• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuỗi hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc

Thế giới 01/07/2024 20:03

(Tổ Quốc) - Trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc; dự tọa đàm với chuyên gia bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Hàn Quốc và dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tọa đàm với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 1/7, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tọa đàm với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, tài chính, công nghệ thông tin, y dược...

Chuỗi hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc Tọa đàm với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau hơn 30 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực.

Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp; số 2 về hỗ trợ phát triển (ODA), du lịch và số 3 về lao động, thương mại của Việt Nam.

Trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt 76,1 tỷ USD.

Tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt hơn 87 tỷ USD, với khoảng 10.000 dự án.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có khoảng gần 300.000 người; trong khi đó cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam có khoảng 200.000 người; hai nước có khoảng 80.000 gia đình đa văn hóa.

Thông tin tới các đại biểu về các yếu tố nền tảng của Việt Nam như đường lối phát triển đất nước, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng “4 không,” giữ gìn và phát triển văn hóa, công tác an sinh xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng..., Thủ tướng Chính phủ cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, biến động, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong ngưỡng cho phép; kinh tế duy trì đà tăng trưởng khá...

Thủ tướng Chính phủ mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư tại Việt Nam xứng tầm với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Tại tọa đàm, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Hyundai Motors, GS Energy, Doosan Enerbility, KB Financial Group, Hana Financial Group, Shinhan Bank, MB Bank, POSCO International, TKG Taekwang, Seegene Medical Foundation... đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; cho biết đang hợp tác, đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Các tập đoàn Hàn Quốc mong muốn tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng LNG; sản xuất động cơ máy bay; đóng tàu; xây dựng các trung tâm dữ liệu đồng bộ và liên thông, số hóa các dịch vụ công; mở các chi nhánh ngân hàng; chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Các doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nguồn điện ổn định và đa dạng; có chính sách hỗ trợ phát triển các ngành nêu trên; hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động, thuê đất...

Sau khi cùng lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp, chia sẻ về các vấn đề mà các tập đoàn lớn của Hàn Quốc quan tâm, đề xuất, kết luận tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng và trân trọng cảm ơn các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đã tin tưởng và đầu tư kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua; mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy “những chân trời hợp tác mới,” trên cơ sơ sở cách tiếp cận mang tính “toàn cầu, toàn diện, toàn dân,” hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Thủ tướng đề nghị bên cạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, hai bên cần tăng cường hợp tác trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, trong các lĩnh vực cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị thông minh (cả quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia).

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khi khó khăn, thiên tai, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trên tinh thần “3 cùng” (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển); “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đóng góp lớn hơn cho quan hệ hai nước, cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp cho người dân hai nước.

Đồng thời, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, khuyến nghị tại tọa đàm, nhất là về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; từ đó, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 1/7, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc.

Chuỗi hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc.

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tình hình phát triển của Việt Nam; tiềm năng, thế mạnh, các ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư của Việt Nam; quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc; tình hình đầu tư, thương mại Việt Nam-Hàn Quốc; tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp Hàn Quốc và cơ hội tại thị trường Việt Nam…

Đặc biệt, tại diễn đàn, các đại biểu phân tích tình hình; đề xuất các ý tưởng thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Hàn Quốc.

Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia hai nước thể hiện rõ sự quan tâm và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư hơn nữa, góp phần vun đắp mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng bền chặt, với tầm cao mới; chia sẻ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng, đổi mới sáng tạo và phát triển chuỗi cung ứng; đề xuất hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài….

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trải qua hơn 3 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Hợp tác hữu nghị, tin cậy, thực chất giữa Việt Nam-Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển hết sức tốt đẹp trên cơ sở chia sẻ những giá trị chung và lợi ích chiến lược.

Hiện nay, Hàn Quốc giữ vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp, đứng vị trí số 2 về hợp tác phát triển và du lịch và số 3 về hợp tác lao động và thương mại. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có khoảng gần 300.000 người; trong khi đó cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam có khoảng 200.000 người.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để đạt được những thành công này, bên cạnh yếu tố nền tảng là quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc; sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ hai nước, phải kể đến sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Thông tin về những yếu tố nền tảng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước.

Những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Việt Nam.

Chuỗi hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công-tư để phát triển mạnh mẽ kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút và ưu tiên cao như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, công nghiệp văn hóa...

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị thông minh; tiếp tục tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khi khó khăn, thiên tai, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Việt Nam hợp tác đầu tư với nguyên tắc “3 bảo đảm:” bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là hợp phần quan trọng của kinh tế; coi trọng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định về chính sách, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Với mong muốn “mở ra chân trời hợp tác mới để có giá trị hợp tác mới,” Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cùng thực hiện 3 cùng: “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển,” trên tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” và hợp tác toàn cầu, toàn diện, toàn dân, Việt Nam-Hàn Quốc sẽ cùng nhau tạo ra giá trị mới, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Tại diễn đàn, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước đã trao 23 văn bản thỏa thuận hợp tác. Trong đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Hưng Yên, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… hợp tác với các tập đoàn Hàn Quốc trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, xây dựng khu công nghiệp, công nghệ bán dẫn, y dược, hàng không, logistics, công nghệ thông tin, cơ khí…

Tập đoàn Sovico và Tập đoàn Hyosung trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và triển khai đầu tư và phát triển bền vững; phát triển và đầu tư vào trung tâm dữ liệu, công nghệ tài chính, năng lượng tái tạo, tài chính, thành phố thông minh, logistics và các lĩnh vực kinh doanh bất động sản khác.

Thủ tướng tọa đàm với chuyên gia bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Hàn Quốc

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, trưa 1/7, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tọa đàm ăn trưa với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Chuỗi hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Mở đầu tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, xu thế chung của thế giới.

Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, Việt Nam xác định phải tập trung phát triển các ngành mang lại giá trị cao, nhất là các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...; mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình để ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

Đánh giá cao chiến lược phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc cho biết từ kinh nghiệm của Hàn Quốc muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn phải có đầu tư lớn và trong thời gian đủ dài.

Hiện nay, các sản phẩm bán dẫn thế hệ cũ đã đạt đỉnh điểm, cần sản xuất bán dẫn thế hệ mới.

Để phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, theo các nhà khoa học Hàn Quốc, Việt Nam phải có đầu tư lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao và phải tập trung tiến hành ngay, với các dự án cụ thể có tính chất đi tắt, đón đầu...

Cùng với tìm hiểu về chiến lược, chính sách phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc đề xuất, Việt Nam cần có cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, cụ thể cho các ngành này.

Ngoài huy động nhân lực tại chỗ, Việt Nam cần huy động trí tuệ, nguồn lực người Việt toàn cầu, cũng như huy động nguồn lực từ các nước, trong đó có Hàn Quốc, như tài nguyên từ những nhà khoa học đã nghỉ hưu.

Với kinh nghiệm, nguồn lực, cơ sở vật chất, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu và sản xuất, Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo bằng những dự án cụ thể...

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các đại biểu; đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc tiếp tục đóng góp ý kiến giúp Việt Nam xây dựng chiến lược, cơ chế chính xác ưu đãi đủ sức cạnh tranh, thu hút đầu tư và nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các ngành liên quan; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh; huy động nguồn lực bao gồm nguồn lực nhà nước, hợp tác công tư, vốn vay ưu đãi để phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trong đó ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những ưu tiên cần đột phá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến thăm này, khi hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, Thủ tướng sẽ đề xuất hai bên ký kết một thỏa thuận hợp tác liên chính phủ về phát triển ngành công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, chiều 1/7, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc nhằm nâng cao chất lượng hợp tác lao động giữa hai nước.

Chuỗi hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Kinh tế-xã hội và lao động Hàn Quốc Kim Moon-soo; Chủ tịch cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc; đặc biệt có hơn 600 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.

Tại diễn đàn, các đại biểu đánh giá, trong hơn 30 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển vượt bậc, trong đó có hợp tác về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Lao động Việt Nam có kỹ năng, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, cơ bản tuân thủ kỷ luật lao động và pháp luật nước sở tại. Người lao động tại Hàn Quốc được chi trả lương thỏa đáng, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội; nhiều người lập gia đình với người Hàn Quốc, sinh sống ổn định, lâu dài và Hàn Quốc thực sự trở thành quê hương thứ hai.

Các đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi nhiều vấn đề, câu chuyện để nâng cao chất lượng hợp tác lao động, qua đó góp phần thúc đẩy, vun đắp quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày một phát triển.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động trước tình cảm chân thành, tin cậy, cách ứng xử thể hiện sự quý trọng, hỗ trợ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đồng thời cho rằng quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Về hợp tác lao động, Thủ tướng cho biết, sau hơn 30 năm hợp tác, có lúc có thăng trầm và đột phá, song cho thấy sự hiện diện của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc là cần thiết, người lao động Việt Nam hài lòng khi làm việc tại Hàn Quốc.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, do đó, hợp tác lao động cần thúc đẩy tương xứng với quan hệ này.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và người dân hai nước giúp người lao động hiện thực hóa ước mơ Hàn Quốc trong quá trình làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc một cách thiết thực, hiệu quả và nhân văn nhất.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Hàn Quốc tiếp tục đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững và mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời, đưa các chuyên gia, nhà quản lý có trình độ cao sang công tác, làm việc tại Việt Nam; tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS), lao động trong ngành đóng tàu, nông nghiệp, thủy sản tàu cá và mở rộng ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu (như công nghệ thông tin, điều dưỡng và dịch vụ…); tăng số lượng trúng tuyển trong các kỳ thi tiếng Hàn; tăng cường các biện pháp đảm bảo người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua các tổ chức, đơn vị có chức năng của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép.

Thủ tướng cũng cho rằng, Hàn Quốc cần tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng của Việt Nam để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; đảm bảo người lao động được hưởng các lợi ích chính đáng của mình, an tâm làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật tại Hàn Quốc; đồng thời, thực hiện tốt Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Chuỗi hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Việt Nam, cùng những ngành nghề truyền thống, cần tuyển dụng và phái cử lao động có kỹ năng, có trình độ ở một số lĩnh vực ngành nghề mà Hàn Quốc có thế mạnh cũng như đang tập trung hướng đến như bán dẫn, xe điện, công nghệ sinh học, xe tự lái...; tích cực phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng phía Hàn Quốc tập trung triển khai thực hiện các cam kết, giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tình hình mới cho xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Thủ tướng nhắc nhở: "Cần giáo dục để người lao động nắm rõ và tuân thủ pháp luật; hiểu biết về văn hóa sở tại để thích ứng với cuộc sống sở tại; có kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ… để làm việc ngày càng hiệu quả.”

Theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, kết nối cung cầu việc làm cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động hồi hương.

Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Thủ tướng yêu cầu các cơ quan của Việt Nam luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người lao động nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp, người lao động Hàn Quốc đầu tư kinh doanh, làm việc, học tập hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.

Nhắc lời dạy của cha ông “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn,” “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn,” “Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn, sắt kia mài mãi cũng còn nên kim,” Thủ tướng căn dặn lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Hàn Quốc trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người dân Hàn Quốc để khi trở về Việt Nam trở thành những doanh nhân giỏi, những người lao động có kỹ năng, những công dân tiêu biểu góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước cũng như mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Hàn Quốc.

Thủ tướng mong muốn lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có ý thức về trách nhiệm đối với chính mình, với gia đình, với xã hội và hai đất nước, chấp hành tốt pháp luật của Hàn Quốc; cần cư xử đúng văn hóa của người Việt Nam đó chính là yêu lao động, yêu hòa bình và cần yêu đất nước Hàn Quốc, coi như quê hương thứ hai của mình; góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế và với các bạn Hàn Quốc.

Thủ tướng chỉ rõ: "Các bạn chính là những chiếc cầu nối hai quốc gia, hai dân tộc hướng đến một tương lai cùng phát triển và cùng thịnh vượng.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc, hợp tác kinh tế, lao động sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới vì sự thịnh vượng chung./.


Hồng Nhung (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ