(Tổ Quốc) -Đây là một trong những nhận định của NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm sau sự việc để lọt 94 hồ sơ được phản ánh không đủ tiêu chuẩn trong tổng số 1226 ứng viên xét duyệt chức danh GS, PGS.
- Thưa thầy, theo báo cáo Thủ tướng của Bộ GD&ĐT, 94 ứng viên chức danh GS, PGS có phản ánh là chưa đủ điều kiện. Xin thầy cho biết đâu là nguyên nhân của việc để lọt ra những ứng viên không đủ điều kiện mà vẫn được xét duyệt các chức danh GS, PGS?
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm: Có một vài nguyên nhân mấu chốt đã dẫn tới tình trạng này trong đó, việc chuẩn đánh giá các công trình khoa học của chúng ta đang có vấn đề. Chúng ta không thể đánh đồng những công trình khoa học đem lại hiệu quả thực tế với những công trình bảo vệ xong chỉ “đắp chiếu”. Các công trình khoa học phải thực sự phát huy tác dụng, trước hết là trong nước, sau đó là nước ngoài nếu có thể.
Chúng ta cần có trách nhiệm trong việc công nhận chức danh GS, PGS. Theo tôi, hội đồng xét duyệt phải chịu trách nhiệm với công trình khoa học mà mình công nhận, từ hội đồng ngành cho tới hội đồng trường. Không thể để tình trạng hội đồng cứ thành lập xong rồi giải tán mà không biết ai là người phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót trong việc xét duyệt chức danh GS, PGS.
NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm: “Không cần nhiều, nhưng phải có trình độ khoa học thật sự” |
- Mới đây, Tiến sĩ Đại học Công nghiệp TPHCM xin rút khỏi danh sách ứng viên PGS vì bị tố chép luận văn người khác, thầy có thể cho biết đây có phải là một trường hợp điển hình hay những việc tương tự đã diễn ra nhiều và từ lâu nhưng không bị phát hiện?
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm: Đây không phải là trường hợp duy nhất. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, vị Tiến sĩ này đáng khen khi biết dừng lại trước khi “đi quá xa”.
Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo của chúng ta cần ứng dụng công nghệ để siết chặt, tránh tình trạng “giả khoa học” xảy ra và để những người làm khoa học giữ được đạo đức nghề nghiệp.
- Thầy có thể cho biết một GS, PGS chất lượng cần đạt những yếu tố nào?
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, yếu tố quan trọng để trở thành một GS, PGS phải là một nhà khoa học “thật”, tích cực tham gia đào tạo bởi đây là hai yếu tố thể hiện bản chất của GS, PGS.
Những người có khả năng, chuyên môn giỏi không nhất thiết phải là một vị GS, PGS. Tuy nhiên, một GS, PGS phải là một nhà khoa học đứng đầu ngành trong trường đại học. Những chức danh này chúng ta không cần nhiều, nhưng phải có trình độ khoa học thật sự. Còn các tiêu chuẩn về bài báo quốc tế hay ngoại ngữ chỉ là những tiêu chuẩn đi kèm.
- Theo thầy, cần có giải pháp nào để khắc phục và tránh lặp lại tình trạng những người không xứng đáng nhưng vẫn được công nhận chức danh GS, PGS?
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm: Mấu chốt nằm ở tiêu chuẩn phải rõ ràng. Không thể đặt ra tiêu chuẩn mà khó thẩm định được chất lượng, thật-giả.
Thêm vào đó, đối tượng phải đúng. Một vị GS, PGS phải gắn với công việc đào tạo. Hiện nay, chức danh này đang bị hạ thấp khi nhiều người tham gia ứng tuyển chức danh GS, PGS chỉ để cho đẹp hồ sơ cá nhân.
Nên trao trả cho các trường đại học tự chủ trong việc thi tuyển và công nhận chức danh GS, PGS. Hiện nay chúng ta đang xảy ra tình trạng Nhà nước thì cứ phong GS, PGS còn các trường đại học có sử dụng hay không lại là một chuyện khác. Chức danh này chỉ nên có hiệu lực trong một trường đại học chứ không thể mang đi mọi nợi và đi theo suốt đời.