rộng không gian lễ hội Đền Trần, theo bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND TP. Nam Định, Trưởng BTC Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định 2023, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Theo đó, sẽ có 4 điểm phát ấn, được tổ chức khoa học đảm bảo cho nhân dân vào, ra nhận Ấn. Lượng Ấn cũng đảm bảo cho du khách tham gia xin lộc đầu Xuân. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ Khai Ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân.

Dừng tổ chức nếu không đảm bảo

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), triển khai Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, ngay từ tháng 10/2022, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát công tác tổ chức, quản lý lễ hội, các điểm di tích gắn với tổ chức lễ hội ở địa phương.

Chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn mùa lễ hội 2023 - Ảnh 3.

Dự báo mùa lễ hội 2023 sẽ tăng đột biến về số lượng người tham gia lễ hội và các nội dung liên quan tới hoạt động tổ chức lễ hội (ảnh minh họa)

"Dự báo mùa lễ hội 2023 sẽ tăng đột biến về số lượng người tham gia lễ hội và các nội dung liên quan tới hoạt động tổ chức lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đã tiến hành làm việc với một số địa phương có những hoạt động lễ hội còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều trong việc tổ chức các lễ hội trước đây, ví dụ như: Đúc Bụt và chọi trâu ở Vĩnh Phúc, chọi trâu ở Hải Lựu… Những lễ hội mà chúng tôi cho rằng cần phải có những biện pháp, kế hoạch, phương án kịch bản để tổ chức sao cho tốt nhất"- bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.

Theo Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, ngoài việc kiểm tra, yêu cầu cũng như đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng thì Cục văn hóa cơ sở cũng có các văn bản trực tiếp gửi về cho địa phương, trong đó trọng tâm đến một số tỉnh như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…. Văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm những quy định của Nghị định 110, cần phải sớm thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức các hoạt động lễ hội một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

"Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng có những văn bản yêu cầu tăng cường các giải pháp về thanh tra kiểm tra trước và sau lễ hội. Đồng thời, thực hiện yêu cầu nâng cao ý thức cũng như biện pháp quản lý của chính quyền địa phương. Theo Nghị định 110, Chính phủ đã giao cho chính quyển địa phương các cấp quản lý đối với các loại hình lễ hội tương ứng. Địa phương nào để xảy ra vi phạm thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm"- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết.

Chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn mùa lễ hội 2023 - Ảnh 4.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng và công chúng; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội (ảnh minh họa)

Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, với một số điểm nóng như Lễ hội phết Hiền Quan, Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản số 1211 gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, đề nghị địa phương cần bổ sung phần đánh giá những hạn chế, nguyên nhân trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội nói chung và lễ hội Phết Hiền Quan trong thời gian qua, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa phát sinh, bất cập trong thời gian tới. Đề nghị thực hiện trình tự, thủ tục thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia các hoạt động lễ hội có tính chất nhạy cảm thời gian qua như đánh Phết, có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự. Khi có hiện tượng đó xảy ra, địa phương phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục.

Đặc biệt, Cục Văn hóa cơ sở cũng chỉ rõ, cần chú trọng yếu tố thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng và công chúng; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ