• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba

Thế giới 18/12/2014 22:50

(Toquoc)- Một trong những chương cuối cùng của Chiến tranh Lạnh có thể đang khép lại.

(Toquoc)- Một trong những chương cuối cùng của Chiến tranh Lạnh có thể đang khép lại.

Mỹ và Cuba ngày 17/12 đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao sau 53 năm gián đoạn. Tổng thống Mỹ cho biết: “Những gì diễn ra trong hơn 50 năm qua cho thấy việc cấm vận không hiệu quả. Đã đến lúc phải có một cách tiếp cận mới”.

Tổng thống Cuba Raul Castro đã khẳng định sự sẵn lòng của chính phủ Cuba cho đối thoại về những khác biệt sâu sắc giữa hai nước, “đặc biệt về những vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại”.

Từ năm 1960, Washington đã áp đặt một lệnh cấm vận về kinh tế, thương mại và chính trị lên Cuba và hai nước không có quan hệ ngoại giao sau 1961. Đến năm 1966, quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt với những công ty nước ngoài muốn hoạt động tại Cuba.

Theo Reuters, quyết đinh bình thường hóa quan hệ được đưa ra sau 18 tháng đối thoại bí mật liên tục giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.  Các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Cuba về bình thường hóa quan hệ đã bắt đầu từ tháng 6/2013 và được Canada cùng Vatican làm trung gian. Đặc biệt, sự thiện chí giữa hai nước sau việc Cuba thả Alan Gross, 65 tuổi người Mỹ bị giam giữ tại Cuba trong 5 năm qua vì nhập công nghệ vệ tinh vào nước này cùng một nhân viên tình báo của Mỹ bị giam giữ trong 20 năm. Và Mỹ cũng thả tự do cho ba nhân viên tình báo người Cuba, trong nhóm "5 người Cuba" từng tìm cách thâm nhập các căn cứ quân sự của Mỹ cũng như do thám người Cuba sống lưu vong tại Florida.



Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro trước khi đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hồi tháng 12/2013

Nối lại quan hệ trên nhiều lĩnh vực

Trong vài tháng tới, chính phủ Mỹ sẽ mở đại sứ quán tại Hanava, thủ đô của Cuba, đồng thời tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước. Ông Obama đã cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ chỉ đạo các nỗ lực tái thiết lập quan hệ giữa hai nước. Ngoại trưởng Kerry cũng bày tỏ mong muốn trở thành  “ngoại trưởng đầu tiên của nhà nước trong 60 năm tới thăm Cuba. Mở đầu cho tiến trình bình thường hóa quan hệ, ông Roberta S. Jacobson, trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Tây bán cầu sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong chuyến viếng thăm chính thức đến Cuba vào tháng 1/2015. Và vào năm tới, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Mỹ, có sự tham dự của ông Castro.

Chính quyền Mỹ sẽ nới lỏng các hạn chế ở một số lĩnh vực thương mại, du lịch và ngân hàng. Hàng xuất khẩu của Mỹ sang Cuba sẽ được mở rộng. Theo đó, các công ty Mỹ có thể bán cho Cuba các mặt hàng gồm vật liệu xây dựng nhà riêng, thiết bị nông nghiệp. Công dân Mỹ đi du lịch tới Cuba cũng sẽ được phép mang đến 400 USD giá trị hàng hóa, trong đó có tới 100 USD giá trị của rượu và thuốc lá. Lượng kiều hối sẽ được tăng lên gấp 4 lần đạt 2.000 USD/người/ quý (của người dân Cuba tại Mỹ gửi về nước). Các giao dịch tài chính sẽ được tạo điều kiện. Các tổ chức của Mỹ sẽ được phép mở tài khoản ở ngân hàng Cuba và du khách Mỹ sẽ được phép sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ ở Cuba.

Các công ty viễn thông của Mỹ cũng sẽ được phép thiết lập các cửa hàng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cuba; cho phép xuất khẩu phần cứng viễn thông, phần mềm và dịch vụ nhằm tăng khả năng truy cập internet. Mỹ cũng sẽ tăng diện người được phép du lịch đến Cuba, không còn hạn chế ở diện nhà báo, học giả, quan chức chính phủ và những người có gia đình ở Cuba. Sắp tới sẽ có thêm nhà báo tự do, những người tham gia biểu diễn công cộng, các công nhân kỹ thuật…

Chính quyền Mỹ cũng đang xem xét lại việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho hoạt động khủng bố. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC, ông Obama cho rằng: “Vấn đề chính ở đây là sử dụng danh sách đó dựa trên thực tế, chứ không dựa trên ý thức hệ. Nếu, trong thực tế, Cuba không tài trợ hay xúi giục các tổ chức khủng bố, thì họ cần phải được đưa khỏi danh sách này”.

Các quan chức Mỹ cho rằng, dù hai nước vẫn còn nhiều khác biệt về dân chủ, nhân quyền, nhưng sẽ hợp tác về các vấn đề như di cư, chống khủng bố diệt trừ dịch bệnh Ebola. Chủ tịch Raul Castro, trong một  tuyên bố trên truyền hình, cho biết Cuba hết sức cởi mở để đối thoại với Mỹ về dân chủ và nhân quyền, vấn đề mà các quan chức Mỹ coi là mối quan tâm hàng đầu trong khi Havana đang tìm kiếm sự dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ.

“Rung chuyển trật tự thế giới”

Sự lắng dịu trong quan hệ với Cuba, điều mà ông Obama đã cam kết theo đuổi từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008 có thể làm rung chuyển trật tự thế giới. Việc nối lại quan hệ ngoại giao của Mỹ đối với Cuba là một động thái nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với các quốc gia khác trong khu vực còn lại của châu lục, đặc biệt trước sự can dự gia tăng của Nga, Trung Quốc, Iran hay “địch thủ” của Mỹ trong khu vực như Venezuela. Caracas đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế do sự sụt giảm gần đây của giá dầu. Các nhà phân tích nói rằng khả năng mất nguồn viện trợ từ Venezuela có thể là một nguyên nhân khiến Cuba đẩy mạnh việc nối lại quan hệ với Mỹ. Với thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Cuba, Venezuela có thể mất một đối tác quan trọng trong nỗ lực chống lại các chính sách của Mỹ.

Tổng thống Nga Putin cũng được mong đợi sẽ đặc biệt cảnh giác với sự xích lại giữa Washington và Havana. Cuba từ lâu đã là đồng minh thân cận nhất của điện Kremlin Tây bán cầu và ông Putin sẽ không dễ dàng đánh mất mối quan hệ nồng ấm với các nước vùng Caribbean. “Việc nối lại quan hệ với Cuba hạn chế những lựa chọn của Moscow ở Mỹ Latin và tiếp tục chứng tỏ rằng Mỹ có thể mối quan hệ tốt với các đồng minh truyền thống của Nga, Dimitri Simes, Chủ tịch Trung tâmLợi ích quốc gia” của Mỹ cho biết.

Các quan chức Mỹ cũng hy vọng mối quan hệ mới với Cuba sẽ trợ giúp các nỗ lực của Nhà Trắng trong việc kí kết một thỏa thuận với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này bằng cách thuyết phục Tehran rằng Mỹ rất nghiêm túc về thực hiện  thỏa thuận. “Thông điệp mà Tổng thống gửi đến được lặp lại nhiều lần rằng ông Obama đã sẵn sàng để xích lại với những đối thủ lâu năm của Mỹ”, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ngày 17/12, chỉ thêm rằng “ông Obama đã chuẩn bị để thực hết hết các cam kết.”

Còn nhiều chông gai

Cánh cửa trong quan hệ hai nước không được mở ra hoàn toàn khi lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Cuba trong hơn 50 năm qua đã được luật hóa cũng sẽ không được chấm dứt. Lệnh cấm vận đối với Cuba đã được ban hành trong đạo luật Helms-Burton năm 1996 nhằm cấm các công ty Mỹ làm ăn với Cuba và cấm người Mỹ tới thăm nước này. Khi đã được ban hành như luật, chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền thay đổi. Song sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa ở cả Thượng viện Và Hạ viện sẽ khiến cơ hội dỡ bỏ trừng phạt đối với Cuba gần như bằng không.

Chủ tịch hạ viện Mỹ John Boehner cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ, gọi đó là “một việc nữa trong một chuỗi hành động thiếu suy nghĩ của ông Obama”. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người dự kiến được bổ nhiệm như trưởng ban phân bổ và giám sát các hoạt động nước ngoài cho biết hôm thứ tư rằng: “Ông sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để ngăn chặn việc sử dụng các nguồn vốn để mở sứ quán tại Cuba. Quan hệ bình thường với Cuba một ý tưởng tồi tại một thời điểm xấu. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một đảng viên Cộng hòa gốc Cuba cho biết ông cam kết sẽ làm hết sức mình để phá hoại kế hoạch đó. Khi được hỏi Quốc hội sẽ hành động ra sao đối với việc dỡ bỏ hạn chế kinh tế kéo dài nửa thế kỉ qua đối với Cuba, ông Rubio nhấn mạnh: “Quốc hội sẽ không đời nào dỡ bỏ cấm vận”.

Con đường để hai nước có thể bình thường hóa quan hệ hoàn toàn hiện vẫn còn quá nhiều chông gai, nhất là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế mà ông Obama đã “mạnh miệng” tuyên bố “sẽ làm bằng được” trước khi rời Nhà Trắng

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ