(Tổ Quốc) - Ngày 28/11, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề "Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống thông qua di sản ở bảo tàng, di tích" do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức.
Chương trình giáo dục di sản còn hạn chế
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại tọa đàm, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết: Ngày nay, giáo dục gắn với sự tham gia của cộng đồng được coi là nhiệm vụ quan trọng của một bảo tàng hiện đại: "Sưu tập hiện vật, trưng bày và các chương trình giáo dục được coi là cốt lõi của một bảo tàng", thậm chí: "Giáo dục là một trong những chức năng quan trọng của bảo tàng và là lý do để bảo tàng tồn tại". Bảo tàng phải cùng với các thiết chế giáo dục khác tạo ra cơ hội học tập suốt đời (lifelong learning) cho mọi cá nhân, nơi nuôi dưỡng tri thức và khuyến khích sáng tạo.
Chính vì thế, ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều bảo tàng, di tích, trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng nỗ lực, nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng các quan điểm, phương pháp giáo dục, trải nghiệm mới vào trong các chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa nhằm đem đến và cung cấp các cơ hội học tập, khám phá, trải nghiệm cho công chúng; đưa bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng và thu hút công chúng đến với bảo tàng.
"Để nâng cao hiệu quả, chất lượng các chương trình/hoạt động giáo dục của bảo tàng, di tích hơn nữa, chúng tôi tổ chức tọa đàm này với mong muốn chia sẻ những phương pháp, kinh nghiệm hay, bài học quý về công tác giáo dục di sản đã và đang được thực hiện ở các bảo tàng, di tích trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, góp phần định hướng và hỗ trợ các bảo tàng xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển hoạt động giáo dục di sản phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tàng, di tích và thu hút công chúng" – bà Nguyễn Thị Thu Hoan nói.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và làm rõ một số vấn đề chính như: Các quan điểm mới và cách tiếp cận, phương pháp giáo dục di sản; Hoạt động giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích Việt Nam; Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích.
Chia sẻ về chương trình hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục, Truyền thông Bảo tàng Sơn La Ths Nguyễn Thị Ngọc Tú cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giáo dục trải nghiệm trong các bảo tàng là một sự kiện tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng giúp cho học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức ngoài trường học, rèn luyện kỹ năng mềm trong thực tế, trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục, trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Sơn La với công chúng
Tuy nhiên, công tác xây dựng chương trình hoạt động trải nghiệm ở Bảo tàng tỉnh Sơn La còn nhiều hạn chế. Bảo tàng chưa tổ chức được các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh, sinh viên giao lưu với các nhân chứng lịch sử, hoạt động này nhiều bảo tàng, di tích trên cả nước đã thực hiện và thực hiện rất thành công, có nhiều sáng tạo. Các hoạt động tương tác sử dụng công nghệ hiện đại trên các thiết bị công nghệ cao, Bảo tàng tỉnh Sơn La chưa triển khai áp dụng. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Sơn La chưa thực hiện các chương trình tương tác, trải nghiệm cho đối tượng là gia đình, nhóm gia đình có con trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Trong khi nhu cầu hưởng thụ tỉ lệ thuận chất lượng đời sống được nâng cao, các gia đình có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần, các hoạt động tham quan, du lịch được đầu tư.
Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ths. Phạm Thị Mai Thủy cho biết: Các chương trình, hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay được tổ chức thường xuyên trong năm (cả 3 tháng hè) với số lượng trung bình 400 chương trình/năm), phục vụ đối tượng chính là học sinh - sinh viên. Dù vậy, cơ sở vật chất, không gian, diện tích trong nhà để tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế: Chỉ có duy nhất một không gian chuyên biệt là Phòng Khám phá - Sáng tạo với diện tích khiêm tốn vẻn vẹn chưa đầy 25m2, dẫn đến việc Bảo tàng không đáp ứng đủ nhu cầu của công chúng - tổ chức được nhiều chương trình trải nghiệm trong cùng một thời điểm.
"Đặc biệt, về tài liệu giáo dục, dù nhận thức được tầm quan trọng, tác dụng và ý nghĩa của các bộ tài liệu giáo dục gắn với từng chương trình giáo dục, trải nghiệm của Bảo tàng nhưng thời gian qua việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các bộ tài liệu giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu mới chỉ dừng ở hình thức phiếu câu hỏi, phiếu khám phá. Chưa có được những bộ tài liệu giáo dục được đầu tư bài bản cả về nội dung, ý tưởng lẫn thiết kế" – Ths. Phạm Thị Mai Thủy cho biết thêm.
Cần thay đổi phương pháp tiếp cận
Trước thực trạng đó, Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng và Di sản Tư liệu, Cục Di sản văn hóa Ths. Nguyễn Hải Ninh cho rằng, để thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động trải nghiệm của bảo tàng thì cần phải thay đổi cách tiếp cận, áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục di sản.
Bởi trong xu hướng hiện đại ngày nay, các bảo tàng ngày càng áp dụng hiệu quả phương pháp tiếp cận đa ngành trong các hoạt động của mình. Phương pháp này sẽ giúp bảo tàng tạo ra các trải nghiệm giáo dục đa dạng và phong phú cho học sinh và cộng đồng. Trong tương lai, phương pháp tiếp cận đa ngành cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các bảo tàng ở Việt Nam trong việc bảo tồn và tôn trọng di sản văn hóa.
Để áp dụng hiệu quả phương pháp tiếp cận đa ngành trong hoạt động giáo dục của bảo tàng, Ths. Nguyễn Hải Ninh đề xuất: "Các bảo tàng cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Cung cấp chương trình đào tạo và phát triển chuyên nghiệp để giúp giáo viên và nhân viên bảo tàng hiểu rõ về phương pháp tiếp cận đa ngành và cách áp dụng nó một cách hiệu quả trong hoạt động giáo dục. Tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào quá trình thiết kế, thực hiện các chương trình giáo dục di sản văn hóa và đánh giá hoạt động. Cộng đồng có thể cung cấp ý kiến, góp ý và tham gia vào việc thiết kế và triển khai các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, cần sử dụng công nghệ để tạo ra các tài liệu giáo dục và tài nguyên trực tuyến đa dạng".
Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng Giáo dục- Truyền thông, Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà phải khẳng định rằng, môi trường học tập là các điểm di sản cho phép những trải nghiệm học tập mới mẻ, đa dạng, giúp phát triển học tập toàn diện và còn tiếp tục kéo dài sau những trải nghiệm cụ thể tại các điểm di sản. Tuy nhiên để các bảo tàng, di tích, khu di sản thực sự trở thành địa điểm học tập trải nghiệm thú vị cho thế hệ trẻ, yêu cầu các chương trình giáo dục di sản cần phải được xây dựng bài bản, có phương pháp và theo các phương pháp tiếp cận mới./.