(Tổ Quốc) - Sáng ngày 7/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch".
- 31.08.2020 Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh - những địa chỉ thiêng liêng tiếp tục là nơi "giữ lửa" và "truyền lửa" cho các thế hệ
- 30.07.2020 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức gặp mặt, trao tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã có đóng góp trong công tác tu bổ, bảo quản di tích
- 12.06.2020 Tọa đàm khoa học: “Nghiên cứu hiện trạng, đề xuất giải pháp cho cây Hoàng Lan trong Khu di tích Phủ Chủ tịch”
- 12.05.2020 Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
- 30.12.2017 Khu di tích Hồ Chí Minh cần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt Khu Di tích Phủ Chủ tịch) cho biết: Nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch ngày càng sâu rộng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0; được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện theo Quyết định số 2502/BVHTTDL-KHCNMT ngày 16/7/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giao Khu di tích Phủ Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ với đề tài khoa học:"Ứng dụng công nghệ xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch".
Trong khuôn khổ thực hiện của đề tài, Khu Di tích Phủ Chủ tịch phối hợp và có sự tham vấn của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch". Ứng dụng công nghệ xây dựng các chương trình giáo dục là vấn đề rất mới đối với các bảo tàng và di tích ở Việt Nam. Trong không gian di tích lịch sử văn hóa Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch mong muốn các nhà khoa học, các cán bộ quản lý văn hóa, các nhà giáo và các bạn đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề lý luận và thực tiễn sau: Di sản Hồ Chí Minh và giáo dục thế hệ trẻ; Hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và Khu di tích.
Hội thảo mong muốn nhận được nhiều báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa, các nhà quản lý giáo dục và đào tạo, cán bộ ngành bảo tàng, di tích. Từ những ý kiến đóng góp và sáng kiến tại Hội thảo, Khu Di tích sẽ bước đầu xây dựng chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao "chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh"- bà Lê Thị Phượng chia sẻ.
25 tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: Di sản Hồ Chí Minh và giáo dục thế hệ trẻ; Hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và Khu di tích.
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng thanh niên. Trong nhiều bài nói hoặc trong thư, Người nhận xét: "Thanh niên ta nói chung rất hăng hái, xung phong, hấp thụ cái mới rất nhanh". "Thanh niên có nhiều sáng kiến hay, gây những phong trào có ích và lúc đầu rất sôi nổi… Nhưng phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực. Không nên chỉ có hình thức, càng không nên có "đầu voi, đuôi chuột". "Trong sản xuất, thanh niên đều hăng hái, nhưng chưa biết nắm chặt lấy chỉ tiêu kế hoạch…". "Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn"… Trong việc đánh giá thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mặt mạnh của thanh niên là hăng hái, dễ hấp thụ và say sưa với cái mới, chuộng chân lý, sống có lý tưởng, nhưng cũng có những hạn chế là dễ có chủ nghĩa tự do, chủ quan, dễ bị ảnh hưởng những tư tưởng và hành vi đạo đức không tốt vẫn còn rơi rớt lại từ xã hội cũ.
Từ việc đánh giá đúng bản chất anh hùng và khả năng cách mạng của thanh niên, từ việc nhìn rõ những ưu điểm và hạn chế của thanh niên và từ tình cảm bao la trìu mến đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đặt niềm tin vào thanh niên, tạo mọi điều kiện cho thanh niên phấn đấu, tu dưỡng và phát huy mọi khả năng tiềm tàng của mình. Tin tưởng vào bản chất và sức mạnh của thanh niên nhưng phải giáo dục để họ trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải được giáo dục vừa "hồng", vừa "chuyên". Người căn dặn: Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có máy móc, có kỹ thuật, có văn hoá... thanh niên phải học và học cho giỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường khi giảng dạy phải coi trọng các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các môn kỹ thuật để khi ra trường các em có kiến thức toàn diện tham gia vào sự nghiệp xây dựng nước nhà. Phải giáo dục thế hệ trẻ tình yêu lao động, quý trọng người lao động, có thái độ trân trọng đối với người lao động.
ThS Cù Thị Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch cho rằng, ngày nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch không chỉ là di sản- chủ thể văn hóa mà còn là đối tượng, phương tiện thực hiện các hoạt động giáo dục di sản, hoạt động ngoại giao văn hóa. Nhất là từ khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành "địa chỉ đỏ", "một trường học lớn" cho các trường học, các cơ quan đoàn thể, quần chúng đến nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động. Đây là một trong những "kênh" tạo nên "sức mạnh mềm" góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời Khu di tích Phủ Chủ tịch còn là nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Công tác tuyên truyền lan tỏa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng được đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các hoạt động phong phú đem lại hiệu quả thiết thực.
ThS Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Với giá trị và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành một "địa chỉ đỏ", một "trường học thực tiễn" sinh động, có sức hấp dẫn và lan tỏa để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho học sinh sinh viên.
Hàng năm, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đón hàng trăm đoàn khách trong nước đến tham quan và học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều đoàn là học sinh, sinh viên. Theo thống kê trong 5 năm gần đây, riêng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại Khu Di tích đã có 645.659 lượt người. Trong đó, có 577 đoàn với 101.461 được nghe giới thiệu về Khu Di tích.
Khu Di tích đã chủ động phối hợp với các nhà trường, học viện nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Khu Di tích trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh, sinh viên. Không ngừng nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền gắn liền với việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đối tượng học sinh, sinh viên. Quan tâm, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Đồng thời đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các phương pháp hiện đại vào công tác, nâng cao năng lực thích ứng với yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo hiện đại.
Thực tế chứng minh, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn và có đời sống văn hóa, tinh thần trên không gian mạng khá phong phú, đa chiều bởi khả năng tiếp nhận thông tin nhanh chóng, nhạy bén với công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số hóa, mạng xã hội và các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với việc tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Trong những năm qua, bên cạnh phương thức thuyết minh truyền thống, Khu di tích ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nhiều chuyên đề nói chuyện tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước; nâng cấp hệ thống website, tiến hành xây dựng chương trình giáo dục di sản dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; xây dựng được các tour tham quan ảo để phục vụ du khách trong nước và quốc tế không có điều kiện đến thăm trực tiếp… Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, quảng bá Khu Di tích cũng như những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ nước nhà./.