• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật

Văn hoá 27/08/2023 23:32

(Tổ Quốc) - Tối 27.8, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc. Chương trình là hoạt động mở màn cho các sự kiện của Bộ VHTTDL kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945- 28.8.2023) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2023).

Tham dự Chương trình có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí Thư thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lại Xuân Lâm; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết; Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương cùng đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương...

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc là sự kiện mở đầu cho Chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19.8.1945 - 19.8.2023); Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2023) và 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945- 28.8.2023) gồm 3 hoạt động lớn đó là: Chương trình nghệ thuật "Giai điệu Tổ quốc" (diễn ra tối 27/8 tại Nhà hát Âu Cơ) truyền hình trực tiếp trên VTV1; Hội nghị cán bộ Văn hóa toàn quốc (diễn ra sáng 28.8 tại trụ sở Bộ VHTTDL); Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 (diễn ra chiều 28.8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội).

Bao quát và xuyên suốt Giai điệu Tổ quốc là ngợi ca Đảng quang vinh và tình yêu quê hương, đất nước, nêu bật ý nghĩa "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những thành tựu đất nước, trong đó có thành tựu của ngành Văn hóa, tôn vinh những hình tượng văn hóa nghệ thuật, những tấm gương tiêu biểu của ngành thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.

Phát biểu khai mạc Chương trình, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc cùng với các hoạt động Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc và Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc nằm trong chuỗi sự kiện cấp quốc gia kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống Ngành Văn hóa (28.8.1945 – 28.8.2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2023); nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021.

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Chương trình

"Chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc hôm nay sẽ là những hình ảnh, giai điệu, vũ khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, đặc biệt ca ngợi truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn đời của dân tộc ta; từ đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa, hướng tới hội nhập và phát triển trong tương lai được các nghệ sĩ thể hiện sẽ góp phần khẳng định và nêu bật vai trò Lãnh đạo của Đảng quang vinh, của Bác Hồ kính yêu đối với dân tộc nói chung và với Văn hóa nói riêng"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Bộ VHTTDL hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chung tay đồng hành của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân đối với sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam.

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 2.

Giai điệu Tổ quốc là những hình ảnh, giai điệu, vũ khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Sau phần lễ, Chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc với chủ đề bao quát và xuyên suốt là ngợi ca Đảng quang vinh và tình yêu quê hương, đất nước, nêu bật ý nghĩa "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Trong mọi chặng đường lịch sử gian lao mà hào hùng, đau thương mà ngời sáng của Tổ quốc, văn hóa vẫn luôn đồng hành cùng muôn triệu trái tim, cùng đất nước gan góc đứng lên, cùng Đảng vinh quang chèo lái dân tộc vững bước đi lên.

Chương trình nghệ thuật với sự tham gia của: NSND Quang Thọ, NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Đức Long, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Phương Thảo, NSƯT Trường Bắc, NSƯT Hoàng Tùng, các ca sĩ: Lan Anh, Vũ Thắng Lợi, Phương Thanh, Hồng Duyên, Lê Anh Dũng, Tiến Hưng, Ngọc Hà, Tố Loan, Vương Long, Kiều Minh, Vân Anh, Thu Hương, Vũ Hương, Kiều Oanh, Nhóm Phương Bắc, Nhóm Thăng Long, Nhóm Pha Lê...và những ca khúc đi cùng năm tháng ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi đất nước với truyền thống văn hóa ngàn năm đầy tự hào.

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 3.

NSND Quang Thọ gây ấn tượng với chất giọng vang, khỏe đầy nội lực ở tuổi gần 80.

Giai điệu Tổ quốc gồm 3 chương: Chương I: Bình minh đất Việt; Chương II: Đất nước: Chương III: Sắc màu hội tụ, tỏa sáng.

Chương I: Bình minh đất Việt với hoạt cảnh múa "Tình đất"; liên khúc hát múa "Vọng lời ru", "Ngàn đời mẹ Âu Cơ" hoạt cảnh phức hợp "Tre Việt", tiết mục múa "Tầm Vông"; hát múa "Hồn thiêng đất Việt" qua sự thể hiện của tập thể múa, NSƯT Phạm Phương Thảo, Tiến Hưng và các ca sĩ trẻ làm nổi bật lên chủ đề: Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh, để không ngừng phát triển và lớn mạnh, viết nên những trang sử hào hùng bởi tính kiên cường trong hoạn nạn, bởi khí phách hào hùng trong giữ nước và dựng nước.

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 4.

Chương trình đem đến nhiều tiết mục vũ đạo, xiếc đầy kỹ thuật và đẹp mắt

Các tác phẩm đưa khán giả trở về nguồn cội truyền thống Văn hóa ngàn đời của người Việt từ thời Văn Lang- Âu Lạc là một trong những biểu tượng lớn nhất của dân tộc Việt Nam, phản ánh đầy đủ những giá trị nhân văn sâu sắc. Cũng từ "Nguồn cội" Văn Lang - Âu Lạc hình thành sợi dây thắt chặt sự đoàn kết trong mỗi cộng đồng, là biểu trưng của dân tộc Việt Nam về văn hóa, là sự tập trung những tinh túy về bản lĩnh trí tuệ của dân tộc.

Chủ đề chính của chương II- Đất nước là ca ngợi Đảng, Bác Hồ và Ngày Quốc khánh 2/9. Với các tác phẩm: "Lá Cờ Đảng"; liên khúc "19 tháng 8", "Mùa thu nhớ tiếng Bác"; tiết mục "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", "Biển hát chiều nay"; liên khúc "Giai điệu Tổ quốc", "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ"... qua sự thể hiện của NSND Quang Thọ, NSDN Thái Bảo, NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Hoàng Tùng, các ca sĩ Vũ Thắng Lợi, Thu Thủy, Mỹ Dung, Minh Hương...

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 6.

Tiết mục biểu diễn của Phạm Phương Thảo cùng phần múa minh họa đẹp mắt

Trong mọi chặng đường lịch sử hào hùng, ngời sáng của Tổ quốc, văn hóa luôn đồng hành cùng muôn triệu trái tim, cùng đất nước gan góc đứng lên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng vinh quang, dân tộc ta với những truyền thống văn hóa tốt đẹp được hun đúc qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước đã tạo nên những chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong đó có sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Chương II cũng là chương gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả với sự tham gia của dàn nghệ sĩ tên tuổi. Bên cạnh những ca khúc hào hùng như "Lá Cờ Đảng", liên khúc "19 tháng 8" đan cài với những ca khúc mang giai điệu trữ tình sâu lắng của Mùa thu nhớ, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người...đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, vừa tự hào với lịch sử đấu tranh hào hùng của đất nước, vừa tưởng nhớ, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 7.

Các tiết mục của chương III mang đến không khí sôi nổi

Chương III: Sắc màu hội tụ- Tỏa sáng nhằm nhấn mạnh Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức sống, phẩm chất, bản lĩnh, cốt cách của dân tộc, con người Việt Nam, gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Văn hóa ấy được bảo tồn, gìn giữ, kế thừa, phát triển sẽ làm nên một diện mạo, đặc trưng, sức sống mới, thể hiện trình độ phát triển, đặc tính nhân văn, ưu việt, vẻ đẹp Chân, Thiện, Mỹ của con người, đất nước Việt Nam. Lòng yêu nước, thương nòi; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí độc lập, tự cường, sáng tạo, nhân ái, nhân văn… là hành trang đưa dân tộc ta vững bước về phía tương lai.

Sắc màu hội tụ- Tỏa sáng gồm các tác phẩm: Hát múa "Tiếng gọi Việt Nam"; Múa "Vũ điệu ánh sáng"; liên khúc hát múa "Việt Nam tôi", "Hãy vươn cao hơn", "Văn hóa soi đường", "Chân trời rộng mở"... qua sự thể hiện của các ca sĩ Lê Anh Dũng, Tố Loan, Vân Anh, Kiều Oanh... lan tỏa không khí sôi nổi, vui tươi, hào hứng, tiếp thêm niềm tin và hy vọng về tương lai tươi sáng của đất nước.

Giai điệu Tổ quốc: Tôn vinh văn hóa bằng nghệ thuật - Ảnh 8.

Các đại biểu tặng hoa nghệ sĩ tham gia Chương trình

Giai điệu Tổ quốc là tổng hòa của ánh sáng đẹp mắt, vũ đạo và xiếc đầy kỹ thuật, cùng những giọng ca hàng đầu Việt Nam, tạo nên một chương trình nghệ thuật hấp dẫn. Những ca khúc với tinh thần quảng bá những nét đẹp về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam; nêu bật văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh, để có thành tựu rực rỡ đáng tự hào như ngày hôm nay. Qua Chương trình, khán giả hiểu thêm về thành tựu của ngành Văn hóa trong 78 năm phát triển cùng lịch sử dân tộc, hiểu hơn về truyền thống dựng nước và giữ nước từ ngàn đời của dân tộc ta; từ đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc, "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Thể hiện ca khúc Lá cờ Đảng trong tiết mục mở đầu chương II- Đất nước, NSND Quang Thọ khiến khán giả không khỏi kinh ngạc và thán phục chất giọng vang, khỏe đầy nội lực của một nghệ sĩ ở tuổi gần 80. NSND Quang Thọ cho biết, chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc một lần nữa nhấn mạnh, văn hóa là một mặt trận quan trọng. Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó. "Từ khi chúng ta đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước; tham gia cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; rồi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và khi hòa bình lập lại, nhiều nghệ sĩ trên mặt trận chiến đấu, mặt trận văn hóa đã dần trưởng thành. Dưới "ánh sáng văn hoá" của Đảng, giới văn nghệ sĩ đã tích cực sáng tác nhiều ca khúc, khơi dậy tinh thần đoàn kết chống giặc xâm lăng và nay là cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước ngày càng tươi đẹp. Các ca khúc đã "kết" thành một "kho tàng" văn hóa của đất nước và chương trình lần này tái hiện, làm mới những khúc tráng ca đó", NSND Quang Thọ cho biết.

NSND Quang Thọ chia sẻ, dù đã nhiều lần thể hiện "bài ca đi cùng năm tháng" Lá cờ Đảng vào những dịp lễ lớn nhưng lần này được hát vào dịp kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hoá, trong ông có những xúc cảm đặc biệt.

Là ca sĩ trẻ tham gia Chương trình, Sao Mai Đào Tố Loan cho biết: "Giai điệu Tổ quốc là chương trình đặc biệt ý nghĩa để quảng bá cho bạn bè trong nước, quốc tế về truyền thống văn hóa từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Những sắc màu của ngành Văn hóa đều hội tụ trong chương trình nghệ thuật đặc biệt lần này. Được hát những khúc ca ca ngợi quê hương, đất nước và chính ngành Văn hóa của mình là vinh dự với bất kỳ nghệ sĩ nào. Bên cạnh việc gửi đến khán giả cả nước những món ăn tinh thần đặc biệt, đây còn là cách để giới nghệ sĩ thể hiện lòng tự hào về dân tộc. Từ đó lan tỏa khát vọng cống hiến, chung tay dựng xây nước, hết mình cho ước mơ Việt Nam hùng cường vươn xa".

Mang đến Giai điệu Tổ quốc ca khúc Việt Nam tôi do chính mình cùng người chồng, nhạc sĩ Công Hưng sáng tác, Đào Tố Loan cho hay đây không phải là lần đầu tiên cô thể hiện ca khúc này trên sân khấu. Nhưng cách thể hiện cùng bản phối khí lần này khác với tất cả những lần thể hiện trước đó. Mang âm hưởng của ca trù – di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, phần thể hiện "khoác áo mới" cho ca khúc Việt Nam tôi không phải ngẫu nhiên. "Việc bản phối mới mang âm hưởng ca trù cũng là cách để chúng tôi truyền tải thông điệp về thế hệ trẻ ngày nay hãy biết trân quý những giá trị văn hóa truyền thống để từ đó có sự tiếp nối, phát huy các giá trị", Đào Tố Loan bày tỏ.


Hồng Hà- ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ