(Tổ Quốc) - Sáng 27/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Trong 2 năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em. Đến nay, 63/63 tỉnh thành đều có kế hoạch (đề án) Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuuối nước hoặc triển khai Chương trình, phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn. Đặc biệt, các kế hoạch (đề án) năm 2018 của các tỉnh/ thành đã được tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước và huy động được các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn, tổ chức dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu tập luyện môn bơi của trẻ em.
Toàn cảnh hội nghị
Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của trẻ em, các bậc phụ huynh và cộng đồng về vai trò tác dụng của việc học bơi và học kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước để đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe và phòng một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc thể lực thế hệ trẻ Việt Nam.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp trong việc tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng tài liệu hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật môn bơi, tập trung việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy trẻ em học bơi phòng, chống tai nạn đuối nước giúp trẻ em yêu thích môn bơi, tích cực, tự giác tham gia học môn bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi Hội nghị
Năm 2018, số bể bơi được xây lắp tại các địa phương tăng nhanh so với năm 2016 khoảng 1000 bể, hồ các loại. Các địa phương có nhiều bể bơi như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bến Tre, Đồng Tháp…Tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi trong 2 năm tăng nhanh, tỷ lệ đuối nước trẻ em năm 2017 và năm 2018 giảm rõ rệt từ con số khoảng 2200 trẻ em giảm dần xuống khoảng 2000 trẻ em trong độ tuổi dưới 16 trong năm 2017, con số này tiếp tục giảm trong năm 2017.
Tiến đến năm 2020, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2017-2018, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu triển khai Chương trình đến năm 2020 trên 4 mặt gồm: Đạt 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em; Phán đấu 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Đảm bảo 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật và giảm trên 6% số trẻ em tử vong do tại nạn đuối nước so với năm 2015.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: "Bơi lội không chỉ là một môn thể thao có tác dụng rèn luyện thể chất mà còn trang bị kiến thức, kĩ năng sống cho con người. Thông qua Hội nghị, tôi rất ấn tượng về những kết quả đã đạt được khi số lượng trẻ em đuối nước giảm tương đối rõ rệt, cơ sở vật chất được tăng lên, ý thức nhận thức của xã hội được nâng cao, công tác triển khai được rộng khắp. Tôi đề nghị, sau Hội nghị này, không chỉ ngành Giáo dục, ngành Thể thao mà toàn xã hội cần vào cuộc. Tôi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu đến 2020 thì 40% học sinh có kỹ năng bơi lội và giảm 6% số trẻ em tử vong do tại nạn đuối nước".
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Khánh Hải trao tặng Bằng khen, Giấy khen cho những cá nhân, tập thể xuất sắc
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trao tặng Giấy khen cho 20 tập thể và 17 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã trao tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020.