• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuẩn bị lập hồ sơ các di sản Mo Mường, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam trình UNESCO

Văn hoá 10/06/2020 22:54

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ các di sản văn hoá phi vật thể: Mo Mường (tỉnh Hòa Bình) và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể: Mo Mường (tỉnh Hòa Bình) và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Chuẩn bị lập hồ sơ các di sản Mo Mường, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam trình UNESCO - Ảnh 1.

Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường

Mo Mường là tên gọi một loại nghề nghiệp, một loại hình di sản văn hóa có tính nguyên hợp bao gồm: Hoạt động tín ngưỡng dân gian, diễn xướng văn hóa - văn nghệ dân gian đặc biệt. Nó chỉ thực hiện trong tang lễ và một số nghi lễ tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường. Mục đích nhằm cầu mạnh khỏe, trấn an con người trước các biến động lớn khi đau ốm, chết người và thực hiện các nghi lễ trong tang lễ trước khi đưa người chết đi mai táng.

Đây là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường có dung lượng khổng lồ, có sự ảnh hưởng sâu sắc, chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, hiện tại và cả tương lai. Di sản độc đáo chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Giới học giả trong và ngoài nước đánh giá Mo Mường như "Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường, những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong Mo Mường.

Mo Mường bao gồm ba lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo và diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo tức là nghệ nhân mo. Trong đó, lời mo gắn liền với nghệ nhân mo chiếm vị trí quan trọng nhất.

Chuẩn bị lập hồ sơ các di sản Mo Mường, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam trình UNESCO - Ảnh 2.

Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam

Di sản Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch). Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

Năm 2001, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa- thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân- sư- rồng… phục vụ nhân dân và du khách.

Ngày 19/12/2014, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ