• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình đường sắt cao tốc Trung Quốc thua lỗ nặng

Thế giới 07/03/2011 16:40

(Toquoc)-Trung Quốc có thể sẽ phải điều chỉnh các kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc đầy tham vọng của mình do hoạt động thua lỗ kém hiệu quả kinh tế.

(Toquoc)-Các dự án đường sắt cao tốc phát triển quá nhanh đã mang đến những khoản nợ khổng lồ cho Bộ Đường sắt Trung Quốc. Bộ trưởng bộ này vừa bị cách chức tuần trước dấy lên nghi ngờ việc các kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc sẽ phải điều chỉnh lại.

Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn thông tin từ Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến năm 2009, Bộ Đường sắt nước này gánh khoản nợ 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, trong đó 854,8 tỷ Nhân dân tệ là nợ ngắn hạn và 448,6 tỷ Nhân dân tệ là nợ dài hạn.

Tờ báo dẫn lời ông Zhao Jian, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, số nợ trên “giờ đã lên tới ít nhất 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ”, tương đương trên 303 tỷ USD, chưa kể tiền lãi.

Theo các chuyên gia, số nợ trên là thiếu bền vững, ngay cả đối với một chính phủ đã quá quen với những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ như Chính phủ Trung Quốc, xét tới các việc các tuyến đường sắt cao tốc của nước này đang gặp khó trong vấn đề tạo ra lợi nhuận.

Số liệu của Bộ Đường sắt Trung Quốc cho thấy, tính tới tháng 11 năm ngoái, hệ thống đường sắt cao tốc của nước này đã đạt tổng chiều dài 7.531 km. Đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng hệ thống này lên 16.000 km.

Tuy nhiên, hiện còn chưa rõ nhu cầu đi lại bằng đường sắt cao tốc của người dân Trung Quốc có tới mức đủ lớn cho nguồn cung trên. Đại diện tại Bắc Kinh của một công ty sản xuất tàu cao tốc nước ngoài đã chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc cho biết, trên nhiều tuyến đường sắt cao tốc, chẳng hạn như tuyến Quảng Châu-Vũ Hán, nhiều chuyến tàu gần như không có hành khách.

Bởi vậy, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh tính thực tế của các dự án tàu cao tốc tại Trung Quốc. Trong đó, có không ít ý kiến cho rằng, những dự án này không đem lại lợi ích cho người dân, chủ yếu vì mức giá vé cao.

Giá vé tàu cao tốc trọn tuyến Vũ Hán-Quảng Châu là 469 Nhân dân tệ, tương đương 70 USD. Mức giá này ngang với giá vé máy bay cùng tuyến đặt trước 1 tuần, và cao gấp đôi giá tàu thông thường cùng tuyến có giường mềm loại đắt nhất. Đó là lý do vì sao nhiều người Trung Quốc xem tàu cao tốc là “tàu của giới cổ cồn trắng” chứ không phải là dịch vụ dành cho người lao động bình dân.

Trao đổi với tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Zhao thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, số tiền mà Chính phủ Trung Quốc đổ vào các dự án đường sắt cao tốc “có thể được sử dụng để xây dựng các tuyến đường sắt thông thường để đạt hiệu quả chi phí cao hơn trong việc giảm bớt áp lực về giao thông”.

Nguy cơ tham nhũng

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) số ra mới đây cho rằng đối với Bắc Kinh, việc thúc đẩy chương trình đầu tư lớn chưa từng có 3.500 tỷ nhân dân tệ (gần 530 tỷ USD) nhằm xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc toàn quốc kéo theo nguy cơ tham nhũng diện rộng và nghiêm trọng.

Tuần trước, Bộ trưởng bộ Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân bị cách chức vì những cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng. Truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Lưu đã nhận hối lộ lên đến hàng triệu Nhân dân tệ. Nếu các thông tin trên được chứng minh là đúng thì ông Lưu sẽ phải nhận án tù nặng.

Ông Lưu Chí Quân nhậm chức Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc năm 2003 với niềm tin rằng hệ thống tàu cao tốc Trung Quốc sẽ vượt mặt các tàu cao tốc vốn rất nổi tiếng của Nhật Bản.

Kể từ đó, ông Lưu đã ủng hộ việc đầu tư mạnh mẽ vào một mạng lưới tàu cao tốc khiến thế giới phải ghen tị, thậm chí Mỹ giờ cũng đang phải nỗ lực để theo kịp.

Nhưng hãng tin Xinhua hôm 12/2 đưa tin, ông Lưu đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Cũng theo nguồn tin này, ông Lưu đã bị cách chức Bí thư của Đảng bộ đường sắt.

Thông tin chi tiết về các cáo buộc chống lại ông không được công bố, nhưng ông Sheng Guangzu, 62 tuổi, người đứng đầu ngành Hải quan Trung Quốc, đã được bổ nhiệm để thay thế ông Lưu.

Báo New York Times cũng cho biết gia đình ông Lưu đã nhiều lần bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Năm 2006, em trai ông Lưu đã bị một tòa án ở tình Hồ Bắc kết án tử hình vì thuê người ám sát một người đàn ông cáo buộc ông này tội tham nhũng. Em trai ông Lưu, từng là giám đốc cục đường sát thành phố Vũ Hán, cũng bị buộc tội nhận hối lộ và lạm dụng công quỹ gần 5 triệu USD trong thời gian 9 năm.

Bắc Kinh khẳng định việc cách chức người đứng đầu Bộ Đường sắt sẽ không làm chậm tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Nhưng với những số liệu mới được tiết lộ về khoản nợ công khổng lồ mà những dự án này mang lại giới phân tích nhận định có thể Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh những dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng của mình./.

PV (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ