(Tổ Quốc) - Trong chương trình thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ, ngày 1/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mở cuộc gặp gỡ báo chí chung; Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
Sáng 1/8, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ.
Ngay từ sớm, đội kỵ binh và đội danh dự quân đội Ấn Độ đã chỉnh tề, nghiêm trang sẵn sàng thực hiện các nghi thức đón Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Khi đoàn xe của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới cổng Phủ Tổng thống, Đội kỵ binh ra đón và hộ tống đoàn xe của Thủ tướng Chính phủ vào khu vực Lễ đài.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đợi sẵn và ra tận cửa xe ôtô đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bước lên bục danh dự, dưới Quốc kỳ Việt Nam và Ấn Độ, quốc thiều hai nước được Quân nhạc cử lên.
Quốc thiều hai nước vừa dứt, Đội trưởng Đội Danh dự Quân đội Ấn Độ mời Thủ tướng Chính phủ duyệt Đội Danh dự.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi giới thiệu cho nhau thành phần đoàn của mỗi bên dự lễ đón.
Lễ đón kết thúc trong những cái bắt tay nồng ấm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 1/8, sau lễ đón trọng thể được cử hành tại Phủ Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm thành công hiệu quả.
Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi thân tình của Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Thủ tướng Narendra Modi, lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ, chân thành cảm ơn lãnh đạo Ấn Độ đã gửi lời chia buồn và cử Cố vấn An ninh Quốc gia sang viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo mẫu mực, xuất sắc, suốt đời vì nước, vì dân của Việt Nam.
Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng, chân thành và tin cậy về các nội dung hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh quan hệ Việt Nam và Ấn Độ được bắt nguồn từ lịch sử, được các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp, hai nước cần tiếp tục trân trọng và gìn giữ tình hữu nghị truyền thống bền chặt, tài sản quý giá giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Hai Thủ tướng hài lòng nhận thấy kể từ khi xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016 trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Việt Nam đến nay, quan hệ hai nước đã có những bước tiến vượt bậc, với tin cậy chính trị cao, hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại và đầu tư, văn hóa-giáo dục và giao lưu nhân dân đều đạt thành tựu đáng khích lệ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí củng cố hơn nữa các lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực mới tiềm năng với phương châm "Năm hơn," bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng và an ninh sâu sắc hơn; hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư thực chất và hiệu quả hơn; hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; giao lưu văn hóa, nhân dân kết nối mật thiết hơn.
Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp, các kênh thường xuyên, nhất trí định kỳ hằng năm Thủ tướng hai nước gặp gỡ thông qua chuyến thăm hoặc tiếp xúc tại các hội nghị đa phương; tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy ban Hỗn hợp do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì trong việc rà soát, cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác, đôn đốc triển khai hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2024-2028.
Hai Thủ tướng đánh giá cao việc hai nước đang triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đến năm 2030 (ký năm 2022), nhất trí mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, đẩy mạnh hợp tác về an ninh hàng hải, hợp tác tin cậy về an ninh mạng, trao đổi thông tin tình báo và chống khủng bố.
Ấn Độ nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực cho các lực lượng quốc phòng và an ninh của Việt Nam.
Hai Thủ tướng bày tỏ nhất trí triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại, đầu tư hai chiều tăng gấp đôi so với mức hiện nay vào năm 2030.
Hai bên nhất trí và giao cơ quan hữu quan hai bên thông qua cơ chế hiện có, thường xuyên trao đổi nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại cũng như đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ấn Độ xem xét tích cực đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam về cấp mới/gia hạn giấy chứng nhận Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đề nghị sớm ký Hiệp định về Thương mại điện tử, Hiệp định Thương mại song phương để khai thác tối đa thị trường bán lẻ phù hợp với xu thế mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hai nhà lãnh đạo đề nghị mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và hợp tác về đổi mới sáng tạo, công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm, hợp tác phát triển ngành công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin ở mỗi nước, sớm tiến tới thành lập Diễn đàn Đối tác Số và ký Hiệp định Đối tác số.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, làm sâu sắc các mối giao lưu nhân dân trên cơ sở phát huy những giá trị tương đồng về văn hóa văn minh, lịch sử và tâm linh, trong đó có đạo Phật, yoga.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đề cao các nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Narendra Modi và Chính phủ Ấn Độ đã dành sự tiếp đón nồng hậu, trọng thị và mời Thủ tướng Narendra Modi thăm lại Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mở cuộc gặp gỡ báo chí chung
Chiều 1/8, tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô New Delhi, ngay sau hội đàm thành công tốt đẹp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc gặp gỡ báo chí chung để thông tin về kết quả hội đàm.
Trước đông đảo các phóng viên báo chí Ấn Độ, Việt Nam, quốc tế và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của hai nước; chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi thay mặt người dân Ấn Độ một lần nữa chia buồn với nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điểm lại quá trình phát triển quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, với sự đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Thủ tướng Ấn Độ cho biết trong cuộc hội đàm giữa ông và Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã thảo luận chi tiết, cụ thể, điểm lại kết quả và đề ra phương hướng thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã thống nhất một số chương trình, dự án hợp tác cụ thể như trao đổi thông tin quân sự; hợp tác hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng; rà soát hoàn thiện hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN-Ấn Độ; hỗ trợ thanh toán điện tử; hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế xanh, các lĩnh vực mới nổi; hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, nhất là lĩnh vực bên này có thế mạnh, bên kia có nhu cầu; nỗ lực để kết nối doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; nông nghiệp, ngư nghiệp; văn hóa… Ấn Độ mong đón nhiều hơn nữa người dân Việt Nam hành hương về đất Phật và sang Ấn Độ học tập, nghiên cứu.
Theo Thủ tướng Narendra Modi, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong các thể chế hợp tác quan trọng ở khu vực và toàn cầu; Ấn Độ ủng hộ Việt Nam tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và hoàn tất thủ tục để tham gia Liên minh năng lượng Mặt Trời quốc tế (ISA) do Ấn Độ đề xướng; khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ lần này mở ra chương mới trong quan hệ hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Thủ tướng Narendra Modi cùng các nhà Lãnh đạo và Nhân dân Ấn Độ đã gửi lời chia buồn sâu sắc và cử Cố vấn An ninh Quốc gia đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời chuyển lời chúc sức khỏe, thăm hỏi thân tình của Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới cá nhân Thủ tướng Narendra Modi và các lãnh đạo Ấn Độ.
Cảm ơn sự đón tiếp hết sức chu đáo, trọng thị và thân tình của Thủ tướng Narendra Modi và các bạn Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông và Thủ tướng Narendra Modi vừa có cuộc hội đàm chân thành, tin cậy, nồng ấm, cởi mở, thiết thực, hiệu quả, đạt nhiều nhận thức chung và kết quả quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ngài Narendra Modi, Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) và Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) về thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 18 vừa qua và tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Ngài Narendra Modi trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 liên tiếp, Ấn Độ sẽ đạt được tầm nhìn "Viksit Bharat 2047," thực hiện mục tiêu 100 năm đưa Ấn Độ trở thành nước phát triển vào năm 2047, có vai trò và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đóng góp cho thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới.
Thủ tướng cho biết tại hội đàm, hai bên chia sẻ tầm nhìn chiến lược về thế giới ngày nay, nhất là về những thay đổi chưa từng thấy liên quan đến tự nhiên và phát triển con người. Trong đó, cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, cách thức vận hành của thế giới cũng như hành xử của con người; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu... đang trở thành yêu cầu và xu hướng phát triển tất yếu, khách quan.
Hai bên nhận thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng cũng là nơi cạnh tranh nước lớn xảy ra gay gắt.
Các thách thức an ninh, đặc biệt là an ninh phi truyền thống đan xen ngày càng phức tạp, mang tính toàn cầu, toàn dân và toàn diện. Điều đó đòi hỏi phải có tư duy tổng thể, toàn diện của mỗi quốc gia cũng như sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ của tất cả các quốc gia, với cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông và Thủ tướng Narendra Modi hài lòng ghi nhận những tiến triển và thành quả to lớn đã đạt được trong quan hệ hai nước, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016 đến nay.
Hai bên tái khẳng định sự ưu tiên và coi trọng mà Việt Nam và Ấn Độ dành cho nhau trong chính sách đối ngoại; nhất trí sẽ tiếp tục trân trọng, gìn giữ, củng cố, tăng cường quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ với tư cách là những người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung, cùng sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài lịch sử, hiện tại và trong tương lai; nỗ lực tìm ra điểm đột phá đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới, tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn chiến lược mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hai bên nhận định Việt Nam và Ấn Độ có độ tin cậy chính trị cao; văn hóa-văn minh tương đồng, ý tưởng tương thông; kinh tế bổ trợ; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và còn nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để phù hợp với xu thế chung của thời đại, cũng như phục vụ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước.
Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng cùng các đại biểu cấp cao của hai nước đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm và nhất trí thúc đẩy hợp tác hai nước với phương châm "5 hơn," bao gồm Tin cậy chính trị-chiến lược cao hơn; Hợp tác quốc phòng-an ninh rộng mở hơn, sâu sắc hơn; Tầm nhìn, hành động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn; Hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực mạnh mẽ hơn; Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; thúc đẩy đối thoại hòa bình, xây dựng lòng tin giữa các nước; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nhất trí trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và ấn nút khai trương Công viên phần mềm quân đội tại Nha Trang.
Hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ trao 9 văn kiện hợp tác giữa hai nước và các bộ, ngành cơ quan hai nước. Trong đó, cùng với "Chương trình Hành động Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028" và Công hàm về việc Việt Nam gia nhập Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI), các bộ, ngành, cơ quan hai bên ký kết, trao các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực: pháp luật và tư pháp; phát thanh và truyền hình; tài chính; văn hóa và bảo tồn văn hóa; du lịch; sản xuất cây dược liệu; nông nghiệp; giáo dục, đào tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu
Chiều 1/8, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô New Dehli, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Droupadi Murmu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Ấn Độ đã đạt những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh, phát triển cơ sở hạ tầng, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Tổng thống và Chính phủ Ấn Độ về những lời chia buồn và nghĩa cử xúc động trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Ấn Độ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ quý báu của Ấn Độ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; cảm ơn Ấn Độ trong đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ Việt Nam máy thở, máy tạo ôxy, khẩu trang, Việt Nam cũng tặng một số máy thở và thiết bị y tế cho Ấn Độ, thể hiện hai nước luôn kề vai sát cánh trong những lúc khó khăn.
Việt Nam luôn ủng hộ và mong muốn Ấn Độ phát triển lớn mạnh hơn nữa, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế.
Tổng thống Droupadi Murmu nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Tổng thống Droupadi Murmu bày tỏ vui mừng trong những năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.
Trao đổi đoàn, hợp tác giữa hai nước đã phát triển trên tất cả các cấp, các kênh; các lĩnh vực hợp tác đều có bước tiến vượt bậc.
Tổng thống Droupadi Murmu đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi, đặc biệt là việc hai bên thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác trên cơ sở "Năm hơn." Tổng thống tin tưởng những văn kiện ký kết nhân dịp này sẽ được hai bên tích cực triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị Tổng thống Droupadi Murmu tiếp tục quan tâm, ủng hộ cho quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, nhất là hợp tác về quốc phòng, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các gói tín dụng ưu đãi, đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực, khuyến khích triển khai các biện pháp nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi thương mại, đầu tư, du lịch hai chiều từ nay đến năm 2030, tăng thêm tần suất các chuyến bay thẳng để góp phần thúc đẩy giao lưu giữa người dân và các địa phương hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Chủ tịch nước Tô Lâm mời Tổng thống Droupadi Murmu thu xếp thăm Việt Nam trong thời gian tới./.